Tiếp tục phát huy thành quả công tác dân vận trong tình hình mới

Đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy tặng quà cho các hộ gặp khó khăn trên địa bàn huyện Phú Hòa (Ảnh chụp trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát). Ảnh: HÀ ANH

Tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 làm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và quyết định chọn ngày 15/10 hằng năm là Ngày Dân vận của cả nước để đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận.

Trải qua 91 năm đồng hành cùng lịch sử cách mạng dân tộc, công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Công tác dân vận trong đấu tranh giải phóng dân tộc

Kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, chúng ta càng tự hào, tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, cùng với cả nước quyết tâm đẩy lùi đại dịch COVID-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường với tinh thần vừa chống dịch vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.

Ngay sau hội nghị thành lập Đảng, Đảng nhanh chóng tổ chức ra các đoàn thể cách mạng, hình thành bộ máy và cán bộ làm công tác dân vận. Đảng đã tổ chức cho đảng viên đi vào các giai tầng xã hội, tuyên truyền, vận động, tổ chức và tập hợp, huấn luyện quần chúng đấu tranh chống áp bức, bất công, bóc lột, đòi hỏi dân sinh, dân chủ ở nhiều nơi. Những cán bộ, đảng viên lớp đầu tiên đã không quản gian lao, thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, “ba cùng” với nhân dân, tuyên truyền, giác ngộ và thành lập các tổ chức quần chúng đoàn kết xung quanh Đảng, tạo sức mạnh và động lực cho cách mạng theo đường lối “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”.

Sau cao trào cách mạng 1930-1931, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ 1936-1939, phong trào phản đế 1939-1941 và phong trào Mặt trận Việt Minh 1941-1945, thời kỳ 1945-1954 đã đánh dấu bước phát triển mới trên nhiều phương diện khác nhau; phong phú, đa dạng về nội dung, hình thức; các loại hình, mô hình và phương thức, phương pháp làm công tác dân vận. Các phong trào vận động nhân dân tham gia “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm” được lan tỏa đến từng thôn, buôn; hũ gạo kháng chiến được lan rộng khắp nơi, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, rào làng chiến đấu, tình nguyện tòng quân, tham gia thanh niên xung phong... đã khơi dậy được tinh thần yêu nước của nhân dân hướng về các mặt trận, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, mở đầu cho sự kết thúc chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.

Trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), công tác dân vận được triển khai sâu rộng trong các cấp, ngành, lĩnh vực, các tầng lớp nhân dân trong nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại để đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; góp phần động viên đến mức cao nhất sức người, sức của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam và làm hậu thuẫn vững chắc cho quân và dân miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa xuân năm 1975.

Cùng với lịch sử hình thành, phát triển của công tác dân vận cả nước, công tác dân vận ở Phú Yên luôn giương cao ngọn cờ tập hợp, đoàn kết toàn dân. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đồng lòng, nhất trí, đoàn kết để đấu tranh không khoan nhượng với thực dân Pháp xâm lược, bè lũ tay sai, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên các cao trào cách mạng và đặc biệt là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; đánh bại cuộc hành quân Át-lăng của thực dân Pháp, góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, công tác dân vận ở tỉnh ta đã cùng với cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, là nguồn cổ vũ lớn lao, tạo động lực thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh bước vào thời kỳ mới - thời kỳ dựng xây và phát triển.

Kết quả nổi bật của công tác dân vận Phú Yên

Giữ vững các thành quả của công tác dân vận trong đấu tranh giải phóng dân tộc, trong công cuộc đổi mới, dựng xây và phát triển, công tác dân vận trong tỉnh đã đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để thực hiện hiệu quả các nghị quyết đại hội của Đảng.

Ban Dân vận các cấp, MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức thành viên đã đoàn kết, tập hợp lực lượng không chỉ bằng công tác tuyên truyền, phát triển tổ chức, mà còn thông qua nhiều phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, nhiều cuộc vận động thiết thực, có sức lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân. Nổi bật là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai rộng khắp đến từng địa bàn khu dân cư, tạo thành phong trào lớn, được đông đảo nhân dân tham gia hưởng ứng, đạt được nhiều kết quả thiết thực trên mọi lĩnh vực của cuộc sống. Các phong trào giúp đỡ hộ nghèo, xóa nhà tạm, ủng hộ bão lụt nhiều năm qua được triển khai bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, đã tạo nên những dấu ấn tốt đẹp, sâu đậm trong xã hội, thu hút được sự ủng hộ về nguồn lực để giúp đỡ kịp thời cho hàng trăm người nghèo có nhà ở, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, khám chữa bệnh, giúp học sinh nghèo vượt khó học giỏi...

Việc phát huy Quy chế Dân chủ cơ sở, giám sát phản biện xã hội đã nâng cao vị trí, vai trò của công tác dân vận trong tình hình mới. MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội, các tổ chức thành viên thường xuyên tiếp xúc, trao đổi, tọa đàm với đoàn viên, hội viên và nhân dân thông qua sinh hoạt ở khu dân cư; thực hiện theo dõi, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; giải quyết kịp thời những kiến nghị, bức xúc của nhân dân, động viên nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động xã hội. Đồng thời thực hiện tốt việc tập hợp ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước về vấn đề nhân dân quan tâm, thông tin cho nhân dân biết kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng.

Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh càng khẳng định được vai trò tập hợp, đoàn kết toàn dân vượt qua khó khăn gian khổ, chung sức chung lòng phòng chống đại dịch, đạt nhiều kết quả trên nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Từ khi trên địa bàn tỉnh phát hiện có ca F0 đến nay, hệ thống dân vận trên toàn tỉnh đã quyên góp, ủng hộ gần 30 tỉ đồng, hàng trăm tấn hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu, cùng nhiều trang thiết bị vật tư y tế để ủng hộ Quỹ Phòng chống COVID-19, người nghèo, cận nghèo, các hộ khó khăn do đại dịch, các khu phong tỏa, các lực lượng tuyến đầu...

Cùng với sự phát triển của Phú Yên, đánh giá lại những thành tựu nổi bật của tỉnh, càng tự hào với những thành tích đóng góp của công tác dân vận trong sự phát triển đi lên của tỉnh nhà.

BAN DÂN VẬN TỈNH ỦY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/266238/tiep-tuc-phat-huy-thanh-qua-cong-tac-dan-van-trong-tinh-hinh-moi.html