Tiếp nhận góp ý xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục Mầm non vùng khó khăn
Chiều 3/3, tại Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì phiên họp trực tiếp và trực tuyến lấy ý kiến về xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển GD mầm non vùng khó khăn.
GD&TĐ - Chiều 3/3, tại Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì phiên họp trực tiếp và trực tuyến lấy ý kiến về xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển GD mầm non vùng khó khăn.
Tham dự có đại diện Ban chỉ đạo và tổ biên tập Đề án.
Tại phiên họp, Phó Vụ trưởng Vụ GD Mầm non Cù Thị Thủy đã trình bày sự cần thiết xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non (GDMN) vùng khó khăn. Theo đó, thực hiện chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ giai đoạn 2021-2030 về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi theo hướng bền vững, ưu tiên địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS;
Đề án hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn thực hiện rà soát, đánh giá củng cố mạng lưới trường, lớp, đội ngũ, cơ sở vật chất, chính sách đối với trẻ em, giáo viên tại các cơ sở GDMN vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi nhằm thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030;
Triển khai thực hiện Đề án sẽ hỗ trợ cho các cơ sở GDMN tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng khó khăn được bổ sung các điều kiện đảm bảo về CSVC, đội ngũ, chính sách đối với trẻ em và giáo viên nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ huy động trẻ em MN người DTTS được tiếp cận giáo dục, được chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, đủ một năm học, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền trên toàn quốc; hỗ trợ tốt cho trẻ em người DTTS được chuẩn bị tốt các điều kiện để học lên cấp học phổ thông.
Cơ sở pháp lý để xây dựng Đề án được thực hiện dựa trên Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, ngày 14/10/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Quyết định số 1983/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 5/11/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020. Trong đó: Chính phủ giao Bộ GD&ĐT trong năm 2022 xây dựng Đề án “Hỗ trợ phát triển Giáo dục Mầm non vùng khó khăn Giai đoạn 2021-2025”.
Đề án nhằm hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn đến trường thực hiện các mục tiêu: Tăng cường cơ hội tiếp cận, đảm bảo các điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu tới trường của trẻ mầm non vùng khó khăn; nâng cao tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ, đảm bảo điều kiện thực hiện phổ cập mẫu giáo; Nâng cao chất lượng, sự phù hợp đối với giáo dục mầm non tại các vùng khó khăn và miền núi, dân tộc thiểu số; Bảo tồn, phát huy văn hóa, ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Đặc biệt là tạo cơ hội trẻ em vùng khó khăn và ĐBKK được tiếp cận với Chương trình GDMN, được tăng cường tiếng Việt; nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách chuẩn bị tốt các điều kiện để trẻ tiếp cận tốt hơn với GDPT; giảm bớt khoảng cách vùng miền về chất lượng thực hiện CT GDMN, đảm bảo thực hiện công bằng cho trẻ em vùng khó khăn.
Các thành viên tham gia 21 thành viên Ban soạn thảo và 15 thành viên tổ biên tập đã làm rõ nhiều nội dung liên quan. Như việc triển khai kế hoạch, từng bước để tạo ra sản phẩm, cũng như việc chỉnh sửa câu chữ cho hợp lý, đưa ra thực trạng của vấn đề. Kế hoạch triển khai cần kế thừa kế hoạch Đề án phổ cập Giáo dục mẫu giáo (3-4 tuổi) và duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập Giáo dục Mầm non cho trẻ em mẫu giáo.
Các nội dung cần biên tập cho phù hợp với đúng tên gọi của vấn đề, việc đánh giá riêng cho nhóm đối tượng cần cụ thể để từ đó có bài học kinh nghiệm và đề xuất nghiệm vụ. Nội dung cần có cả nhiệm vụ và giải pháp cụ thể... Các nội dung sẽ tiếp tục được ý kiến để hoàn thiện Đề án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng, sự cần thiết ban hành Đề án, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị các thành viên ban soạn thảo và tổ biên tập cần làm rõ nội dung GDMN vùng khó khăn, giải pháp quan tâm đưa chỉ tiêu nào vào, cần bàn bạc tính toán kỹ, văn bản nào quy định cụ thể thế nào. Cần làm rõ từ tiêu đề khái niệm từng nhóm đối tượng vùng khó khăn và vấn đề hỗ trợ GDMN vùng khó khăn cả nhà trẻ và mẫu giáo, trẻ mầm non thế nào, mẫu giáo ra sao, điều kiện GV có đảm bảo thực hiện hay không.
Với những hạn chế tồn tại, cần có sự phân tích thực trạng để đưa ra giải pháp tháo gỡ, nhiệm vụ và giải pháp phải được làm rõ. Quan điểm, mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể phải rõ ràng, các giai đoạn thực hiện thế nào cho từng lứa tuổi, nâng cao thể trạng và kinh phí thực hiện cần có sự tính toán phù hợp. Cách tiếp cận quan tâm đến đối tượng GDMN vùng khó phải đạt sự công bằng, có sự phối hợp liên ngành. Đề án được ban hành phải tác động tích cực đến nhóm đối tượng và xã hội để nâng cao hiệu quả nuôi dạy trẻ mầm non ở vùng khó khăn.
Bà Cù Thị Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ GDMN đã đưa ra con số để thấy được những khó khăn của GDMN vùng khó khăn: Số trường vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn (ĐBKK) chiếm tỷ lệ 23% tổng số trường mầm non toàn quốc, chủ yếu rơi vào vùng miền núi, dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo. Năm 2021, báo cáo giám sát của Quốc hội cho thấy GDMN vùng khó khăn có chất lượng còn thấp.
Số nhóm/lớp vùng khó khăn và ĐBKK chiếm 52,7% tổng số nhóm lớp trên toàn quốc; Số trẻ em mầm non vùng khó khăn và ĐBKK chiếm gần 20% tổng số trẻ đến trường trong toàn quốc; Tỷ lệ phòng học kiên cố vùng khó khăn và ĐBKK khoảng 61%, còn lại là nhà tạm tranh tre nứa lá; Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi vùng khó khăn và ĐBKK còn cao so với vùng thuận lợi.