Tiết lộ khuôn mặt của người phụ nữ Neanderthal 75.000 năm trước

Ngày 2/5, một nhóm nhà khảo cổ học ở Anh đã tiết lộ khuôn mặt được tái tạo của một phụ nữ Neanderthal sống cách đây 75.000 năm, đồng thời đánh giá lại cái nhìn về loài người họ hàng với loài người thông minh chúng ta này.

Người phụ nữ Neanderthal được đặt tên là Shanidar Z theo tên hang động ở Kurdistan thuộc Iraq, nơi hộp sọ của cô được tìm thấy vào năm 2018. Phát hiện mới nhất giúp các chuyên gia tìm hiểu bí ẩn về người phụ nữ Neanderthal khoảng 40 tuổi được an táng trong tư thế ngủ dưới một tảng đá khổng lồ.

Hộp sọ và khuôn mặt được tái tạo của một phụ nữ Neanderthal sống cách đây 75.000 năm tên Shanidar Z. Ảnh: AFP

Phần cơ thể của bộ xương được khai quật vào năm 1960 trong cuộc khai quật của nhà khảo cổ học người Mỹ Ralph Solecki. Khi đó ông đã tìm thấy hài cốt của ít nhất 10 người Neanderthal.

Trong nhóm thi thể ông phát hiện, có một thi thể được bao quanh bởi những cụm phấn hoa cổ xưa. Do đó ông đã đưa ra lập luận gây tranh cãi về nghi thức an táng người chết trên luống hoa.

Do những khó khăn chính trị, phải khoảng 50 năm sau, một nhóm từ Đại học Cambridge và Đại học Liverpool John Moores mới có thể trở lại địa điểm ở Dãy núi Zagros phía bắc Iraq.

Người Neanderthal tiệt chủng một cách bí ẩn vào khoảng 40.000 năm trước. Hộp sọ của Shanidar Z – phát hiện được bảo quản tốt nhất của người Neanderthal trong thế kỷ này – dày 2 cm và có dấu hiệu bị bẹp, có thể do bị một tảng đá rơi trúng sau khi cô qua đời.

Giáo sư Graeme Barker từ Viện nghiên cứu khảo cổ học McDonald của Đại học Cambridge, người đứng đầu cuộc khai quật tại hang Shanidar, cho biết: "Chúng tôi muốn thử xác định niên đại của những ngôi mộ… để sử dụng địa điểm này góp phần cho mục đích xác định lý do người Neanderthal tuyệt chủng".

Shanidar Z là thi thể thứ năm được xác định trong nhóm thi thể bị chôn vùi ít nhất vài trăm năm ngay sau tảng đá ở trung tâm hang động. Các nhà khảo cổ tin rằng khối đá được sử dụng như vật nhận dạng giúp người Neanderthal quay trở lại vị trí cũ để chôn cất người chết.

Giáo sư Chris Hunt của Đại học Liverpool John Moores cho rằng việc chôn các thi thể ở cùng một vị trí có thể là "truyền thống" và "sự truyền đạt kiến thức giữa các thế hệ" của người Neanderthal.

Phó giáo sư Emma Pomeroy chụp ảnh với hộp sọ và khuôn mặt được tái tạo của một phụ nữ Neanderthal sống 75.000 năm trước tại Đại học Cambridge, Anh. Ảnh: AFP

Nhà nhân chủng học cổ đại Emma Pomeroy ở Đại học Cambridge, người đã phát hiện ra Shanidar Z, cho biết việc tìm thấy hộp sọ và phần thân trên của Shanidar Z vừa "thú vị" vừa "kinh hoàng".

Khi mới phát hiện, bộ xương và trầm tích xung quanh Shanidar Z phải được gia cố tại chỗ bằng chất kết dính trước khi gói vào hàng chục khối nhỏ bọc giấy bạc. Sau đó, trưởng nhóm bảo tồn Lucia Lopez-Polin phải ghép hơn 200 mảnh sọ lại với nhau như bước đầu tiên trong quá trình tái tạo khuôn mặt người phụ nữ.

Pomeroy so sánh nhiệm vụ này giống như trò chơi ghép hình 3D mức độ khó, đặc biệt khi các mảnh sọ rất mềm và "có độ đặc tương tự chiếc bánh quy nhúng trong trà". Hộp sọ được xây dựng lại, sau đó được in 3D. Các nhà cổ sinh vật học dựa vào hộp sọ in 3D đó để hoàn thành việc tái tạo khuôn mặt bằng các lớp cơ và da.

Pomeroy đánh giá hộp sọ của người Neanderthal trông rất khác so với hộp sọ của con người "với những đường vân lông mày khổng lồ và không có cằm", nhưng "khác biệt đó không quá rõ ràng trong cuộc sống". Phó giáo sư nhấn mạnh sự lai giống giữa người Neanderthal và con người "đến mức hầu hết mọi người còn sống ngày nay vẫn có DNA của người Neanderthal".

Hoài Phương (theo AFP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tiet-lo-khuon-mat-cua-nguoi-phu-nu-neanderthal-75000-nam-truoc-post293933.html