Thủ tướng Robert Fico bị ám sát và sự phân cực sâu sắc trong xã hội Slovakia
Trong vòng 6 năm, Slovakia đã chứng kiến 2 vụ ám sát gây chấn động. Năm 2018, nhà báo điều tra Ján Kuciak phải trả giá bằng mạng sống vì công việc. Đến hôm qua, Thủ tướng Robert Fico cũng đã bị ám sát khi đang làm công việc của mình. Hai vụ việc nhưng làm nổi bật một vấn đề: Sự phân cực sâu sắc ở Slovakia.
Robert Fico, vị Thủ tướng chủ nghĩa dân túy cánh tả đang dẫn đầu một phiên họp tại thị trấn khai thác mỏ nhỏ bé Handlová như một sự xoa dịu cho những cử tri bị bỏ rơi ở những vùng xa xôi của Slovakia. Ông đang đi đến bắt tay những người ủng hộ thì một kẻ đột nhiên giơ súng bắt liên tiếp.
Không còn “cuộc cách mạng nhung”
Và trong lúc ông Fico đang được trực thăng đưa đến Banska Bystrica để cấp cứu trong tình trạng nghiêm trọng, thì đã xuất hiện những câu hỏi như “Ai đứng sau vụ này?” “Chuyện gì đang xảy ra vậy?” hay “Làm sao chuyện này lại xảy ra được?”.
Có một câu trả lời mà người dân Slovakia và những người quan tâm tới chính trị nước này có ngay trong đầu: Đó là sự phân cực sâu sắc trong xã hội và chính trị nước này.
Nữ Tổng thống sắp mãn nhiệm Zuzana Caputova đã phải thốt lên sau khi nghe tin về vụ ám sát: “Những lời lẽ đầy hận thù mà chúng ta đã chứng kiến phải dừng lại. Làm ơn, hãy dừng lại đi!”.
Bộ trưởng Nội vụ Matus Sutaj Estok cũng lên tiếng kêu gọi và cảnh báo về thực trạng chia rẽ của đất nước: “Cảm xúc dâng cao một cách tự nhiên, nhưng sẽ rất tệ nếu thổi bùng lên tình hình vốn đã nguy hiểm này”.
Lubos Blaha, một nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền Smer của ông Fico, đã hét vào mặt phe đối lập trong một phiên họp Quốc hội Slovakia rằng: “Thủ tướng hôm nay đang đấu tranh cho sự sống của mình vì lòng căm thù của các bạn”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Slovakia Andrej Danko, người đứng đầu Đảng Quốc gia Slovakia cực hữu, thì nói với phe đối lập: “Các bạn có hài lòng không?". Ông nói thêm một cách đáng lo ngại: “Sẽ có một số thay đổi về truyền thông”.
Vì đâu nên nỗi?
Vậy làm thế nào mà Slovakia lại xảy ra tình trạng chia rẽ như ngày nay đến nỗi những khác biệt chính trị hiện đang được giải quyết bằng súng? Để tìm câu trả lời có lẽ cần phải quay ngược thời gian trở lại Cuộc cách mạng nhung của hơn 35 năm về trước.
Sau những bất ổn chính trị trên khắp Đông Âu, Tiệp Khắc - quốc gia trong khối Cộng sản cũ - đã chuyển mình một cách nhanh chóng sang chủ nghĩa tư bản vào năm 1989 trong “Cuộc cách mạng Nhung” như thế giới nói về sự chuyển giao lịch sử khá bình lặng này.
Sau đó chỉ 4 năm, một khái niệm “nhung” nữa lại xuất hiện ở Tiệp Khắc, đó là “Cuộc ly hôn nhung” khi CH Czech và Slovakia tách ra thành 2 quốc gia độc lập một cách êm đềm.
Dẫu vậy, những đợt sóng dữ vẫn âm ỉ trong xã hội Slovakia sau Cuộc ly hôn nhung đó, giữa những người thành thị và nông thôn, người theo tư tưởng cũ chống lại những người theo tư tưởng tự do, người yêu Slovakia chống lại người theo chủ nghĩa quốc tế Tiệp Khắc .v.v. Tất cả đều tìm kiếm chỗ đứng, tiếng nói trên lãnh thổ tự nhiên trở nên “xa lạ” của mình.
Robert Fico, người hoài niệm về chủ nghĩa xã hội
Đối với chàng trai trẻ Robert Fico, mới 25 tuổi khi Đảng Cộng sản mất quyền lực ở Slovakia, cuộc cách mạng năm 1989 hẳn là một cú sốc. Anh vừa mới tốt nghiệp trường luật và gia nhập Đảng Cộng sản thì Hiệp ước Warsaw tan rã. Nhưng anh vẫn phấn đấu và rèn luyện bản thân để thành công.
Thủ tướng Fico sau này tuyên bố rằng ông “không để ý” năm 1989 vì lúc đó ông đang làm việc tại Bộ Tư pháp và chuẩn bị được cử sang Mỹ du học. Đó có thể là lý do tại sao ngay từ đầu ông đã gắn mình với một bộ phận lớn người dân luôn hoài niệm về Chủ nghĩa cộng sản và thể hiện sự thờ ơ với các giá trị phương Tây.
Trẻ và tài năng, Fico gia nhập đảng kế nhiệm Đảng Cộng sản và được bầu vào Quốc hội Slovakia vào năm 1992. Rất nhanh chóng, ông tạo ra ảnh hưởng lớn trên chính trường trong nước với đảng theo đường lối xã hội chủ nghĩa, tức Đảng Dân chủ Xã hội Smer vào năm 1999. Đảng này thống trị nền chính trị Slovakia trong một phần tư thế kỷ tiếp theo.
Ngay cả trước khi bắt đầu nhiệm kỳ Thủ tướng đầu tiên vào năm 2006, ông Fico đã tự nhận mình là người hoài niệm về chủ nghĩa xã hội, nhưng vẫn thực dụng trước một xã hội với đông đảo giới trẻ đang rất trọng vọng phương Tây lúc đó.
Ông Fico đang trải qua nhiệm kỳ Thủ tướng thứ ba vào năm 2018 thì nhà báo Kuciak và vị hôn thê của ông bị bắn chết trong một vụ án được cho nhằm bịt miệng ông đưa tin về tham nhũng trong chính trị.
Vụ việc chấn động này dường như đã khiến Fico mất phương hướng. Ông ngay lập tức triệu tập một cuộc họp báo kỳ lạ, tại đó ông chất những bó tiền mặt lên bàn hứa sẽ trả 1 triệu euro cho thông tin dẫn đến việc bắt giữ kẻ giết người. Ông cũng cáo buộc phe đối lập lợi dụng vụ giết người vì mục đích chính trị.
Hai tuần sau, ông Fico từ chức; hai năm sau, Đảng Smer thất bại trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020.
“Trên bờ vực nội chiến”
Mất quyền lực, Fico và các đồng minh chính trị của ông bị điều tra với nhiều cáo buộc, từ tham nhũng đến lạm dụng quyền lực. Ông thậm chí còn bị bắt vào tháng 4 năm 2022 và bị buộc tội phạm tội có tổ chức, mặc dù những cáo buộc đó đã được bãi bỏ.
Năm ngoái, ông Fico và đảng của mình đã giành lại được quyền lực khi chiến thắng trong một cuộc tổng tuyển vào tháng 9/2023. Kết quả là những nhóm chính trị đối lập và từng buộc tội ông đến lượt phải đối mặt với các cáo buộc hình sự tương tự. Ông còn viết lại bộ luật hình sự để giảm nhẹ hình phạt cho tội tham nhũng, và đe dọa gán cho một số tổ chức phi chính phủ là “đặc vụ nước ngoài”.
Khi Thủ tướng Fico vẫn còn nằm trên bàn mổ ở Banská Bystrica trong tình trạng nguy kịch, thì phương tiện truyền thông đã công bố một đoạn video bị rò rỉ về kẻ ám sát. Đó là một được người dân địa phương 71 tuổi, trong đó ông ta nói: “Tôi không đồng ý với những chính sách này của chính quyền”.
Tại cuộc họp báo sau vụ tấn công, Sutaj Estok, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia, đã kêu gọi chấm dứt ngôn ngữ thù địch và các cuộc tấn công trên mạng xã hội đang làm chia rẽ nghiêm trọng đất nước. Ông nói: “Tôi muốn kêu gọi công chúng, các nhà báo và tất cả các chính trị gia hãy ngừng gieo rắc sự thù hận... Chúng ta đang trên bờ vực nội chiến!”.
Hải Anh (theo Politico, NYT, AP)