Tính toán lại khoảng cách an toàn PCCC trong xây dựng ở đô thị lớn

Đại diện Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết sẽ đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu giải pháp để đưa ra quy định khoảng cách an toàn PCCC phù hợp với thực tế các thành phố lớn.

 Quán karaoke đóng cửa trong thời gian chờ khắc phục quy định về PCCC. Ảnh: Thụy Trang.

Quán karaoke đóng cửa trong thời gian chờ khắc phục quy định về PCCC. Ảnh: Thụy Trang.

Vừa qua, nhiều tổ chức, doanh nghiệp nêu gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định định pháp luật về phòng cháy chữa cháy. Với vai trò quản lý Nhà nước về lĩnh vực, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an) đã thông tin về vấn đề này.

Yêu cầu về khoảng cách an toàn PCCC gây khó cho công trình ở thành phố lớn

Trước băn khoăn về các công trình có hạng mục cải tạo, sửa chữa dù nhỏ vẫn phải xin cấp giấy phép thẩm duyệt thiết kế, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết danh mục dự án, công trình thuộc diện thẩm duyệt về PCCC được quy định cụ thể Nghị định 136/2020.

Theo đó, nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên là các công trình thuộc diện phải thẩm duyệt về PCCC. Đồng thời, cơ quan này bác bỏ thông tin cho rằng nhà chung cư, nhà hỗn hợp, khách sạn, nhà làm việc của doanh nghiệp cao dưới 5 tầng phải thuộc diện thẩm duyệt về PCCC.

Trong khi đó, yêu cầu về khoảng cách PCCC được phản ánh khó thực hiện, đặc biệt tại đô thị có mật độ xây dựng cao như Hà Nội, TP.HCM và khiến nhiều doanh nghiệp rất chật vật để đáp ứng.

Đại diện Cục Cảnh sát PCCC và CNCH lý giải quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình đã đưa ra các giải pháp để khi công trình không bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC thì phải có giải pháp ngăn cháy để thay thế, giảm khoảng cách an toàn PCCC như sử dụng tường ngăn cháy, bổ sung hệ thống chữa cháy tự động...

Nếu thiết kế công trình không bảo khoảng cách an toàn PCCC và cũng không bảo đảm ngăn cháy giữa các công trình thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy lan đến công trình lân cận, gây hậu quả nghiêm trọng.

“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chúng tôi luôn nắm bắt phản ánh bất cập của doanh nghiệp và người dân để thông tin Bộ Xây dựng trong quá trình soát xét các quy định về PCCC”, đại diện C07 thông tin và cho biết trong thời gian tới, cơ quan này sẽ đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu giải pháp để đưa ra quy định khoảng cách an toàn PCCC phù hợp với yêu cầu.

Không bắt buộc dùng sơn chống cháy

Liên quan khó khăn của công trình sử dụng sơn chống cháy, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đưa ra hướng dẫn xử lý.

Đối với trường hợp dự án, công trình đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định sơn chống cháy theo Nghị định 79/2014 (trước 10/1/2021) thì tiếp tục sử dụng kết quả kiểm định đó để thực hiện nghiệm thu về PCCC cho dự án, công trình.

Đối với dự án, công trình lập hồ sơ thiết kế và thực hiện thẩm duyệt sau khi Nghị định 136/2020 có hiệu lực (từ ngày 10/1/2021) thì phải có hồ sơ thiết kế chịu lửa cho kết cấu chịu lực của công trình, là cơ sở để lựa chọn giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu theo quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hoặc tập hợp số liệu phục vụ thiết kế đã được xây dựng theo quy định.

Đối với các công trình mới, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cũng cho hay trong nội dung được thẩm duyệt thiết kế về PCCC trên hồ sơ không bao gồm chấp thuận giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu công trình.

Hồ sơ này chỉ chấp thuận việc đặt ra giới hạn chịu lửa, làm cơ sở đánh giá bậc chịu lửa cho công trình đó. Sau khi được thẩm duyệt về PCCC, chủ đầu tư có trách nhiệm lựa chọn nhà thầu và thi công kết cấu với phương pháp bọc bảo vệ khác nhau để bảo đảm giới hạn chịu lửa, không nhất thiết phải dùng sơn chống cháy.

“Thực tế, chủ đầu tư, đơn vị sản xuất sơn chống cháy và nhà thầu thi công thường không quan tâm đến nguyên tắc kỹ thuật khi sử dụng sơn chống cháy, chủ yếu thực hiện trên cơ sở kinh nghiệm, có tư duy giống như sử dụng sơn hoàn thiện nội ngoại thất. Điều đó dẫn tới tình trạng dự án sau khi thi công không bảo đảm an toàn về PCCC, không được nghiệm thu về PCCC”, đại diện cơ quan này cho hay.

 Một cơ sở kinh doanh được bóc vật liệu dễ cháy để thay bằng vật liệu khó cháy, chống cháy. Ảnh: An Huy.

Một cơ sở kinh doanh được bóc vật liệu dễ cháy để thay bằng vật liệu khó cháy, chống cháy. Ảnh: An Huy.

Để đảm bảo chất lượng, đại diện C07 cho biết chủ đầu tư cần lựa chọn sản phẩm sơn chống cháy đã được thử nghiệm, có tập hợp số liệu phục vụ thiết kế và đã được kiểm định theo quy định. Việc chủ đầu tư lựa chọn đơn vị sản xuất sơn chống cháy chưa đảm bảo chất lượng, tổ chức thi công sơn chống cháy khi không có kết quả kiểm định là chưa phù hợp, không tuân thủ quy trình quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Đồng thời, C07 cũng khẳng định không phải toàn bộ kết cấu được bọc bảo vệ bằng chất, vật liệu chống cháy đều phải kiểm định về PCCC và không cần thiết phải có Giấy chứng nhận kiểm định về lĩnh vực này cho từng dự án, công trình cụ thể.

Hồng Quang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tinh-toan-lai-khoang-cach-an-toan-pccc-trong-xay-dung-o-do-thi-lon-post1420150.html