Tổng thống Ukraine 'bước trên băng mỏng' sau tuyên bố của ông Trump về Crimea
Tổng thống Mỹ Donald Trump lại một lần nữa khiến Ukraine lo ngại khi cho rằng người đồng cấp Ukraine Zelensky đã sẵn sàng từ bỏ bán đảo Crimea như một phần trong thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm với Nga.
Trả lời báo giới tại sân bay Morristown (New Jersey) ngày 27/4, khi được hỏi liệu ông có tin rằng Tổng thống Ukraine Zelensky sẵn sàng từ bỏ Crimea hay không, Tổng thống Donald Trump trả lời rằng: "Tôi nghĩ vậy".
Ông Trump nói thêm: "Không ai nhắc đến chuyện này trong suốt 12 năm qua, và giờ thì họ lại nhắc đến. Vì vậy, tôi đã nói với ông ấy [Tổng thống Zelensky-ND] rằng có lẽ ông nên quay lại hỏi chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Hãy hỏi họ tại sao họ lại từ bỏ Crimea, thậm chí còn không cần bắn một phát súng nào".

Ông Zelensky. Ảnh: Reuters
Nếu hiểu theo nghĩa đen, phát biểu của ông Trump ngụ ý rằng Kiev, với sự hậu thuẫn từ Washington, có thể đang cân nhắc việc công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea cũng như đối với các vùng lãnh thổ đang tranh chấp khác như một phần trong thỏa thuận tiềm năng. Đây sẽ là một nhượng bộ to lớn, trái ngược hoàn toàn với lập trường nhất quán trước đây của Ukraine vốn kiên quyết bác bỏ mọi hình thức từ bỏ lãnh thổ.
Ông Zelensky giờ đây đang "bước trên băng mỏng". Cuộc gặp của ông với Trump tại Vatican hôm 26/4 dường như đã hàn gắn phần nào mối quan hệ căng thẳng giữa hai nhà lãnh đạo sau cuộc đối đầu dữ dội tại Phòng Bầu dục hồi tháng 2/2022. Tại thời điểm này, bất kỳ phản ứng mạnh mẽ nào từ phía Ukraine đối với bình luận của ông Trump về Crimea đều có khả năng đẩy quan hệ giữa Nga và Ukraine trở lại thời điểm hai tháng trước.
Tại Ukraine, nhiều người hy vọng rằng những lời của Tổng thống Trump không thực sự phản ánh chính xác nội dung cuộc đối thoại với ông Zelensky. Các nhà phân tích chính trị Ukraine, trao đổi với tờ Kiev Independent, đều tỏ ra thận trọng khi diễn giải phát ngôn của Tổng thống Mỹ.
"Đây không phải là tuyên bố chính thức. Đó chỉ là cảm nhận và cách diễn giải cá nhân của ông Trump về cuộc trò chuyện. Tôi không biết chính xác ông Zelensky đã nói gì tại Vatican, nhưng tôi tin rằng lập trường chính thức của Ukraine được thể hiện bởi chính ông Zelensky, không phải qua lời Tổng thống Trump", nhà phân tích Volodymyr Fesenko nhận định.
Các cuộc thăm dò dư luận tại Ukraine kể từ sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào năm 2022 liên tục cho thấy phần lớn người dân phản đối việc từ bỏ Crimea. Một cuộc khảo sát của nhóm Rating vào tháng 3/2022 cho thấy 80% người được hỏi ủng hộ việc tiếp tục đấu tranh giành lại cả Crimea và vùng Donbas. Một đại diện giấu tên của tổ chức Crimean Combat Seagulls cho rằng bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc công nhận Crimea thuộc Nga đều là "cái tát vào mặt" những người dân đang sinh sống trên bán đảo này.
Mặc dù tỷ lệ người Ukraine ủng hộ việc nhượng bộ một phần lãnh thổ để chấm dứt xung đột gần đây có nhích nhẹ, song vẫn còn 51% kiên quyết phản đối ý tưởng này trong mọi hoàn cảnh. Các nhà phân tích lưu ý, cuộc thăm dò không phân biệt rõ giữa quyền kiểm soát trên thực tế và công nhận chủ quyền hợp pháp của Nga đối với Crimea, đồng thời nhấn mạnh rằng bất kỳ sự công nhận nào cũng vấp phải làn sóng phản đối dữ dội từ phía dư luận.
Một thỏa thuận buộc Ukraine chính thức công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga chỉ có thể trở thành hợp pháp nếu được phê chuẩn thông qua một cuộc trưng cầu dân ý; song vào thời điểm hiện tại, điều này gần như không thể.
"Đó là lằn ranh đỏ của chúng tôi. Ukraine sẽ không bao giờ, về mặt pháp lý, công nhận việc Nga chiếm đóng Crimea. Điều đó tuyệt đối không thể xảy ra", ông Fesenko nhấn mạnh.
Sự phản đối việc từ bỏ Crimea còn vượt qua mọi ranh giới đảng phái tại Ukraine. Nghị sĩ Mykola Kniazhytskyi thuộc đảng đối lập Đoàn kết châu Âu, cho rằng Hiến pháp Ukraine đã ngăn cản bất kỳ Tổng thống nào, kể cả ông Zelensky, hợp thức hóa việc mất lãnh thổ.
"Tổng thống không thể đưa ra những nhượng bộ như vậy, ngay cả khi ông ấy muốn", ông Kniazhytskyi nhận định. Dù vậy, ông Kniazhytskyi cũng thừa nhận rằng ông Zelensky đang đối mặt với thời khắc khó khăn kể từ khi lên nắm quyền.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Yevhen Mahda, hiện tại Tổng thống Zelensky chưa phải lo lắng quá nhiều trong bối cảnh thiết quân luật còn hiệu lực và các cuộc bầu cử vẫn chưa thể diễn ra. Ông Mahda cảnh báo, vấn đề nghiêm trọng hơn là khoảng cách giữa những gì ông Trump tuyên bố và thực tế chính trị ở Ukraine, đồng thời cho rằng nhà lãnh đạo Kiev nên kiên nhẫn, chờ Tổng thống Mỹ "thay đổi ý kiến", thay vì vội vã đưa ra những nhượng bộ nguy hiểm.
"Ông Trump suy nghĩ như một doanh nhân và ông ấy tin rằng mọi thứ có thể được thông qua thương lượng. Nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều và ông Trump sẽ phải đối mặt với những yếu tố mà lúc này, thật lòng mà nói, cực kỳ khó kiểm soát", ông Mahda nói.