Tiêm kích 60 triệu USD của Mỹ rơi xuống biển khi tránh hỏa lực Houthi
Một tiêm kích Mỹ đã rơi khỏi tàu sân bay USS Truman xuống Biển Đỏ, nghi do chiến hạm phải ngoặt gấp để tránh hỏa lực Houthi.

Tiêm kích F/A -18E chuẩn bị xuất kích từ tàu sân bay USS Harry S. Truman đầu tháng 4. Ảnh: US Navy.
Chiếc tiêm kích hải quân F/A-18E rơi khỏi tàu sân bay USS Harry S. Truman hôm 28/4 khi tàu phải ngoặt gấp để tránh hỏa lực từ lực lượng Houthi, Politico đưa tin từ nguồn tin của hai quan chức quốc phòng giấu tên.
Chiến đấu cơ trị giá 60 triệu USD này đang tham gia chiến dịch kéo dài nhiều tuần nhằm chống lại lực lượng Houthi ở Yemen - nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn đã liên tục tấn công các tàu thương mại và quân sự tại vùng biển này suốt hai năm qua.
Vụ việc khiến một thủy thủ bị thương và một phương tiện kéo máy bay trên boong tàu cũng bị rơi xuống biển cùng với tiêm kích.
Hải quân Mỹ xác nhận: "Tiêm kích F/A-18E đang được kéo trong khoang chứa thì tổ kéo mất kiểm soát. Các thủy thủ đã nhanh chóng di tản khỏi khu vực trước khi máy bay rơi khỏi boong tàu". Một cuộc điều tra đang được tiến hành.
Vụ việc càng làm gia tăng chi phí của chiến dịch chống Houthi, vốn đã rất tốn kém. Trong vài tuần qua, nhóm Houthi do Iran hậu thuẫn đã bắn rơi ít nhất bảy máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ, mỗi chiếc trị giá hơn 20 triệu USD.
Từ tháng 10/2023 đến nay, lực lượng này đã bắn hạ hơn một chục UAV của Mỹ trong bối cảnh leo thang căng thẳng khu vực liên quan đến cuộc chiến giữa Hamas và Israel.
Trong tuyên bố mới đây, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết Chiến dịch Rough Rider nhằm vào lực lượng Houthi đã thực hiện hơn 800 đợt không kích - quy mô lớn nhất kể từ chiến dịch chống IS trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump.
CENTCOM khẳng định các cuộc tấn công đã "vô hiệu hóa hàng trăm tay súng và nhiều chỉ huy cấp cao của Houthi", đồng thời làm giảm 69% số vụ phóng tên lửa đạn đạo và 55% số vụ phóng UAV tấn công một chiều trong năm nay so với năm 2024.
Mục tiêu lâu dài của chiến dịch không chỉ nhằm triệt tiêu khả năng tấn công của Houthi mà còn gây áp lực mạnh mẽ hơn đối với Iran - quốc gia bị cáo buộc tiếp tục viện trợ UAV, tên lửa và vũ khí hạng nhẹ cho nhóm này.
Sự cố rơi tiêm kích nối dài danh sách những tai nạn đáng tiếc liên quan đến USS Harry S. Truman. Hồi đầu năm, tàu sân bay này từng va chạm với một tàu buôn gần kênh đào Suez, dẫn đến việc chỉ huy trưởng tàu bị cách chức.
Được biết, USS Harry S. Truman cùng các tàu hộ tống bao gồm khu trục hạm và tuần dương hạm, dự kiến rút quân hồi tháng trước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã ra lệnh gia hạn triển khai để tăng cường sức ép lên Houthi, đồng thời điều động thêm tàu sân bay USS Carl Vinson đến khu vực.
Ngoài ra, Mỹ cũng đã triển khai ít nhất sáu máy bay ném bom chiến lược B-2 tới đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương, mở rộng phạm vi đe dọa trực tiếp tới Iran.