Thủ tướng Italy Giuseppe Conte: Từ 'người dưng' thành 'con cưng'
Một lần nữa được tin tưởng, song liệu ông Giuseppe Conte có thể dẫn dắt đất nước vượt qua sóng gió từ trào lưu dân túy? Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam.
Ông Giuseppe Conte trong cuộc họp báo sau thảo luận với Tổng thống Sergio Mattarella ngày 28/8. (Nguồn: Reuters)
Đối mặt với khả năng đảng Liên đoàn phương Bắc (NL) trong liên minh cầm quyền với Phong trào Năm Sao (M5S) tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm, ngày 20/8, Thủ tướng Giuseppe Conte đã tuyên bố từ chức. Tuy nhiên, chỉ 8 ngày sau, Tổng thống Italy Sergio Matterella đã chỉ định ông Conte tiếp tục đảm nhiệm vai trò Thủ tướng, đồng thời giao nhiệm vụ xây dựng nội các liên minh mới giữa đảng M5S và đảng thiên tả Dân chủ (PD).
Dự kiến, ông Conte sẽ sớm công bố nội các mới, muộn nhất là vào ngày 4/9. Danh sách này sau đó sẽ được đệ trình để Tổng thống phê chuẩn. Ngày 5/9, ông Conte cùng nội các mới sẽ tuyên thệ nhậm chức, trước khi đối mặt với bỏ phiếu tín nhiệm từ đảng đối lập NL 24 giờ sau đó. Sự trở lại của ông Conte có thể phản ánh một số thay đổi sau trên chính trường Italy.
Đoàn kết để đứng vững
Thứ nhất, sau khi ông Conte tuyên bố từ chức, Tổng thống Sergio Mattarella đã tiến hành tham vấn với các chính đảng nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị và sau 8 ngày thỏa thuận, đảng cầm quyền M5S đã đạt thỏa thuận với PD nhằm thành lập chính phủ liên minh.
Chính trường Italy nổi tiếng với tình trạng “chia năm sẻ bảy”, mỗi đảng phái chính trị một quan điểm, tạo nên sự phân mảnh trong cử tri. Điều này đã bị các đảng cực hữu, đứng đầu là NL, tận dụng để giành chiến thắng áp đảo trong bầu cử vừa qua. Tuy nhiên, giờ đây các chính đảng đã có vẻ nhận thức được mối nguy hiểm cùng tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của NL và đang “đồng tâm hiệp lực” hạn chế điều đó.
Điều này giải thích tại sao thỏa thuận liên minh để thành lập Chính phủ Italy, vốn thường kéo dài nhiều tuần, đã đạt được chỉ trong vòng 8 ngày. Quan trọng hơn, nó có thể là tiền đề thiết lập lại một chính trường Italy ít phân mảnh và ổn định hơn.
Bộ ba quyền lực Luigi Di Maio, Giuseppe Conte và Matteo Salvini đã tan rã. (Nguồn: Giornale de Sicilia)
Thay đổi để vững bền
Thứ hai, một trong những đặc điểm cơ bản của chính trường tại mảnh đất hình chiếc ủng, từ Đế chế La Mã cho tới nước Italy hiện đại, là sự nổi trội của chủ nghĩa cá nhân. Theo đó, một nhân vật thu hút sự ủng hộ của cử tri có thể đạt được quyền lực và ảnh hưởng chính trị vượt lên trên bất kỳ cơ quan hay đảng phái nào, dù đó có là Viện Nguyên lão hay Quốc hội. Điều này lý giải tại sao Caesar Đại đế, Augustus Đệ Nhất… hay các chính trị gia hiện đại như cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi hay ông Matteo Salvini lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tại mảnh đất hình chiếc ủng.
Đáng ngại hơn, sự ưu ái dành cho các cá nhân là một trong nhiều lý do khiến cho chính trường Italy liên tục xáo trộn. Trước khi từ chức, ông Giuseppe Conte đã nhiều lần bất lực trước vai trò nổi trội của hai vị Chủ tịch đảng trong liên minh cầm quyền, Luigi Di Maio (M5S) và Matteo Salvini (NL), đến mức ông từng phát biểu rằng: “Tôi không ở đây bởi vì một sự tình cờ hay lắp ghép tạm bợ. Tôi có thể và muốn làm nhiều hơn thế.”
Giờ đây, khi ông Salvini trở thành thủ lĩnh phe đối lập, ông Di Maio lùi về phía sau đóng vai trò hỗ trợ, ông Conte sẽ có cơ hôi thể hiện mình. Quan trọng hơn, nhà lãnh đạo này được nhận định là khác với các chính trị gia trước đó khi có quan điểm trung dung, đã có kinh nghiệm chính trị dù chưa nhiều, không ưa “ánh đèn sân khấu” và muốn công chúng dành sự chú ý tới liên minh cầm quyền và các chính sách lớn. Nếu có thể đứng vững trước sóng gió tới hết nhiệm kỳ, Chính phủ của ông Conte sẽ ít nhiều làm thay đổi quan niệm truyền thống, tạo điều kiện cho sự trở lại của các chính đảng trung dung.
Ông Giuseppe Conte sẽ làm gì trong thời khắc “Bây giờ hoặc không bao giờ” của Italy? (Nguồn: Reuters)
Bây giờ hoặc không bao giờ
Nhiệm vụ nêu ở trên là không dễ dàng, khi áp lực từ phong trào cực hữu do ông Matteo Salvini dẫn dắt đang phủ bóng lên nỗ lực của cựu luật sư 55 tuổi. Kể từ khi được tái bổ nhiệm ngày 28/8, ông Conte chỉ có hơn một tuần để tìm đối sách trước khi cùng nội các mới đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội ngày 6/9, nơi đảng NL vẫn đang chiếm nhiều ghế.
Chính phủ Conte II - như cách gọi của giới truyền thông - sẽ cần một chiến thắng áp đảo nhằm dập tắt hy vọng của NL nói riêng và phong trào dân túy nói chung, lấy đó làm tiền đề để đưa Rome quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng kinh tế, mở rộng tầm ảnh hưởng, xứng danh trụ cột Liên minh châu Âu (EU).
Ông Conte, từ vị thế “người dưng”, giờ đang trở thành “con cưng” của chính giới nhằm chống lại phong trào cực hữu, trong thời khắc “Bây giờ hoặc không bao giờ” của Italy.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-tuong-italy-tu-nguoi-dung-thanh-con-cung-100497.html