Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Hiện nay, việc điều trị bệnh gai đen còn gặp rất nhiều khó khăn và chưa có công thức cụ thể. Các biện pháp can thiệp, điều trị kết hợp nhiều liệu pháp khác nhau bao gồm tâm lý, dinh dưỡng và nội tiết.

Hỏi:

Con trai tôi năm nay 10 tuổi, nặng hơn 50kg, thời gian gần đây vùng cổ sau gáy xuất hiện vệt đen như bẩn chưa tắm sạch, vậy có gì bất thường không?

Nguyễn Hoàng Lan (Hà Nội)

Ảnh minh họa.

BS Lê Phong, Bệnh viện An Việt trả lời:

Khi thừa cân, béo phì kèm theo gai đen ở vùng nếp gấp da, trẻ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao gấp từ 5 - 8 lần so với những trẻ thừa cân, béo phì nhưng không có hiện tượng này. Đây là nguy cơ nên vẫn có thể áp dụng các biện pháp can thiệp, ngăn chặn tiến triển thành bệnh đái tháo đường, do đó các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng.

Bệnh gai đen này thường xuất hiện ở trẻ trong độ tuổi từ 8-15, và thường tưởng nhầm những đám da đen do trẻ vệ sinh kém. Nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, bệnh có thể chuyển thành đái tháo đường thực sự - căn bệnh mạn tính với rất nhiều biến chứng nguy hiểm.

Hiện nay, việc điều trị bệnh gai đen còn gặp rất nhiều khó khăn và chưa có công thức cụ thể. Các biện pháp can thiệp, điều trị kết hợp nhiều liệu pháp khác nhau bao gồm tâm lý, dinh dưỡng và nội tiết.

Đầu tiên cần cho trẻ giảm cân cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng. Việc thực hiện chế độ dinh dưỡng cần dựa trên từng cá thể, là trẻ nam hay nữ, lứa tuổi bao nhiêu, hoạt động thể lực thế nào… để tính toán giúp cho trẻ được cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng mỗi ngày nhưng vẫn đảm bảo đạt được mục tiêu giảm cân.

Cha mẹ cần kiên trì cho con thực hiện dài lâu. Khi trẻ đã kiểm soát được cân nặng và hết triệu chứng gai đen trên da thì khi trưởng thành, trẻ vẫn cần tiếp tục thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động khoa học, hợp lý duy trì cân nặng phù hợp.

.

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tre-beo-phi-co-vet-den-vung-co-co-dang-lo-192240523220650463.htm