Tổng thuật: Khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
Để công trình được hoàn thành đảm bảo an toàn, chất lượng và đáp ứng tiến độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu UBND các tỉnh tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp.
Sáng nay (17/6), Bộ GTVT phối hợp cùng UBND các tỉnh: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng tổ chức lễ khởi công dự án cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với hình thức kết nối trực tuyến 4 điểm cầu. Trong đó, điểm cầu chính được đặt tại vị trí đầu tuyến Km 0+314 thuộc địa phận xã Vĩnh Tế, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Ba điểm cầu phụ được đặt tại TP.Cần Thơ (Ấp Thới Hiệp 2, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ), tỉnh Hậu Giang (khu dân cư vượt lũ Tân Hòa, huyện Châu Thành A) và tỉnh Sóc Trăng (thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên).
Tạp chí Giao thông vận tải tường thuật trực tiếp sự kiện quan trọng này.
10h30: Tại điểm cầu An Giang, Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu chính thức bấm nút khởi công dự án. Cùng thời điểm này, tại 3 điểm cầu khác là: Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, cũng đồng loạt nhấn nút khởi công dự án quan trọng này.
9h40 tại An Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo và phát lệnh khởi công dự án
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: "Hôm nay, tôi rất vui mừng được cùng các quý vị đại biểu và bà con nhân dân tham dự và chứng kiến Lễ khởi công đồng loạt 4 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Trong thời gian rất ngắn khoảng 1 năm so với mức trung bình 2 năm so với cách triển khai thông thường, tỉnh An Giang và 3 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng cùng các bộ, ngành, các đơn vị liên quan… đã nỗ lực để khởi công đồng loạt 4 dự án".
Theo Thủ tướng Chính phủ, điều này đặc biệt có ý nghĩa khi dự án tuyến đường bộ cao tốc trục ngang đi qua trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát huy hiệu quả khai thác các tuyến trục dọc, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các trung tâm kinh tế trong khu vực, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế. Đặc biệt là việc hình thành trục kết nối, giao thương và phát triển kinh tế - xã hội giữa Việt Nam với các nước tiểu vùng sông Mê Kông.
Thủ tướng cho biết, trong tháng 6 này, chúng ta liên tục khởi công các đường cao tốc. Trong sáng mai (18/6) sẽ khởi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và sắp tới là tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh. Do đó, việc hình thành các tuyến cao tốc sẽ đảm bảo tính đồng bộ kết nối giữa hệ thống các tuyến cao tốc với các vùng miền.
Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương sự cố gắng nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng; Bộ GTVT, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ, các ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn; đặc biệt là các tỉnh, thành phố đã phối hợp rất chặt chẽ.
Các tỉnh, thành phố có dự án đi qua đã nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện dự án. Kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, tuy nhiên công việc sắp tới còn rất lớn và nhiều thách thức. Đó là phải tiếp tục giải phóng mặt bằng các vị trí còn lại trong đó có nhiều vị trí tập trung đông dân cư, dễ phát sinh các khiếu nại. Đó là chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng, bãi đổ thải rất lớn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các địa phương trong cấp phép khai thác. Đó là thi công khối lượng công trình rất lớn trong khoảng thời gian không dài và chịu ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết.
"Do vậy, để công trình được hoàn thành đảm bảo an toàn, chất lượng và đáp ứng tiến độ, tôi yêu cầu UBND các tỉnh tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp. Chúng ta thi công phải luôn đảm bảo hiệu quả, chất lượng thi công, phải huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công", Thủ tướng nhấn mạnh.
"Tôi cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan của Trung ương, Ủy ban nhân dân 4 tỉnh, thành cùng phối hợp với Bộ GTVT tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Các bộ ngành liên quan của Trung ương, Ủy ban nhân dân 4 tỉnh, thành phố cùng phối hợp với Bộ GTVT, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, tôi yêu cầu các tỉnh có mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng ưu tiên cung cấp nguồn nguyên vật liệu cát đắp cho dự án", Thủ tướng nói.
Đối với các địa phương có dự án đi qua, Thủ tướng yêu cầu khi triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đảm bảo việc bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới bằng và tốt hơn nơi cũ. "Tôi cũng mong muốn bà con nhân dân có đất phải thu hồi phục vụ dự án ủng hộ chủ trương lớn của Nhà nước, tạo điều kiện cho các đơn vị thi công dự án", Thủ tướng chia sẻ.
Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ GTVT chịu trách kiểm tra, giám sát, hướng dẫn quy trình triển khai dự án cho các địa phương nhằm bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất. "Bộ GTVT là nơi hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các vấn đề chuyên ngành. Chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát và đôn đốc các địa phương trong quá trình thực hiện, bảo đảm tiến độ dự án. Trên tinh thần đó, tôi tuyên bố khởi công đồng loạt 4 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1", Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án.
9h30 tại Sóc Trăng, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: "Phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ"
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, để dự án được triển khai đúng tiến độ, bảo đảm yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật và độ an toàn, chủ đầu tư và các cơ quan liên quan còn rất nhiều việc phải làm.
Theo đó, các cơ quan chức năng của tỉnh phải tạo điều kiện thuận lợi nhất nhằm tháo gỡ khó khăn, sớm đưa dự án vào hoạt động. Bởi sự thành công của dự án sẽ góp phần rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
"Tôi đề nghị Ban Quản lý dự án 2 (tỉnh Sóc Trăng) với tư cách là chủ đầu tư quan tâm đôn đốc đơn vị thi công. Tổ chức tập trung nhân công, thiết bị, vật tư để triển khai công trình đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra nhằm đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân. Khi dự án triển khai, số lượng công nhân, người lao động trên công trường sẽ rất lớn, do đó chủ đầu tư, các nhà thầu cần tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn lao động, an toàn kỹ thuật, bảo đảm không để xảy ra các sự cố về môi trường. Đồng thời, tôi mong chính quyền và nhân dân các cấp với trách nhiệm và tình cảm của mình, trong phạm vi quyền hạn được giao hết sức ủng hộ và hỗ trợ để chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành dự án có ý nghĩa quan trọng này", ông Lâu nhấn mạnh.
9h15: Tại điểm cầu An Giang, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: "Tỉnh An Giang đã bồi thường, giải phóng mặt bằng đạt tỷ lệ 80,7%"
Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 25/4/2022 triển khai chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, dự án có tổng chiều dài tuyến là 188km, tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng, phạm vi thực hiện trải dài qua 4 địa phương gồm: tỉnh An Giang, TP.Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng.
Đây là dự án thuộc nhóm "dự án quan trọng quốc gia", mang tính chất liên vùng, có tác động lớn đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - ninh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh An Giang nói riêng, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông".
Đối với dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, UBND tỉnh An Giang được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan chủ quản thực hiện dự án thành phần 1 với chiều dài tuyến là 57km, tổng mức đầu tư dự án là 13.526 tỷ đồng.
Đây là lần đầu tiên, tỉnh An Giang được giao thực hiện dự án có quy mô đầu tư lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao và thời gian triển khai cấp bách; tỉnh An Giang đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban, để chỉ đạo triển khai thực hiện dự án.
Xác định sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, khối lượng công việc lớn phải thực hiện trong thời gian ngắn, cấp bách; Tỉnh An Giang đã khẩn trương rà soát và đã ban hành kế hoạch triển khai, cụ thể từng công việc, thời gian hoàn thành và gắn với nhiệm vụ của các đơn vị liên quan để làm cơ sở phối hợp và thực hiện.
Ban Chỉ đạo, UBND tỉnh đã liên tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm nhằm hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định của pháp luật để dự án đảm bảo được khởi công theo đúng kế hoạch đề ra; qua đó, trên tinh thần quyết tâm, khẩn trương thực hiện của chủ đầu tư, các sở, ngành, và các địa phương có dự án đi qua của tỉnh, trong thời gian ngắn đã thực hiện tốt và đúng quy định các công việc như: Bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư; lập, thẩm định và trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; lập, thẩm định và trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án; chuẩn bị nguồn và kế hoạch cung cấp vật liệu cho dự án; lập, trình thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự toán; công tác lựa chọn nhà thầu;...
Đặc biệt về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng: Đến ngày 16/6/2023, đã giải ngân bồi thường cho 1.020/1530 hộ, với diện tích khoảng 315/391 ha, đạt tỷ lệ 80,7%. Sau lễ khởi công, tỉnh An Giang sẽ tiếp tục quyết tâm thực hiện để dự án thành phần 1 hoàn thành theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng theo quy định; góp phần đưa dự án thành phần 1 vào khai thác đồng bộ với các dự án thành phần 2, 3 và 4, đảm bảo phát huy hiệu quả mục tiêu đầu tư của dự án.
8h55: Tại điểm cầu An Giang, thay mặt các nhà thầu tư vấn, ông Nguyễn Tuấn Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn Thiết kế GTVT phía Nam phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Tuấn Dũng cho biết, Công ty CP Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải phía Nam là đơn vị tham gia khảo sát - thiết kế từ bước báo cáo nghiên cứu khả thi đến bước thiết kế kỹ thuật cho 2 dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần 1 (tỉnh An Giang) và dự án thành phần 4 (tỉnh Sóc Trăng) thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Với yêu cầu thời gian hoàn thành hồ sơ rất ngắn, trong khi khối lượng công việc rất lớn và tính chất công trình đường cao tốc đi qua vùng đồng bằng sông Cửu Long,... Do đó, ngay từ đầu, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tiến độ chi tiết, phát động phong trào thi đua trong đơn vị, huy động tối đa nhân lực, vật lực và triển khai cùng lúc nhiều đội nhóm chuyên nghiệp, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, làm việc kể cả ngoài giờ, ngày nghỉ, ngày lễ.
Luôn chủ động khắc phục các khó khăn trong điều kiện địa hình vùng lũ, thượng nguồn sông Hậu, các vùng lầy, ngập nước dọc tuyến,... để hoàn thành hồ sơ thiết kế đáp ứng yêu cầu của dự án về tiến độ, chất lượng, giá thành, phù hợp với điều kiện tự nhiên, dân sinh khu vực tuyến đi qua, đặc biệt có xem xét đến thích ứng với biến đổi khí hậu và tuân thủ các quy định liên quan về đầu tư xây dựng dự án.
Trong thời gian tới, suốt quá trình thi công xây dựng, để công trình triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, theo thiết kế được phê duyệt. Chúng tôi cam kết tiếp tục nỗ lực cao nhất với phần công việc còn lại, sẽ bố trí nhân sự có chuyên môn phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, chủ đầu tư và đơn vị liên quan để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện cho đến khi hoàn thành dự án đưa vào sử dụng.
8h45, tại điểm cầu An Giang: Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm báo cáo về dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết: Việc các tỉnh, thành phố hoàn thành được một khối lượng công việc rất lớn trong một thời gian ngắn, đảm bảo điều kiện để khởi công ngày hôm nay khẳng định việc phân cấp cho các địa phương làm cơ quan chủ quản là một chủ trương đúng đắn, phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là thành công bước đầu, công việc tiếp theo còn rất nặng nề, nhiều khó khăn, thách thức. Qua thực tiễn triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông vừa qua, Bộ GTVT rút ra một số bài học kinh nghiệm để tổ chức thực hiện dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ như sau:
Một là, Công tác GPMB luôn là đường găng của các Dự án; do vậy, các địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai đồng thời một số công việc để đẩy nhanh tiến độ GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu tái định cư, giao mỏ vật liệu, xác định bãi đổ thải, hạn chế tối đa việc bàn giao mặt bằng "xôi đỗ" gây khó khăn trong quá trình thi công; cần quan tâm xây dựng các khu tái định cư đảm bảo tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, để người dân yên tâm về nơi ở mới, đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao của người dân bị ảnh hưởng, nhanh chóng bàn giao mặt bằng phục vụ thi công.
Hai là, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường rất lớn (gần 30 triệu m3), các địa phương cần chủ động có kế hoạch khai thác, cung cấp đủ nguồn vật liệu theo tiến độ thi công của dự án; đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc vật liệu để đảm bảo chất lượng, quản lý chặt chẽ giá vật liệu, kiên quyết không để xảy ra các hiện tượng đầu cơ, nâng giá, ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí xây dựng công trình.
Ba là, các địa phương cần quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư và các nhà thầu tổ chức thi công ngay từ những ngày đầu triển khai dự án; chủ động giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình triển khai theo thẩm quyền; chỉ báo cáo các nội dung vượt thẩm quyền; tránh các hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Bốn là, các chủ đầu tư, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp điều kiện thực tế, tổ chức thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường. Tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật của dự án, các quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Với vai trò là Bộ quản lý chuyên ngành, là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án, Bộ GTVT sẽ nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao; phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, có hiệu quả với các địa phương, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đưa dự án về đích đúng thời hạn.
8h30: Tại điểm cầu An Giang:
8h15: Tại điểm cầu An Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến tham dự buổi lễ
8h00, tại điểm cầu Sóc Trăng: Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (ngoài cùng bên trái) và ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng (bên phải) trao tặng nhà tình thương cho người dân huyện Mỹ Tú và TP.Sóc Trăng
7h55, tại điểm cầu An Giang: Đại diện nhà thầu thi công dự án trao tặng 15 nhà tình nghĩa trị giá 750 triệu đồng cho UBND tỉnh An Giang
7h45, tại điểm cầu Sóc Trăng: Người dân địa phương nô nức đến xem buổi lễ khởi công dự án
7h20, tại điểm cầu Sóc Trăng: Ông Trần Hồng Phong - Trưởng ban dân vận, Chủ tịch UBMTTQ huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng): "Bà con nhân dân địa phương rất vui mừng"
Ông Trần Hồng Phong - Trưởng ban dân vận, Chủ tịch UBMTTQ huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: "Được tin dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khởi công xây dựng và tuyến đường đi qua địa bàn huyện Trần Đề, bà con nhân dân địa phương rất vui mừng. Khi làm các nhiệm vụ giải phóng mặt bằng đi qua huyện người dân đều rất vui vẻ, sẵn sàng nhường đất để dự án sớm thực hiện. Công tác dân vận, tuyên truyền rất thuận lợi. Từ trước đến nay, huyện Trần Đề gặp nhiều khó khăn vì giao thông chưa thuận lợi. Khi có dự án này được xây dựng là niềm tự hào, thỏa ước mơ bấy lâu nay của nhân dân của Sóc Trăng. Trong tương lai, khi cảng Trần Đề được xây dựng sẽ tiếp tục là động lực lớn để phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt là việc kết nối đến các khu vực có cửa khẩu quốc tế, giúp cho việc giao thương thuận lợi, đời sống người dân được cải thiện hơn.
7h10: Tại điểm cầu An Giang, công tác đảm bảo an ninh được thắt chặt
7h00: Các công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất
Theo ghi nhận của PV Tạp chí Giao thông vận tải tại điểm cầu chính được đặt tại vị trí đầu tuyến Km 0+314 thuộc địa phận xã Vĩnh Tế, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang, đến 7h sáng công tác chuẩn bị cho lễ khởi công đã hoàn tất, thời tiết thuận lợi để tổ chức sự kiện đặc biệt quan trọng của khu vực.
Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ được đầu tư xây dựng nhằm hình thành trục ngang trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long qua TP.Cần Thơ, tỉnh An Giang, Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng, kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư.
Đồng thời, đây là dự án trọng điểm kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam, tạo không gian phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.
Theo đó, dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188,2 km đi qua 4 tỉnh thành: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Điểm đầu kết nối QL91 thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Điểm cuối giao quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng).
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 44.691 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô phân kỳ 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe.
Dự án được chia làm 4 dự án thành phần do 4 địa phương có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản. Cụ thể Dự án thành phần 1 có chiều dài khoảng 57,2 km thuộc địa phận tỉnh An Giang và TP Cần Thơ do UBND tỉnh An Giang là cơ quan chủ quản,tổng mức đầu tư 13.799 tỷ đồng.
Dự án thành phần 2 chiều dài khoảng 37,2 km thuộc địa phận TP.Cần Thơ do UBND TP Cần Thơ là cơ quan chủ quản, tổng mức đầu tư 9.845 tỷ đồng. Dự án thành phần 3 với chiều dài khoảng 36,9 km thuộc địa phận tỉnh Hậu Giang do UBND tỉnh Hậu Giang là cơ quan chủ quản có tổng mức đầu tư 9.927 tỷ đồng.
Cuối cùng là dự án thành phần 4, chiều dài khoảng 56,9 km thuộc địa phận tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng do UBND tỉnh Sóc Trăng là cơ quan chủ quản, tổng mức đầu tư 11.120 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, dự án đường bộ Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.