Thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch dư nợ các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11
Chiều 15/2, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) Việt Nam, Ủy Ban Dân tộc, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng phối hợp đồng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình (gọi tắt là NQ số 11) năm 2023.
Dự hội nghị có các đồng chí: Hầu A Lềnh, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam; diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số cơ quan liên quan.
Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH Việt Nam, năm 2022, thực hiện NQ số 11, đơn vị giải ngân đạt hơn 16 nghìn tỷ đồng cho các chương trình cho vay học sinh sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến; cho vay nhà ở xã hội; cho vay hỗ trợ việc làm; cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cho vay phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thông qua NQ số 11, toàn quốc có hàng chục nghìn học sinh, sinh viên được hỗ trợ mua máy tính và mua thiết bị học tập trực tuyến; 221 nghìn khách hàng được vay vốn hỗ trợ việc làm; gần 20 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được vay vốn phát triển KT-XH, vươn lên thoát nghèo…
Tại tỉnh Bắc Giang, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã giải ngân gần 422 tỷ đồng cho 6.122 khách vay theo 5 chương trình tín dụng ưu đãi quy định tại NQ số 11. Hiện nay, dư nợ theo NQ số 11 trên địa bàn tỉnh còn gần 405 tỷ đồng.
Qua thảo luận, ý kiến các đại biểu nêu, dư nợ các chương trình tín dụng theo NQ số 11 năm 2022 mới hoàn thành 84,3% kế hoạch đề ra. Một số chương trình cho vay đạt không cao như: Chương trình cho vay nhà ở xã hội; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cho vay phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại một số địa phương, tiến độ rà soát, lập, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách còn chậm. Hiện nay, toàn quốc còn 7 địa phương chưa phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng làm cơ sở để giải ngân vốn tín dụng. Việc rà soát, xác định nhu cầu vay vốn ở một số địa phương chưa sát với thực tế dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Dương Quyết Thắng nhấn mạnh, để triển khai NQ số 11 đạt hiệu quả trong năm 2023, Ngân hàng và các bộ, ngành liên quan thống nhất tham mưu trình Chính phủ giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2023 cho ngân hàng, trong đó tăng dư nợ các chính sách cho vay ưu đãi thực hiện NQ số 11 tối đa là 22.376 tỷ đồng. Đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ Ngân hàng CSXH Việt Nam trong quá trình tổ chức phát hành trái phiếu nhằm tạo lập đủ nguồn lực cho vay; giải ngân các chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ lãi suất bảo đảm đúng đối tượng.
Tập trung triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch dư nợ các chương trình cho vay theo NQ số 11 và chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023; kịp thời nắm bắt phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Tích cực, chủ động thực hiện công tác huy động các nguồn vốn, nhận vốn ủy thác từ ngân sách địa phương, phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, huy động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân để đáp ứng nhu cầu vốn...
Tin, ảnh: Minh Linh