Thưởng thức mâm cỗ Tết truyền thống đặc sắc của người Hà Nội

Nét đặc sắc của mâm cỗ Tết truyền thống Hà Nội được giới thiệu chi tiết trong buổi trình diễn di sản ẩm thực 'Cơm nhà và cỗ Tết'. Đây là sự kiện tiếp nối trong chuỗi hoạt động thuộc Đề án 'Phát triển và quảng bá di sản văn hóa ẩm thực quận Hoàn Kiếm phục vụ phát triển du lịch, đến năm 2025, định hướng 2030'.

Một mâm cỗ Tết truyền thống của Hà Nội do NNND Phạm Thị Ánh Tuyết thực hiện. Ảnh: Thanh Mai

Một mâm cỗ Tết truyền thống của Hà Nội do NNND Phạm Thị Ánh Tuyết thực hiện. Ảnh: Thanh Mai

Ngày 11-1 tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), chương trình trình diễn di sản ẩm thực và talkshow “Cơm nhà và cỗ Tết” đã mang đến không khí ấm áp những ngày giáp Tết, thu hút đông đảo các nhà văn hóa, chuyên gia ẩm thực, du lịch và công chúng.

Chương trình được UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa (CCH) tổ chức, nhằm tôn vinh các nghệ nhân và lan tỏa giá trị di sản ẩm thực của quận Hoàn Kiếm. Trong chương trình, Nghệ nhân nhân dân (NNND), chuyên gia ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết trình diễn, thuyết minh các món ăn truyền thống của người Hà Nội trong cuộc sống thường ngày và mâm cỗ dâng lên tổ tiên vào ngày Tết.

Một mâm cơm đơn giản ngày thường của người Hà Nội. Ảnh: Thanh Mai

Một mâm cơm đơn giản ngày thường của người Hà Nội. Ảnh: Thanh Mai

“Với người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng, bữa cơm gia đình là lúc để mọi thành viên quây quần bên nhau. Đó chính là cầu nối để gắn kết gia đình, là động lực để trở về. Cơm nhà thường là những món ăn bình dị, thân thuộc nhưng chứa đựng biết bao yêu thương”, nghệ nhân Ánh Tuyết chia sẻ.

Khác với sự giản dị của mâm cơm thường ngày, mâm cỗ Tết của người Hà Nội tinh tế về hình thức, cầu kỳ về cách chế biến và chứa đựng cả tâm tình, tấm lòng của con cháu để dâng lên tổ tiên trong những ngày đầu năm mới, với lòng cảm tạ và mong ước cuộc sống đủ đầy.

Theo NNND Ánh Tuyết, mâm cỗ Tết của người Hà Nội cầu kỳ 4 bát 6 đĩa hoặc 4 bát 8 đĩa, tùy điều kiện của mỗi gia đình. Để chế biến được mâm cỗ ngày Tết là cả sự công phu và cầu kỳ.

Nghệ nhân Ánh Tuyết thực hiện và bày biện mâm cỗ Tết truyền thống và mâm cơm gia đình bình thường của người Hà Nội. Ảnh: Thanh Mai

Nghệ nhân Ánh Tuyết thực hiện và bày biện mâm cỗ Tết truyền thống và mâm cơm gia đình bình thường của người Hà Nội. Ảnh: Thanh Mai

“Các cụ xưa thường nói, đói quanh năm nhưng no 3 ngày Tết. Mâm cỗ ngày Tết vì thế rất đủ đầy, nhiều màu sắc, hương vị khó quên. Mâm cơm Tết xưa thường có sự quây quần của Tam, Tứ đại đồng đường, vì thế mà vô cùng đầm ấm. Không đơn giản chỉ là ẩm thực, mỗi món ăn trên mâm cơm ngày Tết chứa đựng những kỷ niệm, hồi ức và tình cảm mà mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau. Hương vị truyền thống, cách bài trí bày biện từng món ăn cũng cho thấy tài nữ công gia chánh và sự khéo léo của người phụ nữ xưa”, nghệ nhân Ánh Tuyết bộc bạch.

Theo TS. Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, chuyên gia tư vấn Đề án nhấn mạnh giá trị văn hóa truyền thống trong mâm cơm ngày Tết, điều ẩn chứa sâu xa trong mâm cơm người Việt ngày thường hay trong mâm cỗ Tết đó là nền tảng văn hóa gia đình. Trong cuộc sống hiện đại, giữ gìn hơi ấm của căn bếp trong mỗi ngôi nhà chính là gìn giữ nền nếp gia phong, giữ gìn những giá trị văn hóa, di sản…

Là địa phương đang nỗ lực phát huy giá trị di sản ẩm thực truyền thống Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Lê Anh Thư cho biết, đề án "Phát triển và quảng bá di sản văn hóa ẩm thực quận Hoàn Kiếm phục vụ phát triển du lịch, đến năm 2025, định hướng 2030" đang được quận Hoàn Kiếm triển khai nhằm bảo tồn và phát huy phát triển di sản ẩm thực, coi di sản ẩm thực là nền tảng trong phát triển và phục vụ du lịch.

Talkshow “Cơm nhà và cỗ Tết”. Ảnh: Thanh Mai.

Talkshow “Cơm nhà và cỗ Tết”. Ảnh: Thanh Mai.

“Thông qua các đề án nghiên cứu để nhận diện rõ hơn những giá trị của văn hóa ẩm thực, nhìn nhận trong những món ăn giá trị, câu chuyện của di sản. Bên cạnh tiềm năng đã có, đề án cũng cần nghiêm túc nhìn nhận những vấn đề về giới thiệu, quảng bá, giữ gìn và trao truyền những giá trị hồn cốt của văn hóa- ẩm thực, đặc biệt là các yếu tố cốt lõi để phát triển du lịch như ứng xử, văn hóa kinh doanh…Điều này rất cần thiết khi Hà Nội nói chung, quận Hoàn Kiếm nói riêng sở hữu một bề dày văn hóa truyền thống thông qua ẩm thực”, TS. Lê Thị Minh Lý lưu ý.

Tại sự kiện, NNND Phạm Thị Ánh Tuyết trực tiếp trình diễn một mâm cỗ Tết truyền thống đặc trưng của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung, gồm: Gà luộc, bánh chưng, xôi gấc, nem, canh bóng thả, nộm, chim câu hầm, canh măng, canh miến, giò xào, cá kho, rau xào….

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thuong-thuc-mam-co-tet-truyen-thong-dac-sac-cua-nguoi-ha-noi-690184.html