Triển khai kỹ thuật laser nội mạch trong điều trị suy giãn tĩnh mạch

Điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng laser nội mạch được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh thực hiện thành công giúp bệnh nhân phục hồi nhanh, không gây biến chứng.

 Bệnh nhân V.Đ.T bị suy giãn tĩnh mạch chân phải được các bác sỹ điều trị bằng phương pháp Laser nội mạch.

Bệnh nhân V.Đ.T bị suy giãn tĩnh mạch chân phải được các bác sỹ điều trị bằng phương pháp Laser nội mạch.

Bệnh nhân V.Đ.T (53 tuổi, trú tại TP Hà Tĩnh) được đưa đến khám tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh với các triệu chứng: đau mỏi, tê bì, nổi tĩnh mạch ở vùng cẳng chân… Bệnh nhân T. được bác sỹ thăm khám, chẩn đoán bị suy giãn tĩnh mạch chân phải và được tư vấn điều trị bằng phương pháp laser nội mạch.

Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia đến từ Bệnh viện Việt Đức, các bác sỹ BVĐK tỉnh đã dùng phương pháp nhiệt nội tĩnh mạch, đốt và loại bỏ hoàn toàn các tĩnh mạch suy, giãn. Sau gần 1 giờ đồng hồ thực hiện phương pháp laser nội mạch, bệnh nhân T. đã đi lại được, dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới.

 Phương pháp Laser có khả năng loại bỏ hầu hết các triệu chứng bệnh giãn tĩnh mạch như đau nhức, nặng nề, nổi gân xanh…

Phương pháp Laser có khả năng loại bỏ hầu hết các triệu chứng bệnh giãn tĩnh mạch như đau nhức, nặng nề, nổi gân xanh…

Bác sỹ CKI Nguyễn Thị Tuyết Hòa - Phó trưởng Khoa Tim mạch (BVĐK tỉnh) cho biết: “Can thiệp với laser nội mạch là phương pháp ít xâm lấn, điều trị giãn tĩnh mạch hiệu quả nhất hiện nay. Tính ưu việt của phương pháp này là có khả năng loại bỏ hầu hết các triệu chứng bệnh giãn tĩnh mạch như đau nhức, nặng nề, nổi gân xanh chỉ với thủ thuật đơn giản, thời gian can thiệp ngắn”.

Bác sỹ Hà Tĩnh khuyến cáo: Nếu không phát hiện sớm để điều trị phù hợp, bệnh giãn tĩnh mạch chân sẽ có những biến chứng loét, nhiễm trùng, đặc biệt là sự hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Các cục máu này có thể gây tắc mạch máu tại chỗ hoặc di chuyển theo dòng máu và gây tắc mạch chỗ khác, trong đó nguy hiểm nhất là tắc mạch phổi, có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Vì vậy, những người có nguy cơ cao về suy giãn tĩnh mạch như phụ nữ trong độ tuổi 35-50, làm công việc đứng lâu, ngồi lâu và đang có triệu chứng sớm như: đau nhức, sưng nề, tê bì, mỏi, nặng chân về chiều, chuột rút về đêm, xuất hiện các tĩnh mạch xanh tím nổi trên chân... nên đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán và điều trị sớm. Tùy vào cấp độ của bệnh, các bác sỹ sẽ áp dụng các biện pháp khác nhau: dùng thuốc, chích xơ, laser nội mạch hoặc phẫu thuật...

Tuấn Dũng

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/trien-khai-ky-thuat-laser-noi-mach-trong-dieu-tri-suy-gian-tinh-mach-post266361.html