Tiếp cận nhà ở xã hội hạn chế, thi vào cấp 3 khó hơn thi đại học...
Đây là một số nội dung trong báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và tháng 6/2023 vừa được trình bày tại Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sáng nay (12/7).
Cho ý kiến 7 nội dung quan trọng
Sáng 12/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành Phiên họp thứ 24. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết dự kiến trong 2,5 ngày phiên họp thường kỳ tháng 7 của UBTVQH, phiên họp thứ 24 sẽ xem xét cho ý kiến về các nội dung quan trọng.
Về công tác xây dựng pháp luật, UBTVQH sẽ cho ý kiến đối với dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Đây là 2 dự án luật đã được Quốc hội quyết định trong Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, bổ sung Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2023.
Theo tiến độ, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 (dự kiến tháng 10/2023) và xem xét quyết định thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (dự kiến tháng 5/2024).
Hai dự án Luật này đã được chuẩn bị khá lâu và cho đến nay, theo đề xuất của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã đủ điều kiện để trình UBTVQH cho ý kiến sớm để các cơ quan, tổ chức hữu quan, nhất là các cơ quan chủ trì soạn thảo có thêm thời gian để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện để có chất lượng tốt nhất, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Nội dung thứ hai, UBTVQH sẽ xem xét về biểu quyết thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Theo Chủ tịch Quốc hội, khi dự thảo Nghị quyết này được thông qua thì Chính phủ và các cơ quan tổ chức hữu quan, các địa phương để phục vụ kịp thời cho Đại hội Đảng bộ các cấp để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBTVQH nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ, xem xét để kịp thời thể chế hóa Kết luận 48 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về sắp xếp tinh giản bộ máy biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của quản lý Nhà nước và Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Về công tác giám sát, UBTVQH sẽ nghe báo cáo về kết quả giám sát bước đầu về chuyên đề giám sát của UBTVQH về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông”.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp này là cho ý kiến bước đầu và đến phiên họp thường kỳ tháng 8, UBTVQH sẽ tổ chức giám sát chính thức đối với chuyên đề quan trọng này.
Đồng thời, UBTVQH cũng tiếp tục xem xét về kết quả công tác dân nguyện của tháng 7.
UBTVQH sẽ cho ý kiến về việc tổng kết, rà soát việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 525 về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong 10 năm qua, phương thức hoạt động của Quốc hội có nhiều thay đổi. Thực tiễn yêu cầu chất lượng hoạt động Quốc hội ngày càng yêu cầu phải được nâng lên. Do đó mà việc tổng kết Nghị quyết liên tịch 525 là rất cần thiết.
Ngoài ra, tại phiên họp này, UBTVQH sẽ tổng kết Kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến bước đầu về chương trình, nội dung, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan, các thành viên UBTVQH nghiên cứu tài liệu, phát huy kết quả những phiên họp trước, phát biểu sâu và liên tục cho ý kiến để phiên họp thường kỳ tháng 7 có kết quả tốt nhất.
Việc tiếp cận, thụ hưởng nhà ở xã hội còn hạn chế
Sáng cùng ngày, UBTVQH xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và tháng 6/2023. Trình bày báo cáo, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cử tri và nhân dân bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên; việc tiếp cận, thụ hưởng nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế, giá bán còn cao, vượt quá khả năng tài chính của đa số người lao động;
Tình hình khó khăn của nhiều doanh nghiệp do sụt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc, ngừng việc, giảm việc xảy ra nhiều địa phương; tình trạng nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp, chi phí dịch vụ tăng, trong khi tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn…
Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, trong tháng 5 và tháng 6/2023, tại một số địa phương tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn hết sức phức tạp.
Nội dung chủ yếu liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; tình trạng ô nhiễm về tiếng ồn, khói bụi, rác thải… ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của người dân;
Tình trạng chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết, trốn tránh trách nhiệm bảo hành, không bàn giao quỹ bảo trì và công tác quản lý, vận hành tòa nhà, cũng như chất lượng chung cư không đảm bảo… vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm, làm phát sinh một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp…
Trong thời gian tới, Ban Dân nguyện kiến nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH cần quan tâm hơn nữa hoạt động giám sát theo lĩnh vực phụ trách, nhất là việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của các Bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực phụ trách đã được đề cập trong báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng;
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp và giám sát các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm các vụ việc cụ thể đã được đề cập tại báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng...
Đồng thời, Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo một số nội dung cử tri quan tâm hiện nay, cụ thể: Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện các quy định. Đặc biệt là việc “làm sạch” dữ liệu để phục vụ kết nối, chia sẻ, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
Bộ Xây dựng có cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ để khuyến khích, đẩy mạnh đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và đảm bảo giá nhà ở xã hội ở mức vừa phải để cán bộ, công nhân, người lao động có thu nhập thấp có điều kiện mua nhà ở, ổn định cuộc sống; nghiên cứu, xem xét và ban hành quy định cấm hoặc hạn chế buôn bán, sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam…
Thi vào cấp 3 khó hơn thi đại học
Cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao Báo cáo của Ban Dân nguyện đã phản ánh được tình hình kiến nghị của cử tri, tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và có những đề xuất cũng cụ thể...
Đối với kiến nghị và những băn khoăn, lo lắng của cử tri, bà Nga nêu rõ, thực trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm để nộp hồ sơ cho con vào trung học phổ thông gây băn khoăn, lo lắng trong dư luận.
Thực trạng áp lực đối với học sinh thi vào lớp 10 ở Hà Nội và TP.HCM là thực trạng trong nhiều năm, thi vào cấp 3 hiện nay khó hơn thi vào đại học.
Do đó, Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục vào cuộc vấn đề này để làm rõ xem có tình trạng thiếu trầm trọng Trường Trung học phổ thông công lập hay không? Giải pháp để giải quyết vấn đề này trên thực tế như thế nào?
Tuy Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo tình trạng này nhưng bà Nga vẫn đề nghị đưa thêm vào báo cáo công tác dân nguyện.
Phát biểu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đối với vấn đề thi vào lớp 10 như Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga vừa đề cập, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tham gia từ năm ngoái đến năm nay và trả lời truyền thông rất nhiều. Các số liệu về nội dung này cũng đã được tổng hợp tương đối đầy đủ.
Nhấn mạnh đây là bài toán không dễ, ông Vinh cho rằng cần phải tính toán cẩn thận. Trên tinh thần tiếp thu ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp về nội dung này, ông Vinh cũng cho rằng nội dung này cũng cần ghi nhận và đưa vào báo cáo của Ban Dân nguyện.
Đồng thời, trong thời gian tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ kiến nghị với Chính phủ cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo để có những nghiên cứu sâu hơn và có những giải pháp hiệu quả hơn đối với vấn đề này.