Tổ quốc ở Trường Sa
Con tàu HQ-561 rẽ sóng nước phương Nam, mang theo 176 đại biểu trong đoàn công tác số 7 đến với Trường Sa và nhà giàn DK1 – nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Khi đất liền lùi xa, trong tim mỗi người, đặc biệt là những CBCS CAND, dường như cùng ngân lên một nỗi niềm thiêng liêng: Tổ quốc ở nơi nào giữa trùng khơi sóng gió?
Và rồi, câu trả lời dần hiển hiện, rõ ràng như chính ánh mặt trời rực cháy trên đảo, như sắc cờ đỏ sao vàng giữa biển xanh thẳm, như ánh mắt vững vàng của người lính đảo xa: Trường Sa có Tổ quốc.

HQ-561 đưa đoàn đại biểu tới thăm nhà giàn DK1.
Từ ngày 6-12/4, đoàn công tác số 7 đã thực hiện chuyến khảo sát thực địa kết hợp thăm hỏi, động viên CBCS và nhân dân đang công tác, sinh sống tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Đoàn do Đại tá Phạm Minh Tuấn, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân làm Trưởng đoàn; các đồng chí Phó Trưởng đoàn đến từ Bộ Công an gồm: Thiếu tướng Nguyễn Tiến Nam - Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Thiếu tướng Tráng A Tủa - Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và Đại tá Mai Thế Quang - Phó Cục trưởng Cục An ninh đối ngoại.
Tham gia chuyến công tác lần này có 176 đại biểu, được chia thành 6 tổ, mỗi tổ có một Tổ trưởng và một Tổ phó phụ trách. Nòng cốt của đoàn công tác số 7 là đoàn công tác Bộ Công an với 150 cán bộ đến từ các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an và Công an các địa phương, do Thiếu tướng Nguyễn Tiến Nam làm Trưởng đoàn. Chuyến đi được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và hướng tới 80 năm Ngày truyền thống CAND (1945 - 2025) khiến mỗi chúng tôi càng ý thức hơn về ý nghĩa thiêng liêng của hành trình này.

Đoàn đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ Tổ quốc trên đảo Trường Sa lớn.
Sau khi nhận “lệnh” của cấp trên, chưa kịp chuẩn bị thật đầy đủ, tôi đã đứng trên boong tàu, bước vào hải trình đầu tiên trong đời đến với đảo xa, mang theo tất cả sự hồi hộp, bỡ ngỡ và háo hức. Những băn khoăn rất đỗi thường tình - say sóng chăng? mang gì giữa biển khơi? - bỗng tan biến khi con tàu hiện ra vững chãi, uy nghi giữa đại dương xanh thẳm. Lúc ấy tôi mới hiểu vì sao mọi người gọi đây là niềm tự hào của Hải quân Việt Nam, là bệnh viện di động giữa biển khơi.
Ngay chính trên “điểm tựa” vững chắc của ngư dân và CBCS trên biển này, hành trình của chúng tôi đã bắt đầu - một hành trình không chỉ mang theo nhiệm vụ công tác, mà còn chất chứa niềm tin, tình yêu Tổ quốc và sự kết nối thiêng liêng giữa đất liền với biển đảo. Con tàu bệnh viện mang trên mình hình chữ thập đỏ ấy sẽ là ngôi nhà chung đưa chúng tôi vượt trùng khơi đến với Trường Sa. Ai nấy bảo tàu lớn thì sóng sẽ êm hơn. Quả thật, suốt hải trình biển lặng một cách may mắn, tôi hầu như không cảm thấy say sóng.
May mắn nối tiếp may mắn khi trong suốt hành trình, gần như tất cả những thứ tôi lo xa mang theo đều không cần dùng tới. Từ gói bột giặt, tuýp kem đánh răng đến lọ ruốc phòng thân vẫn nằm yên trong vali - bởi Ban tổ chức đã chuẩn bị cho mỗi thành viên đầy đủ đến từng chi tiết nhỏ. Sự chu đáo, tỉ mỉ ấy khiến chúng tôi vô cùng xúc động và thêm trân trọng chuyến đi này. Mỗi người trong đoàn đều cảm nhận được quyết tâm của lãnh đạo và Ban tổ chức: làm sao để chuyến thăm Trường Sa thật an toàn, thuận lợi và ý nghĩa nhất.
Ngày đầu tiên của hải trình, sau khoảng 30 tiếng vượt sóng, HQ-561 cập đảo Song Tử Tây - điểm đảo tiền tiêu đầu tiên của Tổ quốc mà đoàn đặt chân đến. Tôi còn nhớ rất rõ cảm giác đầu tiên khi bước xuống đảo: Song Tử Tây đón chúng tôi bằng cái nắng, cái gió mặn mòi đặc trưng của biển đảo. Cảm giác bước chân lên đảo là một điều rất khó tả - vừa lạ lẫm, vừa gần gũi đến nghẹn ngào.
Những cái bắt tay, nụ cười chân thành, ánh mắt kiên nghị và câu chào dõng dạc của các chiến sĩ hải quân khiến tôi nhận ra: ở nơi đầu sóng ngọn gió này, Tổ quốc không phải là khái niệm trừu tượng. Tổ quốc hiện hữu trên từng tấc đất, từng ngọn cây, là cờ ở đảo xa, trên màu áo lính sạm nắng và những vườn rau xanh mướt được vun trồng giữa muôn trùng biển cả.
Tại Song Tử Tây, trong tiếng sóng biển và tiếng gió thổi ràn rạt, hình ảnh các em nhỏ tung tăng dưới lá cờ đỏ sao vàng khiến lòng tôi lặng đi vì xúc động. Ở nơi xa đất liền hàng trăm hải lý, những đứa trẻ vẫn vô tư cười đùa, lớn lên trong tình yêu thương của những người lính đảo và sự bảo vệ âm thầm nhưng vững chắc của cả dân tộc.
Trong buổi làm việc trên đảo, chúng tôi được dịp thăm hỏi đời sống của CBCS và một số hộ dân trên Song Tử Tây. Nhìn những vườn rau xanh tốt, những đứa trẻ đảo nô đùa dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió biển, lòng tôi dâng lên niềm tự hào khó tả. Giữa biển trời Tổ quốc, màu xanh áo lính và sắc xanh Công an như hòa làm một – lặng lẽ in bóng dưới lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay trong gió. Dẫu khác màu áo, chúng tôi cùng chung một trái tim – cùng hướng về Tổ quốc. Tất cả đều là con Lạc cháu Hồng, chung một ý chí bảo vệ quê hương.
Rời đảo Song Tử Tây, hành trình của đoàn công tác tiếp tục nối dài qua các điểm đảo như Sinh Tồn, Cô Lin, Đá Đông, Đá Tây A, rồi đến đảo Trường Sa lớn và nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam. Mỗi điểm dừng chân là một lát cắt sống động của Tổ quốc giữa đại dương, nơi chúng tôi được đón tiếp bằng tình cảm nồng hậu, sự gần gũi và tinh thần đồng chí keo sơn.
Tại đây, đoàn đã tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà và giao lưu văn nghệ với CBCS cùng bà con nhân dân đang bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió. Những món quà tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng tấm lòng của lực lượng CAND từ đất liền, như lời nhắn gửi yêu thương vượt đại dương đến với đồng đội nơi đảo xa. Giữa biển trời bao la, khi tiếng đàn tiếng hát vang lên át cả tiếng sóng, khoảng trời đảo xa bỗng trở nên ấm áp lạ kỳ. Những giai điệu về Tổ quốc, về Trường Sa được cất lên không chỉ bằng giọng hát, mà bằng cả trái tim và niềm tự hào.
Các anh lính hải quân kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống nơi đảo nhỏ - những đêm trực canh biển dài hun hút, những cơn bão chồng lên bão, những vết muối mặn in hằn trên da mặt, trên vạt áo… Mỗi câu chuyện, mỗi gương mặt rám nắng hiện lên không phải như những người lính xa lạ, mà như những người bạn, người anh em - cùng chung màu cờ, chung lý tưởng và sứ mệnh thiêng liêng gìn giữ Tổ quốc.
Là những chiến sĩ Công an đến từ đất liền, chúng tôi cảm nhận được một mối dây liên kết đặc biệt với những người lính đảo - không phải chỉ bởi cùng khoác trên mình màu xanh, mà bởi trong mỗi người đều có một phần đất nước đang thổn thức, đang canh giữ từng sải biển. Tình cảm quân, dân gắn bó keo sơn giữa biển trời Tổ quốc, ở khoảnh khắc ấy, không còn là khẩu hiệu, mà trở thành một điều thiêng liêng, sống động và không thể thay thế.
Một trong những thời khắc xúc động nhất của chuyến hải trình là lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ giữa trùng khơi bao la - ngay trên vùng biển gần đảo Cô Lin, nơi đã từng thấm máu bao người con đất Việt trong cuộc đấu tranh giữ gìn chủ quyền biển đảo. Dưới nắng gió mặn mòi và tiếng sóng vỗ miên man, cả đoàn công tác cùng thủy thủ tàu HQ-561 lặng lẽ xếp hàng trên boong tàu, thành kính nghiêng mình trong nghi lễ tưởng niệm. Những vòng hoa trắng muốt, những cánh hạc giấy được thả xuống đại dương như gửi gắm niềm tri ân vô hạn đến những người đã ngã xuống để Tổ quốc hôm nay được bình yên.
Trong khoảnh khắc ấy, mọi âm thanh dường như lắng lại. Chỉ còn tiếng gió rít qua boong tàu. Tiếng sóng biển vỗ vào mạn tàu. Và những lời cầu nguyện lặng thầm vang lên từ sâu trong tâm khảm mỗi người. Không ai bảo ai, khóe mắt ai nấy cũng cay xè. Tôi đã khóc - không thể ngăn nổi dòng nước mắt khi nghĩ về sự hy sinh thầm lặng, không tên, không tuổi của các anh, các chị cho sự vững bền của chủ quyền thiêng liêng. Đó là giây phút mọi danh xưng và chức vụ trở nên nhỏ bé, nhường chỗ cho lòng biết ơn sâu sắc và cảm thức trách nhiệm lớn lao với đất nước này.

Các đại biểu cầm trên tay những bông hoa cúc và những cánh hạc giấy để thả xuống đại dương như gửi gắm niềm tri ân vô hạn đến các Anh hùng Liệt sĩ đã hi sinh để bảo vệ Tổ quốc.
Giữa biển trời mênh mông, buổi lễ tưởng niệm ấy như một bài học sống động về lòng tri ân và bổn phận. Biết ơn những người đã ra đi để chúng ta được sống trọn vẹn trong hòa bình, để chúng tôi - những người đến từ đất liền - có thể đặt chân tới nơi tận cùng Tổ quốc. Và cũng là dịp để tự soi rọi chính mình: sống chậm hơn, sâu hơn, có trách nhiệm hơn với từng quyết định, từng hành động trước vận mệnh đất nước.
Những cánh hạc giấy lặng lẽ chao nghiêng, rồi tan vào lòng đại dương, như những lời nguyện thầm gửi về một tương lai yên bình - và cũng như nhắc nhở rằng, chỉ bằng ý chí kiên cường và tinh thần bất khuất, chúng ta mới có thể gìn giữ trọn vẹn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Đỉnh điểm của cảm xúc có lẽ là lễ chào cờ trên đảo Trường Sa lớn - nơi lá quốc kỳ phấp phới trên nền trời xanh thẳm, nơi mỗi lời ca của Quốc ca vang lên đều gợi lên niềm tự hào và ý chí bất khuất. Đứng cạnh những người lính Hải quân nghiêm trang trong nắng gió, tôi thầm nghĩ, để giữ cho lá cờ ấy luôn tung bay, đã có biết bao mồ hôi, máu và nước mắt đổ xuống. Và từ giây phút ấy, Trường Sa không còn là “một nơi đến”, mà trở thành một phần trong tâm khảm - một lời thề thầm lặng rằng: Tổ quốc ở đây, giữa biển khơi, và trong trái tim mỗi người Việt.
Khép lại hành trình, từng thành viên trong đoàn vinh dự được đón nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo” và Huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa”. Tấm huy hiệu mang hình lá cờ và bản đồ Tổ quốc - giản dị mà thiêng liêng - được cài lên ngực áo như một minh chứng cho chuyến đi bằng cả những bước chân và bằng cả con tim. Với tôi, đó là lời nhắc nhở: hãy sống xứng đáng với những người đã nằm lại giữa biển sâu, sống sao cho mỗi bước chân đều hướng về Tổ quốc.
Chuyến đi Trường Sa lần này thực sự đã trở thành một dấu mốc thay đổi nhận thức trong tôi. Trường Sa hiện lên không chỉ là những hòn đảo, những bãi đá hay cột mốc chủ quyền trên bản đồ, mà là biểu tượng sống động của lòng yêu nước, của tinh thần bền bỉ và ý chí không khuất phục. Mỗi tấc đất, mỗi ngọn sóng, mỗi ánh mắt người lính nơi đầu sóng ngọn gió đều khiến tôi lặng người suy ngẫm. Hóa ra, khi chúng ta đang sống giữa phố phường tiện nghi, vẫn có những người anh, người chị ngày đêm gian khổ gìn giữ biên cương bằng cả tuổi thanh xuân và xương máu. Có những chuyến đi đã làm thay đổi tâm hồn, có những điểm đến để lại dấu ấn sâu đậm trong ký ức mỗi người và có những vùng đất dẫu xa xôi nhưng lại neo đậu rất gần trong tim. Trường Sa là một nơi như thế.
Nếu ai đó hỏi tôi: “Trường Sa có gì?” - tôi sẽ không nói về cảnh đẹp, về san hô hay trời nước mênh mang. Tôi chỉ nói: Trường Sa có Tổ quốc. Bởi nơi đầu sóng ngọn gió ấy mang trong mình hình hài của đất nước, của sự hy sinh, lòng quả cảm và tình yêu quê hương đất nước vô bờ. Một niềm tự hào sâu sắc và một tình cảm đặc biệt đối với Trường Sa đang ngập tràn trong tim tôi. Trường Sa giờ đây không còn xa xôi nữa; từ nay, nơi ấy đã ở rất gần - trong trái tim của người chiến sĩ Công an như tôi.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/to-quoc-o-truong-sa-i765643/