TPHCM khó hút bác sĩ trẻ chỉ với… tinh thần cống hiến
Ngành Y tế TPHCM có sáng kiến đưa sinh viên y khoa thực hành 18 tháng ở trạm y tế để từ đó tạo nguồn nhân lực cho y tế cơ sở.
Ngành Y tế TPHCM có sáng kiến đưa sinh viên y khoa thực hành 18 tháng ở trạm y tế để từ đó tạo nguồn nhân lực cho y tế cơ sở. Tuy nhiên, sau khi đủ thời gian thực hành và được cấp chứng chỉ hành nghề, đa phần các bác sĩ trẻ đều rời khỏi vùng sâu, vùng xa của thành phố để tiến về trung tâm.
Thực hành đủ 18 tháng rồi đi
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) - cho biết, tỷ lệ sinh viên năm 2 và năm 3 chọn theo con đường thực hành bệnh viện gắn với trạm y tế đang có chiều hướng giảm.
Xu hướng này thể hiện rõ qua kết quả của sự kiện dành cho các y bác sĩ tại TPHCM vừa được tổ chức vào trung tuần tháng 8. Tại sự kiện này, trong 244 bác sĩ mới ra trường, rất ít người chọn về các cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa, dù trước đó họ đã được hỗ trợ để thực hành ở những nơi này. 13/64 cơ sở y tế đã ra về mà không thể có được đủ nguồn nhân lực cần thiết.
Các đơn vị tuyển không đủ người như Trung tâm cấp cứu 115, Bệnh viện huyện Củ Chi, Bệnh viện huyện Nhà Bè, Trung tâm Y tế các quận, huyện: 4, 6, 11, Bình Tân, Phú Nhuận, Tân Phú, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và Cần Giờ.
Những cơ sở y tế này có nhu cầu tuyển dụng từ 10 đến 20 bác sĩ. Đặc biệt, Bệnh viện huyện Cần Giờ có nhu cầu tuyển đến 18 nhân sự, gồm bác sĩ nhi khoa, gây mê hồi sức, sản khoa, y học gia đình, hồi sức cấp cứu, nội khoa, ngoại khoa, mắt, chẩn đoán hình ảnh và tai mũi họng nhưng đã không tuyển được ai.
BS Đoàn Ngọc Hệ - Giám đốc Trung tâm Y tế, kiêm Giám đốc Bệnh viện huyện Cần Giờ - nhận định: Từ trước đến nay, Cần Giờ luôn tạo điều kiện và tìm cách thu hút bác sĩ về làm việc.
Tuy nhiên, các bác sĩ trẻ không chịu về có thể là do e ngại đi lại xa xôi và khó có cơ hội được phát triển chuyên môn. Các bác sĩ trẻ rất quan tâm đến thu nhập, chính sách đãi ngộ và được nâng cao trình độ. Nhiều bác sĩ mới ra trường đặt vấn đề rằng về Cần Giờ thì có được đi học ngay hay không?
Bệnh viện huyện Củ Chi cũng là một trong các cơ sở y tế không tuyển đủ nhân lực. Bà Phạm Thị Thanh Hiền - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi - lý giải: Sau 18 tháng thực hành tại các trạm y tế, khi nhận được chứng chỉ hành nghề, các bác sĩ trẻ đều rời bỏ trạm y tế, xin vào các bệnh viện lớn ở trung tâm của thành phố để nâng cao tay nghề.
Theo phân tích của bà Phạm Thị Thanh Hiền, tại các bệnh viện quận huyện, số bệnh nhân đến khám và điều trị ít nên thu nhập cho bác sĩ thấp; trang thiết bị, máy móc cũng chưa tốt.
Không chỉ thế, hiện nay, các trạm y tế tại TPHCM còn đang cần 302 loại thuốc chữa các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường và hen phế quản. Các loại thuốc này không đáp ứng tiêu chí đấu thầu tại địa phương nên TPHCM không thể mua sắm các loại thuốc này cho trạm y tế.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - nhận định: Đây là một vòng luẩn quẩn, cần phải giải quyết đồng bộ. Vì nếu không có thuốc thì bệnh nhân không đến trạm y tế. Bệnh nhân không đến thì bác sĩ không chịu về. Trạm y tế không có bệnh nhân thì bảo hiểm y tế không chịu ký hợp đồng.
Thực hành quan trọng hơn thu nhập
BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), cho rằng, dù là ở bất cứ thời nào, tinh thần cống hiến của nhân viên y tế là luôn luôn có. Nhưng để làm việc thì không thể chỉ dựa vào tinh thần cống hiến được.
“Với bác sĩ, điều quan trọng nhất là được thực hành để nâng cao tay nghề, nâng cao chuyên môn, vì họ là những người đi theo con đường lâm sàng. Mức lương cũng rất quan trọng nhưng làm sao để không lụt tay nghề còn quan trọng hơn rất nhiều”, BS Trương Hữu Khanh nói.
Vì vậy, theo BS Trương Hữu Khanh, vấn đề nằm ở cơ chế làm việc và chế độ ưu đãi cho bác sĩ trẻ mới ra trường. Để có nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, nhất là ở trạm y tế, cần gắn việc thực hành tại trạm với các bệnh viện quận, huyện. Điều này phải được thực hiện một cách thực chất và bài bản, có sự quản lý rõ ràng.
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) - nhận định, chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện gắn với trạm y tế dành cho sinh viên y khoa mới tốt nghiệp là một định hướng tốt của ngành Y tế thành phố.
Tuy nhiên, sau quá trình thực hành này, thành phố cần có thêm chế độ phù hợp cho bác sĩ trẻ như đảm bảo về thu nhập không quá chênh lệch so với bác sĩ làm việc ở trung tâm thành phố; đảm bảo phát triển chuyên môn cho bác sĩ ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, y tế cơ sở như trạm y tế cũng phải trang bị máy móc, đủ thuốc men cần thiết để thu hút người dân đến khám chữa bệnh.
Còn theo BS Cao Tấn Phước - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TPHCM) thì để thu hút bác sĩ trẻ, cần tạo điều kiện để họ được học tập, nâng cao tay nghề. Cơ sở y tế cũng nên tạo môi trường làm việc tốt, thân thiện, có nhiều cơ hội để bác sĩ trẻ thăng tiến cũng như đảm bảo mức thu nhập đủ để trang trải sinh hoạt hàng ngày.
Định hướng của ngành Y tế TPHCM về chăm lo sức khỏe cho người dân ở vùng sâu, vùng xa là một định hướng nhân văn và sáng tạo, nhằm bổ sung nguồn nhân lực cho các trạm y tế. Tuy nhiên, trước làn sóng nghỉ việc của nhân viên y tế trong cả nước, việc giữ chân bác sĩ còn khó khăn thì thu hút bác sĩ trẻ về vùng sâu, vùng xa xem ra còn khó khăn hơn rất nhiều.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, số lượng nhân viên y tế nghỉ việc ở TPHCM là 547 người, trong đó có 202 bác sĩ và 239 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên. Lý do nghỉ việc được cho là do áp lực công việc cao, không đảm bảo sức khỏe làm việc, sức khỏe suy giảm sau dịch Covid-19, đơn vị công tác xa nhà; mức thu nhập thấp so với nơi làm việc khác hoặc muốn thay đổi môi trường làm việc.