Tiền đề cho Hà Nội phát triển đường sắt đô thị
Cùng với Luật Đất đai 2024, Luật Thủ đô 2024 được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho Hà Nội bắt tay vào xây dựng và phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) với 'xương sống' là đường sắt đô thị.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống đường sắt đô thị có 10 tuyến với trên 410km.
Thành phố đang điều chỉnh Quy hoạch chung, bổ sung 5 tuyến đường sắt dài 200km.
Như vậy, mục tiêu đến năm 2045 tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội sẽ có 15 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 617km.
Đây là một thách thức rất lớn bởi sau nhiều năm nỗ lực triển khai đầu tư, đến thời điểm này, Hà Nội mới có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13km và đoạn trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội dài 8,5km hoạt động.
Thực tế triển khai các dự án đường sắt đô thị thời gian qua cho thấy có rất nhiều bất cập. Bên cạnh vấn đề chậm tiến độ, các dự án còn bị đội vốn do phát sinh chi phí và khiếu nại của các nhà thầu làm tổng mức đầu tư tăng cao.
Các tuyến đường sắt đô thị hiện nay (bao gồm các tuyến trong quy hoạch và các tuyến đã đưa vào khai thác) còn thiếu tính gắn kết với việc tái cấu trúc không gian đô thị, thiếu tính liên thông, kết nối với chính hệ thống giao thông; khó khăn trong việc tiếp cận các nhà ga cũng làm giảm đáng kể hiệu quả khai thác của loại hình giao thông vận tải khối lượng lớn này.
Các chuyên gia cho rằng, Luật Đất đai 2024 với những ưu đãi đầu tư cụ thể như: miễn, giảm tiền sử dụng đất phục vụ hậu cần, hạ tầng cho các dự án đường sắt đô thị; cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đồng bộ các dự án có phạm vi đất xung quanh, dọc tuyến đường sắt đô thị, nhà ga để nhà nước quản lý, đấu thầu, đấu giá, phát triển hạ tầng… sẽ tạo nên động lực mới, mạnh mẽ hơn hẳn.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Trung Hiếu nhận định, cùng với Luật Thủ đô 2024, Luật Đất đai 2024 sẽ cởi trói về chính sách, tạo ra những cơ chế đặc thù, mang đến giá trị đặc thù để Thủ đô phát triển đường sắt đô thị.
Luật Thủ đô 2024 dành riêng một điều (Điều 31) quy định về cơ chế và công cụ phát triển dự án TOD tại Hà Nội, bao gồm các nội dung: Định nghĩa về khu vực TOD; Quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị và khu vực TOD; Đầu tư phát triển đường sắt đô thị áp dụng mô hình TOD; Một số cơ chế thu phí LVC (giá trị thặng dư từ đất) trong khu vực TOD; Quản lý, vận hành và khai thác đường sắt đô thị và khu vực TOD.
Trong đó, Điều 31 Luật Thủ đô 2024 định nghĩa: Phát triển đô thị theo định hướng TOD là giải pháp quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị, lấy điểm kết nối giao thông đường sắt đô thị... làm điểm tập trung dân cư, kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng trong khoảng cách đi bộ đến phương tiện giao thông công cộng.
Cùng với đó, Luật Thủ đô 2024 cho phép Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có quyền quyết định các cơ chế, công cụ về quy hoạch và đầu tư mà không cần phải thông qua nhiều cấp, giúp rút ngắn thời gian và tăng tính chủ động trong việc triển khai các dự án.
Cụ thể, trong luật có một số đột phá lớn như cho phép Thủ đô được quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện.
Theo Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) Nguyễn Cao Minh, TOD không chỉ là một giải pháp quy hoạch hiện đại, mà là chiến lược chủ đạo để thúc đẩy sự phát triển đô thị năng động, bền vững. TOD đã chứng tỏ được hiệu quả trên toàn cầu, là cầu nối vững chắc giữa hệ thống giao thông công cộng với các khu đô thị, mang lại giá trị vượt trội về kinh tế, văn hóa và môi trường sống. Đây là một mô hình quy hoạch đô thị tiên tiến, tận dụng tối đa hệ thống giao thông công cộng hiện tại và tương lai cùng lượng người sử dụng lớn.
Chính sách TOD còn là chìa khóa để khai thác tiềm năng kinh tế tiềm ẩn, gia tăng giá trị đất đai và tạo điều kiện phát triển các trung tâm kinh tế mới. Chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và tái tạo các khu vực trọng điểm trong thành phố thông qua việc tăng cường sử dụng đất và hoạt động đô thị có kế hoạch, đồng thời nâng cấp hạ tầng công cộng. Điều này không chỉ giúp thành phố tận dụng hiệu quả các khoản đầu tư lớn vào hạ tầng giao thông công cộng như đường sắt đô thị và hệ thống vận chuyển nhanh khu vực, mà còn cải thiện nguồn cung nhà ở hiện có, đồng thời phát triển thêm nhà ở mới cùng các trung tâm kinh tế quanh các nút giao thông chiến lược. Qua đó, mở ra cơ hội khai thác giá trị đất đai một cách tối ưu, giúp kích thích tăng trưởng bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo vệ môi trường và hướng tới tương lai phát triển bền vững.
“Luật Đất đai 2024 và Luật Thủ đô 2024, với những cải cách mang tính đột phá, sẽ tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi, giúp Hà Nội dẫn đầu trong phát triển các dự án đô thị theo định hướng giao thông. Những thay đổi này sẽ giúp kết nối tốt hơn giữa các khu vực, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên đất, xây dựng một đô thị xanh, thông minh và bền vững, hướng tới mục tiêu Hà Nội trở thành một đô thị thịnh vượng, hội nhập và có bản sắc riêng”, ông Nguyễn Cao Minh nói.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tien-de-cho-ha-noi-phat-trien-duong-sat-do-thi-post849483.html