6 lý do cha mẹ la mắng không hiệu quả với trẻ

La mắng là phản ứng tự nhiên của nhiều phụ huynh khi trẻ mắc lỗi hoặc không nghe lời. Tuy nhiên, đây không phải là một phương pháp giáo dục hiệu quả, thậm chí gây tác dụng ngược.

1. Trẻ không thể học trong trạng thái chiến đấu hoặc bỏ chạy: "La mắng là để giải tỏa sự tức giận; đó không phải là cách hiệu quả để thay đổi hành vi của trẻ", theo TS Laura Markham, chuyên gia tâm lý học lâm sàng. TS Markham nói rằng khi một đứa trẻ sợ hãi, chúng sẽ rơi vào trạng thái chiến đấu hoặc bỏ chạy, lúc này, các trung tâm học tập của não bộ bị tắt. Ngược lại, giao tiếp bình tĩnh và nhẹ nhàng giúp trẻ cảm thấy an toàn, khiến chúng tiếp thu bài học mà bạn đang dạy. Ảnh: Freepik.

2. Khiến trẻ cảm thấy bị đánh giá thấp: Nhu cầu được đánh giá cao là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người, kể cả trẻ em. Tuy nhiên, khi bị la mắng, trẻ không những không được đáp ứng nhu cầu này mà còn cảm thấy bản thân không đủ năng lực và đặt câu hỏi về khả năng của mình. "La mắng là một trong những cách nhanh nhất để khiến một người cảm thấy mình không có giá trị", TS Joseph Shrand, giảng viên khoa tâm thần tại trường Y Harvard, nói. Ảnh: Freepik.

3. Làm tăng lo lắng, trầm cảm và hạ thấp lòng tự trọng: Theo TS Markham, cách cha mẹ phản ứng với sai lầm của con cái có thể tác động trực tiếp đến sự hình thành và phát triển cảm xúc của trẻ, đặc biệt là nỗi lo âu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em bị la mắng dễ bị lo lắng và tăng mức độ trầm cảm. Ảnh: Freepik.

4. Phá vỡ mối quan hệ: Thay vì tạo ra sự gần gũi và tin tưởng, la mắng có thể khiến cha mẹ và trẻ đối đầu với nhau, khiến chúng cảm thấy không được ủng hộ. Điều này không chỉ gây tổn thương cho trẻ mà còn khiến việc giáo dục trở nên khó khăn hơn.

Chắc chắn, trẻ sẽ phòng thủ hoặc rời khỏi "vùng" tương tác mà chúng thấy không an toàn, dần dần xa lánh cha mẹ. Ảnh: Freepik.

5. Ảnh hưởng lâu dài: Việc la mắng thường xuyên có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng và lâu dài cho sự phát triển của trẻ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng la mắng là một hình thức kỷ luật khắc nghiệt. Trẻ em bị kỷ luật theo cách này có thành tích học tập kém và các vấn đề về hành vi. Nghiên cứu khác chứng minh rằng la mắng có thể gây ra những tác hại tương tự như hình phạt thể xác. Lạm dụng bằng lời nói và bị la mắng thường xuyên thậm chí có thể thay đổi cách phát triển não bộ của trẻ. Ảnh: Freepik.

6. Trẻ phản ứng tương tự: Não bộ của trẻ có khả năng bắt chước hành vi của người lớn, đặc biệt là cha mẹ. Vì vậy, khi la mắng trẻ, cha mẹ đang kích hoạt một phản ứng tương tự ở con, khiến chúng cũng trở nên tức giận và khó kiểm soát cảm xúc. Khi bạn la mắng, bạn đang dạy cho con cái rằng cách giải quyết vấn đề là nổi nóng. Điều này sẽ tạo ra một vòng luân hồi của phản ứng tiêu cực trong gia đình. Ảnh: Freepik.

Ngọc Bích

Theo Parents

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/6-ly-do-cha-me-la-mang-khong-hieu-qua-voi-tre-post1509961.html