Tp. Hồ Chí Minh: Tập trung cao giải phóng mặt bằng khởi công Vành đai 3 trước 30/6

Trước 30/6, các địa phương phải bàn giao mặt bằng đạt ít nhất 80% để khởi công dự án Vành đai 3.

Đây là nội dung được Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết Chỉ thị 17/CT-TU của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố về tăng cường lãnh đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án thu hồi đất; thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; phát động nội dung thi đua giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3 diễn ra ngày 28/4.

Công trường thi công dự án nút giao An Phú, nút giao thông quan trọng kết nối với cao tốc và Vành đai 3.

Công trường thi công dự án nút giao An Phú, nút giao thông quan trọng kết nối với cao tốc và Vành đai 3.

Theo đó, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi yêu cầu trước ngày 30/6, lãnh đạo các địa phương có dự án Vành đai 3 đi qua phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để giải phóng mặt bằng đạt 80% diện tích, trước hết là đất nông nghiệp. Đây là nhiệm vụ quan trọng để khởi công dự án Vành đai 3 trên địa bàn tất cả 4 địa phương gồm thành phố Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, ông Phan Văn Mãi cũng lưu ý các địa phương và chủ đầu tư làm tốt việc xác định giá, chính sách về bồi thường, hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi. Thành phố hướng đến thực hiện dự án Vành đai 3 như một kiểu mẫu, làm sao điều kiện sống của bà con nơi tái định cư thực sự thật sự tốt.

Dự án Vành đai 3 dài hơn 76 km với tổng mức đầu tư 75.300 tỷ đồng, đi qua Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, dự án có chiều dài khoảng 47,51 km với diện tích đất chiếm dụng 412 ha, khoảng 1.671 hộ dân bị ảnh hưởng. Số trường hợp có nhà đất bị giải tỏa trắng là 663 trường hợp; trong đó số trường hợp đủ điều kiện tái định cư khoảng 410 trường hợp.

Theo ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh, diện tích đất nông nghiệp thuộc phạm vi dự án chiếm hơn 90%, nếu làm theo cách thông thường (bồi thường đất nông nghiệp và đất ở cùng lúc) sẽ chậm bàn giao mặt bằng để triển khai dự án. Do đó, giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3 được chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 áp dụng cho tất cả các trường hợp có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng dự án và các trường hợp đất ở, vừa có đất ở vừa có đất nông nghiệp đồng thuận cho thu hồi đất trước hạn. "Đây là cách làm mới so với các dự án khác, có thể tiết kiệm được hơn 90 ngày so với kế hoạch đề ra; đồng thời có thể bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30/6", ông Võ Trung Trực chia sẻ.

Giai đoạn 2 sẽ áp dụng cho các trường hợp còn lại, gồm các trường hợp đất ở, vừa có đất ở vừa có đất nông nghiệp không đồng thuận cho thu hồi đất trước hạn. Các địa phương sẽ thực hiện công tác chi trả tiền bồi thường trong tháng 8 và phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 15/11.

Từ nay đến 15/6, Tp. Hồ Chí Minh dự kiến giải ngân 8.800 tỷ đồng cho công tác bồi thường và 2.000 tỷ đồng trong xây lắp. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tp. Hồ Chí Minh cho biết, để giải ngân hơn 10.000 tỷ đồng trong vòng 2 tháng là nhiệm vụ vô cùng lớn, chưa từng có ở thành phố. Nhưng với sự quyết tâm, cả hệ thống chính trị 4 địa phương và các sở ngành, cũng như sự đồng thuận ủng hộ của bà con nhân dân, thành phố tin tưởng nhiệm vụ vô cùng thách thức này sẽ hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Về thực hiện Chỉ thị 17-CT/TU ngày 12/1/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh Võ Trung Trực cho biết, sau thời gian thực hiện, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã có những chuyển biến rõ rệt, bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người có đất bị thu hồi; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gắn liền với công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đã tạo điều kiện bàn giao đất đúng tiến độ, đủ diện tích cho các nhà đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Định hướng thực hiện Chỉ thị 17 thời gian tới, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi lưu ý, thành phố phải chuẩn bị thật kỹ để có được quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh theo Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, Thành phố cần đón đầu để triển khai thí điểm các cơ chế, chính sách theo tinh thần dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và tinh thần của Luật Đất đai sửa đổi.

Lãnh đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các địa phương quan tâm lãnh đạo, tiếp tục triển khai Chỉ thị 17 hiệu quả. Thống nhất đến cuối tháng 6, phải giải phóng cho được ít nhất 70% mặt bằng để đủ điều kiện khởi công các dự án trên địa bàn. Đây là cơ sở để thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Tp. Hồ Chí Minh.

Tin, ảnh: Tiến Lực (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tp-ho-chi-minh-tap-trung-caogiaiphong-mat-bangkhoi-cong-vanh-dai-3-truoc-306-20230428182916652.htm