Trẻ mắc sởi khi chưa đủ tuổi tiêm chủng, Bộ Y tế nêu giải pháp

Đại diện Bộ Y tế cho biết đang tiếp tục xây dựng kế hoạch tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 - 9 tháng tuổi. Sau khi hoàn tất thủ tục bổ sung 260.000 liều vaccine từ WHO, Bộ sẽ phân bổ đến các tỉnh để triển khai tiêm.

Trẻ điều trị sởi tại Bệnh viện Nhi Hà Nội (Ảnh: BVCC)

Trẻ điều trị sởi tại Bệnh viện Nhi Hà Nội (Ảnh: BVCC)

Thông tin này được đưa ra tại buổi gặp mặt báo chí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025 do Bộ Y tế tổ chức chiều 20/12, tại Hà Nội.

TS. Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu tỷ lệ tiêm chủng thấp, dịch sởi sau đại dịch COVID-19 sẽ có nguy cơ cao xảy ra tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trước cảnh báo này, ngay từ đầu năm, Bộ Y tế đã xây dựng chiến dịch tiêm vaccine sởi nằm ngoài chương trình Tiêm chủng mở rộng, mở rộng tiêm cho trẻ từ 1 - 10 tuổi và tổ chức tiêm cho 18 tỉnh/thành có nguy cơ cao và rất cao. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ tiêm chủng đạt 98%, hơn 1,2 triệu liều vaccine do WHO viện trợ đã tiêm hết.

Tuy nhiên, đáng lo ngại, trong thời gian qua, thực tế có nhiều ca mắc sởi nằm ngoài độ tuổi tiêm chủng là 9 - 18 tháng và 1 - 10 tuổi, có 27,2% số ca mắc nằm dưới độ tuổi 9 tháng. Trong khi đó tại chương trình Tiêm chủng mở rộng, lịch tiêm chủng 2 mũi vaccine sởi cho trẻ em là 9 tháng và 18 tháng.

"Hiện có 30 địa phương xin tham gia vào chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 1 - 10 tuổi và Bộ Y tế sẽ mở rộng độ tuổi tiêm từ 6 - 9 tháng tuổi. Sau khi được sự đồng tình, hiện TP HCM đang triển khai chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 6 - 9 tháng tuổi. Bộ Y tế sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch, sau khi hoàn tất thủ tục bổ sung thêm 260.000 liều vaccine từ WHO, Bộ sẽ phân bổ đến các địa phương đã đề xuất để triển khai tiêm", Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng thông tin.

Theo WHO, vaccine sởi đơn giá có thể tiêm cho trẻ em từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trong các vụ dịch như là một biện pháp chống dịch tăng cường. Mũi vaccine này được xem như là mũi "sởi 0" và sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng 2 mũi vaccine sởi theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.

Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh. Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi. Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95%.

Vì vậy để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:

- Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.

- Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

- Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

- Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

- Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Minh Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tre-mac-soi-khi-chua-du-tuoi-tiem-chung-bo-y-te-neu-giai-phap-post535546.html