Tiền trợ cấp xăng xe, tiền làm thêm ngoài, tiền thưởng lễ Tết giờ có bị truy thu thuế?

Ngày 23/3, Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội nghị hỗ trợ trực tuyến quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2023.

Thời hạn quyết toán thuế TNCN chậm nhất là ngày 4/5

Ông Nguyễn Quý Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Vụ DNNCN) cho biết: Năm 2023 là năm đầu tiên thực thi các quy định mới trong việc quyết toán thuế TNCN.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế trả lời tại Hội nghị trực tuyến. (Ảnh: TCT)

Theo đó, tại Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập chậm nhất là ngày 31/3/2023.

Đối với cá nhân thuộc diện trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế và nộp thuế chậm nhất là ngày 4/5/2023. Bởi vì, thời hạn nộp hồ sơ trùng với ngày nghỉ lễ, do đó ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế được tính là ngày làm việc liền kề sau ngày nghỉ đó.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ DNNCN, trong Nghị định 91 cũng bổsung trường hợp không phải nộp hồ sơ khai thuế.

Theo đó, người khai thuế TNCN là tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc trường hợp khai thuế TNCN theo tháng, quý mà trong tháng, quý đó không phát sinh việc khấu trừ thuế TNCN của đối tượng nhận thu nhập.

Sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ đăng ký người phụ thuộc

Cũng theo ông Nguyễn Quý Trung, cuối năm 2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 79 bổ sung thêm quy định đối với hồ sơ chính minh người phụ thuộc.

Theo đó, trường hợp người phụ thuộc là con dưới 18 tuổi; con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động; người phụ thuộc là vợ hoặc chồng; cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng), cha dượng, mẹ kế, cha nuôi hợp pháp, mẹ nuôi hợp pháp.

Với những trường hợp người phụ thuộc đã được quy định trước đó, tại Thông tư mới, bên cạnh những giấy tờ chứng minh người được quy định tại Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì người nộp thuế thay vì sử dụng sử dụng CMND có thể sử dụng CCCD trong hồ sơ chứng minh người phụ thuộc.

Trường hợp người phụ thuộc là vợ hoặc chồng; cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng), cha dượng, mẹ kế, cha nuôi hợp pháp, mẹ nuôi hợp pháp; các cá nhân khác theo Thông tư mới, sẽ thay thế bản chụp sổ hộ khẩu, Bản chụp đăng ký tạm trú của người phụ thuộc (được quy định tại Thông tư số 111/2013 TT-BTC) bằng một trong các giấy tờ sau: Bản chụp Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc giấy tờ khác do cơ quan Cơ quan Công an cấp

Tại Thông tư số 79/2022/TT-BTC bổ sung nội dung: “Kể từ ngày Cơ quan thuế thông báo hoàn thành việc kết nối dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người nộp thuế không phải nộp các giấy tờ chứng minh người phụ thuộc nêu trên nếu thông tin trong những giấy tờ này đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.

Tiền trợ cấp xăng xe, tiền làm thêm ngoài giờ có bị truy thu thuế TNCN?

Trong Hội nghị hỗ trợ trực tuyến quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2023, có độc giả đặt câu hỏi, doanh nghiệp hàng tháng có khoản tiền phụ cấp xăng xe, điện thoại, tiền ăn trưa được quy định trong hợp đồng lao động và quy chế chi tiêu nội bộ. Vậy, số tiền này có bị tính thuế TNCN hay không?

Về vấn đề này, ông Trung cho biết, căn cứ vào Thông tư số 111/2013/TT-BTC, khoản tiền này là khoản lợi ích bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả cho người lao động là thu nhập chịu thuế TNCN, không được trừ khi tính thuế TNCN.

Về khoản chi tiền điện thoại, căn cứ quy định tại Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn về các Khoản thu nhập không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN, trường hợp khoản chi tiền điện thoại cho cá nhân nếu được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong một số trường hợp.

Đơn cử, như hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp thì khoản chi tiền điện thoại cho cá nhân là thu nhập được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNCN.

Trường hợp đơn vị chi tiền điện thoại cho người lao động cao hơn mức khoán chi quy định thì phần chi cao hơn mức khoán chi quy định phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

Ngoài ra, có độc giả thắc mắc chi tiền trực ngày lễ, tết cho người lao động có tính vào thu nhập chịu thuế không?

Về vấn đề này, ông Trung khẳng định, trường hợp người sử dụng lao động chi tiền trực ngày lễ, tết cho người lao động theo đúng quy định của Bộ luật Lao động thì phần cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ được miễn thuế khi tính thuế TNCN của người lao động theo Thông tư 111.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tien-tro-cap-xang-xe-tien-lam-them-ngoai-tien-thuong-le-tet-gio-co-bi-truy-thu-thue-post240542.html