Độc đáo Lễ hội 'rước cụ Thượng' tại Quảng Ninh

Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 5-7 tháng Giêng hằng năm để tưởng nhớ các vị Tiên Công có công khám phá, khai khẩn, lập hòn đảo Hà Nam trù phú, thuộc thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh ngày nay.

Cụ bà 90 tuổi phấn khởi khi được tham gia lễ rước lên miếu Tiên Công. (Ảnh: Thanh Vân/TXTVN)

Cụ bà 90 tuổi phấn khởi khi được tham gia lễ rước lên miếu Tiên Công. (Ảnh: Thanh Vân/TXTVN)

Lễ hội Tiên Công hay lễ “rước người” là một lễ hội độc đáo và được người dân các xã, phường của vùng đảo Hà Nam duy trì, tổ chức với quy mô khá lớn.

Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 5-7 tháng Giêng hằng năm để tưởng nhớ các vị Tiên Công có công khám phá, khai khẩn, lập hòn đảo Hà Nam trù phú, thuộc thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Đây cũng là thời điểm để con cháu mừng thọ các cụ thượng thọ với lễ rước lên miếu Tiên Công.

Trong ngày 4/2, tại Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia miếu Tiên Công xã Cẩm La, 35 cụ thượng thọ tròn 80, 90 và 100 tuổi của 3 xã, phường Yên Hải, Phong Cốc, Phong Hải đã được rước trên võng đào ra miếu Tiên Công làm lễ tế các bậc tiên tổ.

Cụ Nguyễn Thanh Quỳnh (80 tuổi), khu 7 phường Phong Cốc chia sẻ, sự kiện hôm nay là bước ngoặt với cụ. Cụ thường xuyên tập luyện thể dục hàng chục năm nay, ăn uống và sinh hoạt lành mạnh để sức khỏe tốt. Cụ hy vọng lễ hội là nơi lan tỏa truyền thống "uống nước nhớ nguồn," tinh thần sống lạc quan để mọi người đều mạnh khỏe, thượng thọ.

Cụ Lê Đức Khánh (100 tuổi) ở xóm Cống Mương, phường Phong Hải là con cháu họ Lê - dòng họ có lịch sử lâu đời, đóng góp vào quá trình khai hoang, lập ấp trên đảo Hà Nam.

Hằng năm, vào dịp lễ hội Tiên Công, con cháu dòng họ Lê cùng các dòng họ khác thực hiện nghi lễ truyền thống để tưởng nhớ công lao của tổ tiên. Qua đó, thế hệ sau hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này, thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dòng họ, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương đã góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa ở thị xã Quảng Yên.

Nhìn dòng người nô nức rước các cụ thượng, bà Bùi Thị Nghiên (89 tuổi) ở khu 1, phường Phong Hải chia sẻ, bà rất phấn khởi và hy vọng bà sẽ tiếp tục được rước lần hai ở tuổi 90.

Miếu Tiên Công là nơi thờ phụng 17 vị Tiên Công, họ là những người sống chủ yếu bằng canh tác nông nghiệp và đánh cá ven hồ, ven sông Kim Ngưu, ở thành Thăng Long và tỉnh Nam Định.

Vào thế kỷ XV, họ cùng gia đình xuôi theo dòng sông Hồng, ra cửa sông Bạch Đằng, dần khám phá ra các gò đất và khai phá, quây đê, lấn biển để có được vùng đảo Hà Nam phát triển như ngày nay.

Nghi thức rước các cụ thượng thọ thể hiện tinh thần "kính lão đắc thọ," nét văn hóa đặc trưng của người dân vùng đảo Hà Nam, khơi dậy tinh thần sống khỏe, sống lành mạnh trong mỗi người dân, là nét văn hóa đặc sắc riêng có của địa phương này. Đặc biệt, năm 2025 là năm đầu tiên lễ hội này tổ chức rước tập thể các cụ thượng ở các xã, phường.

Ông Dương Văn Hào, Phó Chủ tịch thị xã Quảng Yên cho biết, năm nay có khoảng 200 cụ ở 3 xã, phường vùng đảo Hà Nam thượng thọ ở độ tuổi 80, 90 và 100. Song, do sức khỏe nên có 35 cụ ở 3 phường được rước tập thể (Yên Hải có 16 cụ, Phong Cốc 11 cụ, Phong Hải 8 cụ).

 Các cụ thượng có mặt làm lễ cáo yết với tổ tiên tại miếu Tiên Công. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Các cụ thượng có mặt làm lễ cáo yết với tổ tiên tại miếu Tiên Công. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Đây dịp để người dân ôn lại truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tôn vinh những người đã đặt nền móng cho vùng đất Hà Nam phát triển.

Đây cũng là một hoạt động trọng điểm của thị xã Quảng Yên hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2025, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thúc đẩy du lịch địa phương.

Lễ hội còn là minh chứng sinh động cho truyền thống tôn vinh người cao tuổi, một nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam.

Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, khẳng định vai trò và ý nghĩa của lễ hội trong đời sống tinh thần của người dân; cơ hội để cộng đồng gắn kết, giáo dục truyền thống và quảng bá nét đẹp văn hóa độc đáo của Quảng Ninh tới du khách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/doc-dao-le-hoi-ruoc-cu-thuong-tai-quang-ninh-post1010529.vnp