TikTok đề nghị tòa án Mỹ chặn lệnh cấm của Tổng thống Trump
Biểu tượng TikTok bên ngoài văn phòng tại thành phố Culver, bang California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
* Đề xuất hạn chế quyền miễn trừ trách nhiệm của công ty công nghệ
Ngày 23/9, TikTok đã đệ đơn đề nghị lên một tòa án liên bang ở Mỹ, hối thúc một phán quyết có thể ngăn chặn lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào ứng dụng chia sẻ video ngắn đình đám thế giới này.
Theo lệnh cấm của Tổng thống Trump, từ ngày 20/9 vừa qua, hai công ty Apple Inc và Google sẽ phải gỡ bỏ TikTok khỏi kho ứng dụng tại Mỹ.
Giới chức Mỹ luôn lo ngại về nguy cơ dữ liệu cá nhân của khoảng 100 triệu người sử dụng ứng dụng TikTok tại Mỹ đã được chuyển cho Chính phủ Trung Quốc.
Tuy nhiên, phía TikTok lại cho rằng nguyên nhân sâu xa dẫn đến lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Donald Trump không phải vì quan tâm chính đáng tới an ninh quốc gia.
Đơn khiếu nại của TikTok nêu rõ: "Trong khi các tuyên bố về TikTok của Tổng thống Trump và giới chức các cơ quan khác trong nhiều tháng qua rất khó hiểu và mâu thuẫn lẫn nhau, các lệnh cấm không xuất phát từ mối quan tâm thực sự đối với an ninh quốc gia, mà là vì những cân nhắc tới yếu tố chính trị liên quan đến cuộc bầu cử sắp tới".
Theo TikTok, nếu lệnh cấm trên không bị chặn lại, "hàng trăm triệu người tại Mỹ chưa tải TikTok sẽ buộc phải ở ngoài cộng đồng trực tuyến rộng lớn và đa dạng này - từ thời điểm 6 tuần trước cuộc bầu cử quốc gia".
Các luật sư dự kiến sẽ tranh luận về đề nghị của TikTok trong ngày 24/9, sau đó thẩm phán sẽ đưa ra quyết định xem có nên bảo toàn sắc lệnh của Tổng thống Trump cho đến khi vụ kiện về lệnh cấm được giải quyết hay không.
Trước đó, ngày 19/9, một thẩm phán tòa án liên bang ở thành phố San Francisco đã ban hành lệnh cấm sơ bộ, nhằm ngăn chặn một lệnh tương tự của Bộ Thương mại Mỹ đối với ứng dụng WeChat của công ty Tencent Holdings.
Thỏa thuận tái cơ cấu quyền sở hữu ứng dụng TikTok hiện đang gây nhiều tranh cãi khi các bên liên quan đưa ra những thông tin trái ngược nhau. Tổng thống Trump tuyên bố sẽ ngăn chặn mọi thỏa thuận cho phép tập đoàn ByteDance của Trung Quốc - công ty mẹ của TikTok - giữ lại các quyền kiểm soát đối với ứng dụng này.
Trong khi đó, ngày 21/9, ByteDance tuyên bố họ sẽ nắm giữ 80% cổ phần của TikTok Global - một công ty mới được thành lập của Mỹ và sẽ sở hữu hầu hết các hoạt động của ứng dụng TikTok trên toàn thế giới.
ByteDance nhấn mạnh TikTok Global sẽ trở thành công ty con của ByteDance; Oracle Corp và Walmart Inc đã đồng ý nắm giữ lần lượt 12,5% và 7,5% cổ phần trong TikTok Global.
Về phần mình, tuyên bố ngày 21/9 của hãng công nghệ Oracle lại nêu rõ rằng quyền sở hữu của ByteDance đối với TikTok sẽ được phân bổ cho các nhà đầu tư của ByteDance, và tập đoàn ByteDance sẽ không có cổ phần trong TikTok Global.
* Cùng ngày, Bộ Tư pháp Mỹ đã đệ trình đề xuất lên Quốc hội Mỹ nhằm hạn chế các biện pháp bảo vệ pháp lý cho các công ty công nghệ lớn như Facebook hay Alphabet - công ty mẹ của Google - và Twitter, buộc các doanh nghiệp này phải gánh vác thêm trách nhiệm quản lý nội dung trên các trang web của họ.
Đề xuất này dựa trên 2 mục tiêu chính mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump và Bộ Tư pháp Mỹ đã phác thảo hồi tháng Sáu vừa qua là khuyến khích các nền tảng trực tuyến chủ động giải quyết các hành vi bất hợp pháp và quản lý nội dung trên trang web một cách công bằng và nhất quán.
Theo một quan chức của Bộ Tư pháp Mỹ, cơ quan này đã điều chỉnh đề xuất ban đầu của họ trong những tháng vừa qua dựa trên những phản hồi mà họ nhận được từ các bên liên quan, ví dụ như các công ty Internet sẽ được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm khi họ gỡ bỏ các nội dung kích động chủ nghĩa cực đoan bạo lực hay xu hướng tự làm hại/làm đau bản thân.
Hiện các nghị sĩ của cả phe Cộng hòa và Dân chủ đều khẳng định họ muốn xem xét lại các biện pháp bảo hộ pháp lý mà các công ty công nghệ Mỹ lâu nay được thụ hưởng bởi cả hai đảng đều lo ngại những nền tảng trực tuyến có thể trở thành nơi hỗ trợ cho các hoạt động tội phạm.
Đề xuất mới có thể sẽ không cho phép các công ty công nghệ được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm theo Mục 230 của Đạo luật về Khuôn phép Truyền thông 1996 nếu các công ty không đảm bảo được một số tiêu chuẩn nhất định như các công ty tạo điều kiện để các hành vi tội phạm xảy ra hoặc biết mà không báo cáo và ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp.
Mục 230 Đạo luật về Khuôn phép Truyền thông 1996 vốn cho phép các công ty Internet có quyền kiểm soát khá rộng các trang web của họ đồng thời lại tránh cho các công ty này phải chịu trách nhiệm pháp lý liên quan đến những hành vi/hành động của người dùng.
Cũng theo đề xuất này, các công ty Internet sẽ không được miễn trừ trách nhiệm trong các vụ việc liên quan tới lạm dụng trẻ em, lạm dụng tình dục trực tuyến, khủng bố hay rình mò trên không gian mạng (cyberstalking).
Về phần mình, các công ty công nghệ đã lên tiếng phản đối việc thay đổi hay bãi bỏ Mục 230 bởi cho rằng nhờ luật này mà các nền tảng trực tuyến có thể phát triển mà không sợ bị "dính" vào các vụ kiện cáo.
Bà Elizabeth Banker, đại diện Hiệp hội các công ty công nghệ trực tuyến Internet Association (tổ chức mà nhiều công ty công nghệ lớn như Facebook hay Twitter đều là thành viên) đã phát biểu với tờ Wall Street Journal rằng nếu cứ theo đề án này, ngay cả nhận xét về một bài đăng của một cá nhân cũng có thể khiến một diễn đàn trực tuyến hay một cá nhân đối mặt với vô số các loại kiện tụng.