Thương tâm anh chị em ruột cùng đuối nước: Khi nỗi đau chồng chất nỗi đau

Anh chị em ruột trong gia đình cùng lúc đều tử vong do đuối nước để lại nỗi đau khôn siết với bố mẹ và những người thân.

Những vụ anh chị em ruột tử vong vì đuối nước

Vào khoảng 13h ngày 17/4, hai chị em ruột là K.T.H. (SN 2014) và K.N. (SN 2017, cùng trú buôn Ia Rniu, xã Ia Broăi) rủ nhau ra suối gần nhà chơi.

Khi đang chơi tại đây, hai em không may trượt chân rơi xuống suối. Gia đình phát hiện sự việc đưa cả hai đi cứu nhưng không kịp.

Vào mùa nóng, những vụ anh chị em ruột trong cùng 1 nhà bị tử vong do đuối nước không phải là hiếm.

Gia đình chị A. đau đớn bên thi thể các con vừa bị đuối nước

Gia đình chị A. đau đớn bên thi thể các con vừa bị đuối nước

Ngày 28/3, một lãnh đạo UBND xã Cư Pơng (H.Krông Búk, Đắk Lắk) xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra vụ đuối nước khiến 3 chị em ruột trong một gia đình tử vong.

Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 14 giờ ngày 27/3, chị N.T.A (28 tuổi, trú buôn Ea Dho, xã Cư Pơng) không thấy các con ở nhà nên đi tìm.

Khi ra đến hồ Ea Dhung Tiêng cách nhà khoảng 200 m, chị A. phát hiện có áo quần các con trên bờ nhưng không thấy người đâu, gọi cũng không được. Nghi các con đã gặp nạn, chị A. liền hô hoán nhờ láng giềng hỗ trợ tìm kiếm.

Đến khoảng 14 giờ 30 cùng ngày, người dân vớt được thi thể 3 người con của chị A. từ dưới hồ nước lên bờ. Theo lãnh đạo UBND xã Cư Pơng, các cháu tử vong do đuối nước gồm: C.T.Q.M. (9 tuổi), C.T.B.T. (7 tuổi) và C.Đ.M. (5 tuổi).

Lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm 2 cháu bé rơi sông mất tích.

Lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm 2 cháu bé rơi sông mất tích.

Vào chiều 12/2, bé K. (6 tuổi) và bé H (3 tuổi, cả 2 là anh em ruột, ngụ xã Bình Ninh, huyện Tam Bình, Vĩnh Long) cùng ra bờ sông chơi. Không may cả hai cùng rơi xuống sông mất tích.

Nhận được tin báo, 18 chiến sĩ lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cùng phương tiện chuyên dụng đã nhanh chóng đến nơi tổ chức tìm kiếm. Tối cùng ngày lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể 2 bé.

Hai anh em ruột chết đuối thương tâm

Hai anh em ruột chết đuối thương tâm

Vào ngày 20/3/2021, ông Nguyễn Xuân Mạnh - Chủ tịch UBND xã Giao Thiện - thông tin thời điểm hiện tại chính quyền địa phương, hàng xóm đã giúp đỡ gia đình lo chu toàn hậu sự cho hai bé 3 và 5 tuổi xấu số, không may rơi xuống sông trước nhà tử vong vì đuối nước.

Sự việc xảy ra vào cuối buổi chiều 19-3, thời điểm đó hai bé Q. (3 tuổi) và anh trai T. (5 tuổi) sau khi được đón từ trường mầm non về thì lấy xe 3 bánh đạp chơi trước nhà tại xóm 28, xã Giao Thiện.

Bố các bé đi tập thể thao, mẹ đi giao hàng nên không phát hiện khi cả hai bé nô đùa không may ngã xuống sông gần nhà. Sau khi về không thấy các con đâu, gia đình huy động mọi người tìm kiếm khắp nơi thì phát hiện thi thể hai bé đã chết dưới sông.

Làm gì để phòng tránh đuối nước?

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ tử vong vì tai nạn đuối nước ở Việt Nam cao gấp 10 lần so với những quốc gia khác. Trong đó, phần lớn là trẻ em từ 15 tuổi trở xuống. Nguyên nhân tử vong chủ yếu do xảy ra tai nạn khi tắm sông, hồ và chơi gần ao hồ, sông suối mà không có sự quản lý của người lớn.

Đuối nước thường xảy ra đối với trẻ em ở các vùng nông thôn. Mặc dù trong các nhà trường, công tác phòng, chống đuối nước đối với học sinh được triển khai liên tục và quyết liệt nhưng vẫn xảy ra những vụ đuối nước thương tâm. Vậy, vấn đề đặt ra là chúng ta cần có biện pháp gì để phòng tránh đuối nước trong mùa hè?

Trang bị kỹ năng bơi lội: Cả người lớn và trẻ nhỏ đều cần phải được trang bị các kỹ năng bơi lội cũng như cách thoát khỏi đuối nước, nhất là với trẻ em. Phụ huynh chỉ nên cho bé đến các trung tâm học bơi chuyên nghiệp để được dạy về: Cách khởi động, cách xử lý tình huống khi bị chuột rút, cách xử lý khi bơi vào vùng nước xoáy,…. Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần chú ý, không phải trẻ nhỏ nào cũng có sức khỏe đủ tốt để học bơi.

Cảnh báo về nguy cơ khi tắm suối, sông, hồ, biển: Người lớn cần ý thức và cảnh báo cho trẻ nhỏ nguy cơ bị đuối nước khi tắm ở suối, sông, hồ,.... Những kỹ năng phòng tránh đuối nước nên trở thành một môn học bắt buộc ở trường. Phụ huynh không nên cho con tắm sông hay chơi đùa ở gần khu vực bờ sông, nên cho trẻ em đến các hồ bơi được trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ, có nhân viên trông coi.

Khi tắm sông hay tắm biển, bất cứ người biết bơi hay không cũng phải mặc áo phao và chỉ nên tắm ở gần bờ để đảm bảo an toàn vì tai nạn đuối nước luôn rình rập, đe dọa chúng ta bất cứ lúc nào. Khi tắm biển, không nên nằm trên phao thả trôi vì bạn sẽ dễ bị sóng cuốn ra xa rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, nên tìm hiểu rõ về vùng biển trước khi tắm để không chọn nhầm nơi nước động, nước xoáy hay xuất hiện dòng chảy xa bờ.

Chấp hành quy định khi tham gia giao thông đường thủy: Khi tham gia bất cứ các hoạt động đường thủy nào cũng phải mặc áo phao. Ngoài ra, trên tàu thuyền cũng phải được trang bị đủ số lượng các thiết bị cứu hộ đảm bảo tiêu chuẩn để sử dụng khi có tai nạn xảy ra.

Trang bị kỹ năng cứu người đuối nước: Mọi người cần được trang bị các kỹ năng cứu hộ, sơ cứu người bị đuối nước. Cụ thể, nếu phát hiện người đang bị đuối nước nhưng bạn lại không biết bơi, phải hết sức bình tĩnh và hô hoán, nhờ đến sự trợ giúp của nhiều người. Đồng thời, tìm những nhánh cây dài cho nạn nhân bám vào để kéo vào bờ. Sau khi đã đưa được nạn nhân lên bờ, ngay lập tức thực hiện các thao tác sơ cứu. Để tìm hiểu rõ hơn cách thực hiện thao tác này như thế nào, mời bạn tham khảo thêm tại bài viết: Các kỹ năng sơ cứu người bị đuối nước.

Đậy kín bể chứa nước: Với những gia đình có trẻ nhỏ, các bể chứa nước dự trữ phải luôn được đậy kín, đảm bảo trẻ không thể mở ra để tránh trường hợp trẻ bị ngã vào bể, dẫn đến ngạt nước. Đối với các vùng miền núi hay vùng bị ảnh hưởng của lũ quét, cần phải chấp hành đúng hướng dẫn sơ tán của chính quyền địa phương trước khi lũ xảy ra. Tuyệt đối không được bơi trong dòng nước lũ và trẻ em phải luôn được trông coi cẩn thận.

Mời độc giả theo dõi video trên giadinh.net.vn

Cận cảnh hồ Ngọc Khánh trước khi trở thành ‘tân’ phố đi bộ của Hà Nội, giới trẻ háo hức từng ngày

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/thuong-tam-anh-chi-em-ruot-cung-duoi-nuoc-khi-noi-dau-chong-chat-noi-dau-172220419093117847.htm