Tới lượt Trung Quốc đưa công ty Mỹ vào danh sách đen

Theo trang South China Morning Post, Trung Quốc có kế hoạch đưa một số công ty nước ngoài vào danh sách rủi ro đối với an ninh quốc gia.

Mỹ và Trung Quốc đã sẵn sàng bắt đầu lại cuộc đàm phán tại Bắc Kinh vào tuần tới sau cuộc gặp mặt trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh Các nền kinh tế lớn và mới nổi G20 ở Osaka, Nhật Bản vào cuối tuần trước.

Các nhà quan sát cho biết Trung Quốc đã nắm một số quân bài trong tay để có thể dùng trong trường hợp đàm phán bị đình trệ lần nữa. Một trong số đó chính là danh sách “các công ty có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia”

Kế hoạch về một danh sách như vậy được công bố lần đầu vào tháng Năm. Thông tin chi tiết về danh sách này vẫn chưa được công bố nhưng một nguồn tin tại Mỹ cho biết thấy Trung Quốc nghiêm túc về vấn đề này và họ đã đưa ra một thông điệp rõ ràng.

Trước đó truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cho biết chính quyền đang xúc tiến đưa công ty giao hàng FedEx của Mỹ vào danh sách. Ông lớn giao nhận này đã hai lần giao sai địa chỉ các kiện hàng của công ty viễn thông Trung Quốc Huawei.

Trong cuộc gặp với ông Tập ở Osaka, ông Trump đã đồng ý cho phép các công ty Mỹ bắt đầu bán hàng lại cho Huawei cũng như đình chỉ việc đánh thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. Động thái này nhằm đổi lấy việc Bắc Kinh mua thêm nông sản Mỹ.

Thỏa thuận đã mở đường cho các cuộc đàm phán được nối lại sau khi bị đình trệ vào tháng Năm. Tuy nhiên, chi tiết về những gì hai vị lãnh đạo đồng ý với nhau vẫn chưa rõ ràng. Các nhà quan sát tin rằng vòng đàm phán mới nhất có thể nhanh chóng gặp rắc rối trừ khi Trung Quốc cảm thấy hài lòng với các biện pháp của Mỹ nhằm giảm bớt lệnh cấm đối với Huawei.

Các quan chức Mỹ cho biết sau cuộc gặp của ông Trump và ông Tập, vẫn chưa có gì thay đổi nhiều đối với tình trạng của Huawei và hãng này vẫn bị cấm tham gia mạng 5G của Mỹ. Thuế quan hiện đang đánh lên hàng hóa Trung Quốc cũng sẽ không được gỡ bỏ cho đến khi các cuộc đàm phán kết thúc.

 Lệnh cấm của Mỹ đối với Huawei vẫn là một điểm nóng trong đàm phán. Ảnh: AP

Lệnh cấm của Mỹ đối với Huawei vẫn là một điểm nóng trong đàm phán. Ảnh: AP

Vào hôm 5-7, một tài khoản truyền thông xã hội liên kết với Nhật báo Kinh tế của nhà nước, đã cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ không mua hàng nông sản của Mỹ nếu Mỹ thay đổi kế hoạch trong vòng đàm phán sắp tới.

Tài khoản này nói thêm rằng Trung Quốc sẽ phải xem xét nhu cầu nội địa cũng như tham khảo ý kiến của các công ty trong nước trước khi quyết định mua nông sản của Mỹ.

Ngoài ra, Trung Quốc có thể áp dụng nhiều biện pháp trả đũa khác. Ví dụ nước này đã dọa sẽ cấm xuất khẩu kim loại đất hiếm - một thành phần quan trọng trong quân sự và hàng tiêu dùng.

Ngành công nghiệp giải trí Mỹ cũng dễ bị ảnh hưởng, khi Trung Quốc đã chặn chiếu các bộ phim Hollywood vào tháng Năm. Họ chỉ vừa cho chiếu lại trong vài tuần qua khi căng thẳng giữa hai nước giảm bớt.

Các nhà quan sát tin rằng Bắc Kinh và Washington vẫn còn đang rất xa nhau trong nhiều vấn đề. Đại diện thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, người đứng đầu phái đoàn Mỹ trong các cuộc đàm phán, đã yêu cầu một loạt thay đổi mang tính cấu trúc từ phía Trung Quốc. Đó là cắt giảm trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và thay đổi luật pháp.

Người Trung Quốc coi những yêu cầu này là sự xâm phạm chủ quyền của đất nước vốn dĩ cần phải được tôn trọng.

Lu Xiang, một nhà nghiên cứu cao cấp về các vấn đề của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết từ những năm 90 các công ty Mỹ đã bắt đầu đầu tư vào Trung Quốc và đến giờ thì đang tận hưởng khoản “lợi nhuận béo bở”. Chính những công ty này sẽ gặp rủi ro nếu đàm phán thương mại của hai nước bị ngưng lại.

“Chiến tranh thương mại xảy ra khiến họ không thể hoạt động ở Trung Quốc được nữa, và sẽ rất khó để họ có thể bù đắp cho những tổn thất của mình. Các đối thủ sẽ nhanh chóng chiếm lấy thị phần của họ. Nếu di chuyển khỏi Trung Quốc hoặc thậm chí quay trở lại Mỹ, họ cũng sẽ không thể xây dựng được năng lực giống như khi họ ở đây”, Lu nói.

Lu cũng nói thêm rằng Trung Quốc đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Các công ty phụ thuộc vào thị trường Mỹ sẽ chịu tổn thất nặng nề nhất bởi thuế quan, nhưng chính phủ sẽ giúp họ.

“Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động và chính phủ có thể cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng để giúp tái sử dụng các lao động bị sa thải.”

“Mặt khác, tăng trưởng của Trung Quốc nhìn chung đã ít phụ thuộc hơn vào thị trường xuất khẩu. Việc giảm xuất khẩu sang Mỹ cũng không gây ra thiệt hại gì đáng kể lắm”, ông Lu nói.

Chen Long, một nhà kinh tế của Gavekal Dragonomics, cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết Trung Quốc không chỉ có thể dùng các công ty nước ngoài làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thương mại, mà còn có thể viện đến những vấn đề chiến lược như câu chuyện Triều Tiên.

“Các cuộc đàm phán thương mại có thể sẽ kéo dài, vì cả hai bên vẫn đều đang mất lòng tin lẫn nhau”, Chen nói.

NGUYỆT ÁNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/toi-luot-trung-quoc-dua-cong-ty-my-vao-danh-sach-den-844494.html