Tinh giản 100.000 cán bộ: Những ai trong diện? (kỳ 2)

Đợt sắp xếp, tinh gọn bộ máy, có khoảng 100.000 cán bộ bị ảnh hưởng. Những ai trong diện tinh giản, chính sách trọng dụng người tài thế nào... là những câu hỏi được dư luận quan tâm.

Tinh giản những ai?

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, tinh gọn bộ máy nhà nước hướng đến hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, việc tinh giản biên chế phải được thực hiện đầu tiên. Sau đó, cơ cấu tổ chức, vận hành sẽ được thay đổi với đội ngũ cán bộ tinh hoa hơn, có trình độ, đạo đức và trách nhiệm cao trong công việc.

Để đạt được mục tiêu trên, dự kiến có khoảng 100.000 cán bộ bị ảnh hưởng, đặc biệt là những người nằm trong số cơ quan, đơn vị không còn phù hợp, những khâu trung gian rườm rà cần phải sắp xếp, cơ cấu lại. Khi thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, dự kiến số nhân sự trong hệ thống hành chính giảm tối thiểu khoảng 20%.

Ảnh minh họa,

Ảnh minh họa,

Theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP, các đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế gồm: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc dôi dư do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện cơ chế tự chủ; cán bộ dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác hoặc bố trí được việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế và được đồng ý;

Cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt trình độ đào tạo chuyên môn theo yêu cầu vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ;

Cán bộ có hai năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức, viên chức có 1 năm xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp; trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở xuống nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định.

Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ, chức danh do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính; Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị kỷ luật, nhưng chưa đến mức bị bãi nhiệm hoặc bị buộc thôi việc theo quy định của pháp luật tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế, được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn thực hiện các công việc chuyên môn nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ dôi dư do sắp xếp lại tổ chức hoặc cơ cấu lại nhân lực của đơn vị theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, người làm hợp đồng lao động không xác định thời hạn, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cũng có thể bị tinh giản nếu thuộc diện dôi dư do sắp xếp lại cơ cấu tổ chức.

Nghị định số 178/2024/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cũng nêu rõ đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã; lực lượng vũ trang (gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và cơ yếu) trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp của hệ thống chính trị.

Cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ nghỉ thôi việc theo nguyện vọng thực hiện theo quy định tại Nghị định khác của Chính phủ.

Căn cứ đánh giá cán bộ, công chức khi tinh gọn bộ máy

Thời gian qua, nhiều cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương xuống các địa phương, thậm chí nhiều người giữ vị trí lãnh đạo cao cũng tự nguyện xin nghỉ công tác, hưởng chế độ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp lại bộ máy. Thậm chí có nhiều địa phương, đơn vị có đến hàng trăm người tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi.

Theo tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, tinh giản biên chế là chủ trương đúng, chính sách lớn trong lần cải cách bộ máy hành chính nhà nước hiện nay. Do đó, những người trong diện tinh giản sẽ chủ động xin nghỉ, chuyển công tác ra khỏi khu vực nhà nước. Trường hợp không chủ động cũng sẽ được sắp xếp lại theo quy định trên nguyên tắc công bằng, không vị thân, không thiên vị.

Các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đối tượng phải tinh giản, sắp xếp lại phải chấp hành chính sách của đảng, pháp luật của Nhà nước. Phải hy sinh lợi ích cá nhân để đạt được mục đích chung của quốc gia dân tộc.

Trong số họ sẽ có những người gặp những khó khăn nhưng sẽ có rất nhiều người đứng trước những cơ hội mới, thời cơ mới để phát triển bản thân, phát triển kinh tế cũng như tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ của mình cho đất nước ở những vị trí công tác mới.

“Khi một người được đào tạo, có bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn, có ý thức công hiến, dù môi trường nào họ cũng sẽ phát huy được sở trường của mình, sẽ có những đóng góp nhất định cho sự phát triển chung của xã hội”, ông Cường nói.

Luật sư Cường tin rằng, sau tinh giản, sắp xếp lại bộ máy nhà nước, những người làm việc trong khu vực nhà nước sẽ di chuyển sang khu vực tư nhân, bối cảnh kinh tế xã hội sẽ có những thay đổi, có những biến động theo chiều hướng tích cực. Những cán bộ dôi dư sẽ dần thích nghi cơ chế thị trường cũng như các hoạt động kinh tế ngoài nhà nước, môi trường mới, cơ chế mới, vận hội mới, sẽ có nhiều cơ hội để phát triển bản thân, phát triển kinh tế gia đình, đóng góp cho xã hội, cho đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Phân tích nguyên nhân xu hướng cán bộ, công chức xin nghỉ việc trong bối cảnh tinh gọn bộ máy, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, đây là hệ quả tất yếu của quá trình cải cách hành chính.

Nguyên nhân quan trọng là chủ trương tinh gọn bộ máy nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Cụ thể, việc rà soát, sắp xếp, tinh gọn tại các cơ quan, đơn vị khiến nhiều vị trí bị cắt giảm, buộc những người không còn phù hợp phải ra đi.

Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế khiến áp lực công việc tăng lên do số lượng nhân sự giảm, nhưng khối lượng công việc không đổi, thậm chí còn tăng do yêu cầu cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao trách nhiệm công vụ.

Một nguyên nhân khác, công tác kiểm tra giám sát ngày càng chặt chẽ, nhất là trong bối cảnh phòng chống tham nhũng, khiến một bộ phận cán bộ lo ngại về trách nhiệm pháp lý khi thực thi công vụ. Do đó, thay vì đối diện với áp lực, họ nghỉ hưu trước tuổi để tránh rủi ro.

Đồng thời, chính sách hỗ trợ nghỉ hưu sớm với mức hỗ trợ tương đối ổn định và mức lương hưu sau đó cũng góp phần khuyến khích nhiều người rời khỏi bộ máy. Một số cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm nhận thấy cơ hội tốt hơn tại khu vực tư nhận nên lựa chọn rời khu vực công.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trước xu hướng cán bộ, công chức xin nghỉ trước tuổi, cấp thẩm quyền, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu và người có trách nhiệm cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động nghỉ hưu, thôi việc thực hiện nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần xem xét chu đáo, đánh giá, nhận xét cán bộ một cách công tâm, khách quan, vô tư, không thể để nghỉ việc hàng loạt do chế độ chính sách quá tối ưu.

Nghị định 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ đã nêu rõ về căn cứ đánh giá cán bộ, công chức khi tinh gọn bộ máy.

Cụ thể, tập thể cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện rà soát, đánh giá đối với tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ trong 3 năm gần nhất.

Các tiêu chí cũng được nêu cụ thể gồm: Tiêu chí đánh giá về phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tiêu chí đánh giá về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; khả năng đáp ứng yêu cầu về tiến độ, thời gian, chất lượng thực thi nhiệm vụ, công vụ thường xuyên và đột xuất; tiêu chí đánh giá về kết quả, sản phẩm công việc gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã đạt được.

Cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá là người có phẩm chất, năng lực nổi trội phải đáp ứng 3 tiêu chí trên và phải bảo đảm tiêu chí đánh giá về đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và có thành tích tiêu biểu, nổi trội, mang lại lợi ích cho cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lấy ý kiến tập thể để ban hành tiêu chí đánh giá và tiến hành thực hiện rà soát tổng thế chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý. Từ đó, xác định đối tượng phải nghỉ việc do sắp xếp.

“Đây cũng là một cuộc cách mạng nên cần phải cân nhắc, tính toán thiết thực để đảm bảo giữ chân được người có năng lực, có trách nhiệm phục vụ cho bộ máy, cho đất nước và Nhân dân”, Đại biểu Hòa nêu ý kiến.

Ngay sau chủ trương tinh gọn bộ máy, Chính phủ ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đây là các chính sách về chế độ đãi ngộ, tiền lương…để thu hút người tài vào Nhà nước.

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, việc cải thiện môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ cũng là giải pháp quan trọng nhằm giữ chân những cán bộ có năng lực. Đồng thời, cần tạo động lực cho cán bộ tiếp tục gắn bó với hệ thống bằng cách cải thiện điều kiện làm việc, tăng cường chế độ đãi ngộ và xây dựng cơ chế đánh giá, khen thưởng minh bạch. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý hành chính sẽ giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào nhân lực hành chính truyền thống, đồng thời nâng cao hiệu suất làm việc, giảm áp lực cho đội ngũ công chức còn lại. Ngoài ra cần đào tạo đội ngũ kế cận để bảo đảm sự ổn định của bộ máy.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/tinh-gian-100000-can-bo-nhung-ai-trong-dien-ky-2-2081125.html