Tiền Giang chưa ghi nhận trường hợp tử vong trên người do bệnh dại
Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK2) Võ Thanh Nhơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang, nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do bệnh dại trên người chủ yếu là do người bị động vật nghi dại cắn mà không tiêm phòng vắc xin. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.
Theo CDC Tiền Giang, chỉ trong ngày 3-10, tại đơn vị có trên 90 người đến tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh dại. Trong tháng 9 năm 2022, CDC Tiền Giang ghi nhận có trên 500 trường hợp người dân đi tiêm phòng dại do bị chó, mèo cắn, cào và đến nay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chưa ghi nhận trường hợp tử vong trên người do bệnh dại.
BSCK2 Võ Thanh Nhơn khuyến cáo, người dân khi bị chó, mèo cắn cần rửa ngay vết thương bằng nước và xà phòng liên tục trong 10 - 15 phút; sau đó rửa sạch bằng cồn, rượu hoặc dung dịch iodine (nếu có) và đến ngay trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố, CDC Tiền Giang để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại kịp thời.
Lưu ý, không được bó hoặc bôi thuốc kín vết thương, không khâu vết thương sẽ làm vi rút dại dễ dàng thâm nhập hơn. Hãy tiêm vắc xin phòng dại cho các thành viên trong gia đình và cho người khi bị chó, mèo cắn. Bên cạnh đó, việc tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo đầy đủ và nhắc lại hằng năm là biện pháp phòng, chống bệnh dại duy nhất.
Ngoài ra, người dân không thả rong chó ra đường, đến gần chó lạ, chó chạy rong... Cần xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình và phải đảm bảo vệ sinh môi trường; xích, rọ mõm giữ chó khi đưa chó ra ngoài nơi công cộng; đứng yên tại chỗ, hai tay duỗi thẳng hai bên hoặc giả vờ ngồi im, cuộn tròn người như quả bóng và che mặt lại khi bị chó tấn công.