'Săn' nấm ô linh sâm

Nói đến nấm ô linh sâm thì nhiều người vẫn nghĩ nó chỉ xuất hiện ở các tỉnh Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk… nhưng ở huyện miền núi Tánh Linh, thiên nhiên vẫn ban tặng cho loại nấm quý hiếm này và những cơn mưa đầu mùa xuất hiện thì cũng là thời điểm nấm ô linh sâm sinh sôi nảy nở và nhiều người chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số lại có cơ hội 'săn' nấm với thu nhập tiền triệu mỗi ngày.

Anh Beo khoe sản phẩm nấm khi "săn" được.

Anh Beo khoe sản phẩm nấm khi "săn" được.

Đi "săn" nấm ô linh sâm

Rất phấn khởi vì mới ngày hôm qua đã kiếm được gần 2 triệu đồng từ việc săn nấm ô linh sâm nên ngay từ sáng sớm hôm nay anh Nguyễn Văn Beo, dân tộc K’ho, khu phố Tân Thành, thị trấn Lạc Tánh đã chuẩn bị một ít thức ăn cho bữa trưa, nước uống và dụng cụ cuốc, bao đựng tiếp tục cuộc hành trình săn nấm ô linh sâm. Đã hẹn từ trước, sáng hôm nay chúng tôi cũng có mặt tại nhà anh Beo để đi tìm hiểu công việc săn nấm của anh. Ngồi sau chiếc xe máy của anh Beo là một người thân trong gia đình anh cùng tham gia săn nấm. Từ nhà chạy xe máy vòng vèo qua nhiều con suối, nhiều rẫy cao su, rẫy điều… vào khu vực núi Chì tầm 30 phút, họ cất xe máy và chia nhau ra lùng sục tìm nấm ô linh sâm. Tôi theo chân anh Beo đi hết khu vực này sang khu vực khác, đến hết ụ mối này đến ụ mối khác vẫn chưa tìm được dấu vết của nấm ô linh sâm. Trời đã quá trưa và tôi cũng đã thấm mệt nhưng anh Beo vẫn tỉnh bơ, cười nói ríu rít, dường như không thấy mệt chút nào. Anh Beo động viên cứ tiếp tục đừng nản lòng rồi cũng sẽ gặp được nấm ô linh sâm thôi vì khu vực này năm ngoái cũng tìm được loại nấm này. Khi mặt trời đã đứng bóng, bất ngờ anh Beo dừng lại và phấn khởi reo lên: Đây – nấm ô linh sâm đây rồi. Tôi cố gắng nhanh chân đi tới thì chỉ nhìn thấy một ụ mối to đường kính tầm hơn 2m2, cao hơn mặt đất xung quanh khoảng 0,5m, có một số cây cỏ mọc bên trên nhưng chả thấy nấm ô linh sâm đâu. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, anh Beo cười và vén vài cây cỏ chỉ vào một thứ giống như cây tăm nhang, trên đầu có màu trắng và nói: ụ mối nào có những thứ này thì bên trong nó sẽ có nấm ô linh sâm. Anh Beo nói giọng hơi nhỏ lại: Đây là kinh nghiệm mà ông già tui chỉ lại, chỉ có anh tui mới tiết lộ còn người khác thì không đâu.

Nấm có hình thon, dài vài cm

Nấm có hình thon, dài vài cm

Nấm ô linh sâm hiện ra từ lòng đất

Uống ngụm nước, anh Beo lấy dụng cụ và cuốc vào ụ mối. Mới một vài cây mưa đầu mùa nước chưa thấm nhiều vào đất, hơn nữa đất ở ụ mối thường nén chặt nên rất cứng, khó đào. Thế nhưng, với sức lực cơ bắp dẻo dai cùng với niềm tin có nấm ô linh trong đó nên chẳng mấy chốc lớp đất cứng bên trên của ụ mối đã bị anh đào phăng. Anh Beo không cần lấy sức để bổ mạnh cuốc vào ụ mối nữa mà dùng một lực nhẹ vì theo kinh nghiệm của anh là gần tới nơi nấm trú ngụ rồi. Quả đúng như vậy, sau khi cuốc nhẹ, một khoảng đất trống hình tròn như trái banh nhỏ lộ ra, anh Beo đưa tay vào lấy ra một vật gì đó màu đen và khoe với tôi “nè anh nấm ô linh sâm đây”. Theo quan sát, nấm có màu đen, một đầu hình cầu hơi tròn và một đầu hình trụ dài, nhỏ, bẻ nấm ra thì bên trong có màu trắng ngà. Anh Beo tiếp tục cuốc và lại lấy ra trong lòng đất một vài cái nấm ô linh sâm cho vào bao. Cứ thế chẳng mấy chốc ụ mối to đã bị san bằng. Lấy xong ụ mối này cũng được vài lạng nấm ô linh sâm. Nghỉ ngơi và ăn chút thức ăn mang theo để lấy lại sức, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình săn nấm vì theo anh Beo loại nấm này chỉ có trong vài tuần đầu mùa mưa, sau đó nấm sẽ bị thối hoặc côn trùng ăn nên cần phải khẩn trương tìm kiếm.

Bội thu từ săn nấm ô linh sâm

Trời cũng đã về chiều, tổng kết trong ngày hôm nay đã gặp được 3 ụ mối có nấm ô linh sâm, số nấm kiếm được tầm khoảng 1 kg, chắc cũng được khoảng 1,5 triệu đồng, anh Beo phấn khởi nói. Theo anh Beo nấm hái về bán với giá 1,5 triệu đồng/kg đối với nấm nhỏ; còn nấm lớn cỡ bằng cái nắp chai nước suối nhỏ họ mua tới 3,5 triệu đồng/kg. Dù lớn hay nhỏ có bao nhiêu họ cũng mua hết. Mình hái về bán lấy tiền còn họ làm gì thì không biết, chỉ nghe nói nấm này bổ dưỡng lắm. Đã 2 năm đi hái nấm ô linh sâm rồi. Năm ngoái thu nhập mùa nấm này cũng kha khá. Đặc biệt, đi săn nấm ô linh sâm thích lắm, có khi vừa lấy được nấm vừa bắt gặp rắn ở trong ụ mối thì bắt về bán luôn.

Qua tìm hiểu, nấm ô linh sâm sinh trưởng và phát triển ở sâu bên trong các ụ mối hoặc tổ kiến. Không chỉ quý hiếm mà loài nấm ô linh sâm này còn giàu chất dinh dưỡng, có công dụng điều trị một số loại bệnh.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/san-nam-o-linh-sam-119355.html