Tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp sẽ có bao nhiêu đặc khu?

Một loạt huyện đảo, thành phố đảo hiện nay dự kiến sẽ được chuyển thành đơn vị hành chính cấp xã có tên gọi là đặc khu.

Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết, chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua tại Hội nghị Trung ương 11 vừa qua.

Theo Bộ Nội vụ, dự kiến có khoảng 12-13 đặc khu được hình thành. Ảnh TL.

Theo Bộ Nội vụ, dự kiến có khoảng 12-13 đặc khu được hình thành. Ảnh TL.

Theo đó, hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện sẽ chính thức kết thúc sau khi Quốc hội quyết nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi).

Liên quan đến thực hiện chủ trương sau sắp xếp cấp xã, ông Tuấn cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH ngày 14/4/2025 về việc sắp xếp đơn vị hành chính 2025.

Bộ Nội vụ sẽ phối hợp, hướng dẫn các địa phương trong quá trình thực hiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng các Đề án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã trình Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi), ông Tuấn thông tin thêm, hiện Bộ Nội vụ đã tiếp thu ý kiến của Bộ, ngành Trung ương và các địa phương để hoàn thiện hồ sơ dự án trình Chính phủ để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 (dự kiến khai mạc đầu tháng 5/2025).

Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ).

Theo ông Tuấn, dự thảo luật sửa đổi đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về tổ chức đơn vị hành chính và mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp (gồm: Cấp tỉnh và cấp xã, không tổ chức cấp huyện) phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt.

Một điểm mới quan trọng trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là thực hiện chủ trương của Đảng, sẽ tổ chức lại các huyện đảo, thành phố đảo hiện nay thành các đặc khu.

Trong đó, sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các đặc khu trong việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các vấn đề của địa bàn hải đảo có tính đặc thù riêng, qua đó thể hiện được tầm quan trọng đặc biệt của các đơn vị hành chính hải đảo (đặc khu) trong phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Các huyện đảo và thành phố đảo hiện tại sẽ được chuyển thành đơn vị hành chính cấp xã đặc biệt, gọi là đặc khu.

Theo đó, dự kiến hình thành 11 đặc khu thuộc tỉnh, bao gồm các huyện đảo như: Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn và Côn Đảo.

Riêng thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang đã được chấp thuận chủ trương tách xã Thổ Châu để thành lập một huyện riêng, đồng thời nghiên cứu thành lập hai đặc khu là Phú Quốc và Thổ Châu.

Như vậy, sau sắp xếp, dự kiến cả nước sẽ có khoảng 12-13 đặc khu.

Ngày 1/5 là hạn chót để các địa phương nộp đề án sắp xếp đơn vị hành chính

Bộ Nội vụ đặt mục tiêu hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính trước 30/6

Theo ông Tuấn, trên cơ sở mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã), sẽ phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương, thực hiện nhất quán nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh theo quy định hiện hành thì dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, các lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư… của địa phương.

Đồng thời, căn cứ tình hình thực tiễn, chính quyền địa phương cấp tỉnh có trách nhiệm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho cấp xã đối với các vấn đề mà cấp xã thực hiện hiệu quả, sát thực tiễn hơn.

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở đặc khu để trao quyền tự chủ trong việc quyết định các vấn đề nhằm bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên các vùng biển, hải đảo.

Ông Tuấn cho hay, việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở đặc khu, sẽ phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế biển, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm thu hút người dân ra sinh sống, bảo vệ và phát triển hải đảo.

Quảng Ninh đề xuất hình thành 3 đặc khu

Liên quan đến việc hình thành các đặc khu trong tiến trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, ngày 14/4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị lần thứ 68 để thảo luận và cho ý kiến về phương án cụ thể của tỉnh.

Theo phương án đang được đề xuất lên Trung ương, Quảng Ninh dự kiến sẽ tiến hành sắp xếp 171 đơn vị hành chính cấp xã hiện có thành 51 đơn vị mới. Trong đó, phương án sáp nhập 145 đơn vị thành 48 đơn vị, giúp giảm 97 đơn vị (tương đương 66,9%). Điểm đáng chú ý là tỉnh này đề xuất sắp xếp 26 đơn vị hiện tại để thành lập 3 đặc khu.

Như vậy, theo phương án này, sau khi sắp xếp, Quảng Ninh sẽ có 27 phường, 21 xã và 3 đặc khu.

Tuy nhiên, trong trường hợp phương án có 3 đặc khu không được thông qua, tỉnh cũng đề xuất phương án thay thế với việc hình thành 2 đặc khu, khi đó số đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp sẽ là 54 đơn vị, gồm: 30 phường, 22 xã và 2 đặc khu.

Nguyên Khánh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-se-co-bao-nhieu-dac-khu-192250415172352798.htm