TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ hội Khai hạ - Cầu an năm 2025
Khai hạ - Cầu an là một trong 3 lễ hội truyền thống tại TP Hồ Chí Minh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cùng với Lễ hội Nghinh Ông ở huyện Cần Giờ; Tết Nguyên Tiêu ở quận 5, 6 và 11 - nơi có nhiều người Hoa sinh sống.
Ngày 4/2 (tức mùng 7 Tết Nguyên đán Ất Tỵ), UBND quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Quản lý Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (hay còn gọi là Lăng Ông - Bà Chiểu), tổ chức Lễ hội Khai hạ - Cầu an năm 2025.
Dự lễ có Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Hồ Chí Minh Trần Kim Yến; Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy - Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh; Thành ủy viên - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy; lãnh đạo các sở, ngành và quận Bình Thạnh.
Lễ hội Khai hạ - Cầu an được tổ chức hằng năm vào ngày mùng 7 tháng Giêng tại Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt với các nghi thức tế, lễ cung đình triều Nguyễn. Lễ này xuất phát từ lúc Đức Tả quân Lê Văn Duyệt còn làm Tổng trấn cai quản thành Gia Định. Ông chọn ngày mùng 7 Tết làm ngày Khai hạ, một nghi thức kết thúc các hoạt động vui chơi trong Tết Nguyên đán, người dân quay lại cuộc sống thường nhật.
Lễ hội Khai hạ - Cầu an, gồm 4 phần: hạ nêu, khai hạ, khai bút và khai ấn. Sau nghi thức hạ nêu (trước đó vào ngày 29 Tết, sau khi cúng thần tại sân Lăng, lễ dựng nêu diễn ra đánh dấu một năm kết thúc và báo hiệu Tết đến, Xuân về), Ban Quý tế thực hiện nghi thức khai hạ, rước lễ vào điện thờ, dâng hương, dâng rượu, đọc văn khấn nguyện cho các bậc tiền nhân, cầu cho quốc thái dân an.
Tiếp sau 2 nghi thức nêu trên là nghi thức khai bút đầu Xuân, với nội dung viết là những điều tốt đẹp, mong muốn một năm được hanh thông, thuận lợi. Cuối cùng là nghi thức khai ấn của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt với bốn chữ “Tả quân chi ấn”. Ban Quý tế chuẩn bị sẵn các bức thư pháp với chữ Phúc, Thọ, Đức… để người khai ấn đóng lên, sau đó tặng những bức thư pháp này cho những người có nhiều đóng góp cho xã hội.
Lễ hội Khai hạ - Cầu an là một hoạt động văn hóa tiêu biểu của người dân Nam Bộ nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng. Ngoài lễ hội này, tại TP Hồ Chí Minh còn có 2 lễ hội truyền thống khác cũng được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, gồm: Lễ hội Nghinh Ông ở huyện Cần Giờ và Tết Nguyên Tiêu ở các quận 5, 6 và 11 - nơi có nhiều người Hoa sinh sống.
Cùng ngày, trong khuôn khổ lễ hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP cùng Ban Tổ chức Lễ hội đã phát động “Tết Trồng cây” - một nét văn hóa truyền thống ý nghĩa của dân tộc. Trong đó, Ban Tổ chức trao tặng 2 cây trắc bá diệp để trồng lưu niệm tại Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt; đồng thời, trao tặng 1.500 cây cho 15 phường thuộc quận Bình Thạnh.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tp-ho-chi-minh-to-chuc-le-hoi-khai-ha-cau-an-nam-2025.html