Israel và Liên Hợp Quốc 'đụng độ' nảy lửa chưa từng thấy
Israel chỉ trích dữ dội Liên Hợp Quốc, UNRWA (cơ quan của Liên Hợp Quốc phụ trách cứu trợ cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông) và Tòa án Công lý quốc tế (cơ quan tư pháp của Liên Hợp Quốc). Hai bên đã và đang hết sức căng thẳng với nhau quanh vấn đề Gaza.
Bộ Ngoại giao Israel vừa công khai chỉ trích Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres, UNRWA (một cơ quan của Liên Hợp Quốc) cũng như Tòa án Công lý quốc tế (ICJ, cũng thuộc Liên Hợp Quốc) trong buổi họp báo tổ chức tại Jerusalem và được phát trực tuyến trên mạng xã hội X vào trưa 28/4 giờ Israel (tức chiều 28/4 giờ Việt Nam).

Ngoại trưởng Israel Saar và Phó Tổng vụ trưởng Weissbrod, Bộ Ngoại giao Israel, tại buổi họp báo ngày 28/4. Ảnh: Mạng xã hội X của Bộ Ngoại giao Israel.
Phía Israel tung ra những công kích dữ dội này vào đúng ngày Tòa án Công lý quốc tế của Liên Hợp Quốc mở màn các phiên điều trần tại La Hay (Hà Lan) về nghĩa vụ của Israel trong trợ giúp hoạt động cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Gaza.
Trong ngày điều trần đầu tiên của ICJ, các đại diện của Liên Hợp Quốc và cộng đồng Palestine đã tố cáo Israel vi phạm luật pháp quốc tế khi từ chối cho dòng viện trợ được đưa vào dải Gaza. Từ đầu tháng 3/2025, Israel cắt đứt mọi tiếp tế cho các cư dân Palestine còn lại ở dải Gaza.
Về phần mình, Ngoại trưởng Israel Gideon Saar cho rằng ICJ đang “chính trị hóa” tiến trình pháp lý để “hành hạ” Israel và “tước đi của Israel quyền cơ bản nhất, đó là quyền phòng vệ”. Ông Saar thậm chí còn tố Liên Hợp Quốc đã trở thành “một cơ quan bài Israel và bài Do Thái”.
Trước đó, hồi tháng 10/2024, Israel đã cấm cả Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhập cảnh vào nước này.
Trong buổi họp báo vừa qua, người đứng đầu ngành ngoại giao Israel cũng cho rằng Liên Hợp Quốc đã tạo điều kiện cho UNRWA tuyển dụng hàng loạt nhân sự là người của phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas nhằm dễ bề gây khó khăn cho Israel. Ngoại trưởng Israel Saar cáo buộc Liên Hợp Quốc và cá nhân Tổng thư ký Guterres đã “bao che” cho hoạt động của các nhân viên gốc gác Hamas bên trong cơ quan cứu trợ UNRWA.
Liên Hợp Quốc và UNRWA đã phủ nhận những cáo buộc như vậy của Israel. UNRWA tố Israel đã bắn vào nhân viên dân sự của họ trong xung đột tại Gaza.
Ngoại trưởng Israel Saar cũng đề cập việc Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) đã ban hành trát bắt giữ Thủ tướng Israel Netanyahu. Ông Saar cho rằng động thái này là “vội vã và bất hợp pháp”. Ông lập luận rằng ICC không có thẩm quyền đối với Israel vì Israel không phải là thành viên của ICC và không phải là bên ký kết Quy chế Rome.
Ông Gideon Saar cũng than phiền rằng Israel là “quốc gia bị tấn công nhiều nhất thế giới”, không chỉ trên mặt trận quân sự mà còn cả trên mặt trận chính trị và pháp lý.
Trong khuôn khổ buổi họp báo, các quan chức của Bộ Ngoại giao Israel khẳng định và cố chứng minh rằng phía Israel đã nhiều lần cảnh báo với Liên Hợp Quốc về các trường hợp “nhân sự đặc biệt” của UNRWA nhưng không có chuyển biến nào xảy ra. Phó Tổng vụ trưởng Amir Weissbrod (phụ trách về các tổ chức quốc tế và Liên Hợp Quốc) của Bộ Ngoại giao Israel trình bày các báo cáo cho biết nhiều nhân viên của UNRWA sau đó đã tham gia cuộc đột kích vào miền Nam Israel hồi cuối năm 2023.
Vào ngày 7/10/2023, Hamas bất ngờ tấn công ồ ạt vào miền Nam Israel bằng cả đường bộ, đường không và đường biển, hạ sát nhiều dân thường Israel, đồng thời bắt cóc một số lượng lớn người Israel làm con tin đưa về Gaza.
Israel sau đó phát động chiến tranh quy mô lớn nhằm vào Gaza để giải cứu con tin và hủy diệt lực lượng Hamas. Trong giai đoạn sau, Israel vấp phải nhiều sự chỉ trích vì chiến dịch quân sự của mình. Tổ chức Hamas tại Gaza và chính quyền Palestine tại Bờ Tây cho biết, những cuộc không kích của Israel đã làm nhiều phụ nữ và trẻ em Gaza thiệt mạng. Hai bên đạt được rồi lại phá vỡ lệnh ngừng bắn.
Israel đã áp dụng nhiều biện pháp, bao gồm cả thương lượng với Hamas, để đưa con tin về nước. Hiện Hamas vẫn đang giam cầm một số con tin người Israel bị bắt trong vụ đột kích cuối năm 2023.
Thời gian qua, lực lượng Hồi giáo vũ trang Houthi ở Yemen đã thể hiện “tình đoàn kết” với “nhân dân Gaza” bằng cách phóng tên lửa đạn đạo và UAV quân sự vào lãnh thổ Israel, khiến còi báo động nhiều lần vang lên tại đây. Houthi cũng tổ chức tập kích tàu hàng hải của Israel đi qua Biển Đỏ.
Israel hiện cũng là một nước thành viên của Liên Hợp Quốc. Quốc gia Tây Á này gia nhập Liên Hợp Quốc vào năm 1949, tức là chỉ một năm sau khi Nhà nước Israel ra đời.