Thủ tướng: ĐBSCL cần đoàn kết hơn nữa, bứt phá, thần tốc hơn nữa
Sáng 13/7, tại Cần Thơ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm; và Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh vùng ĐBSCL.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh: ĐBSCL cần đoàn kết hơn nữa, bứt phá, thần tốc hơn nữa - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Triển khai chính quyền địa phương 2 cấp bước đầu suôn sẻ
Báo cáo Thủ tướng, thông tin về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời gian qua, các địa phương đã khẩn trương thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Việc triển khai từ ngày 1/7 đến nay diễn ra bài bản, nghiêm túc, đúng tiến độ, đạt mục tiêu đề ra.
Bộ trưởng ghi nhận các tỉnh, thành phố trong vùng đã nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy hành chính sau khi sắp xếp, đặc biệt ở cấp tỉnh và cấp xã. Quá trình tổ chức, phân công cán bộ được thực hiện linh hoạt, thận trọng, bảo đảm không gây gián đoạn trong phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng đánh giá cao sự chủ động của các địa phương trong việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ nghỉ việc, thôi việc theo quy định; đồng thời tích cực tiếp nhận và thực hiện phân cấp, phân quyền từ Trung ương. Nhiều địa phương, như TPHCM, Cần Thơ đã có cách làm sáng tạo trong xử lý thủ tục hành chính, mang lại hiệu quả tích cực.
Tất cả những điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự gương mẫu, quyết liệt và nỗ lực lớn từ đội ngũ lãnh đạo địa phương nhằm bảo đảm chính quyền địa phương 2 cấp vận hành hiệu quả, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp trong thời gian ngắn vừa qua.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, những tháng còn lại của năm 2025 các cơ quan, đơn vị, địa phương cần củng cố, tăng cường đoàn kết, thống nhất hơn nữa để vượt qua chính mình, góp phần đạt toàn bộ các mục tiêu đã đề ra trong năm 2025 và cả nhiệm kỳ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành sớm 6 tháng, giảm chi phí gần 50%
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, khu vực phía Nam đang triển khai 21 dự án giao thông trọng điểm. Trong đó, có 13 dự án hoàn thành trong năm 2025 với tổng chiều dài 354 km. Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản 6 dự án, các địa phương làm cơ quan chủ quản 7 dự án; 8 dự án hoàn thành sau năm 2025 với tổng chiều dài hơn 294 km. Số này Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản 3 dự án; các địa phương làm cơ quan chủ quản 5 dự án.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng đang chuẩn bị đầu tư 3 dự án với tổng chiều dài 98 km. Đó là 2 dự án thành phần cao tốc Cà Mau - Đất Mũi và đường kết nối ra cảng Hòn Khoai. Các dự án này dự kiến khởi công vào 19/8/2025.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, thời gian qua, Bộ thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc, chỉ đạo chủ đầu tư, các nhà thầu tăng cường nhân vật lực, thiết bị, tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp" và điều chuyển khối lượng các nhà thầu chậm nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Qua trực tiếp kiểm tra vào ngày 12/7 cho thấy, đến nay, các dự án đã có sự chuyển biến đáng kể. Trong đó phải kể đến dự án cầu Rạch Miễu 2, hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch 6 tháng. Đây là một thành tựu to lớn của ngành xây dựng góp phần tiết giảm chi phí gần 50%.
Về lĩnh vực đường sắt, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đã giao Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt từ TPHCM đến Cần Thơ. Ban đang hoàn thiện để báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9/2025.
Đối với lĩnh vực hàng không, Cảng Hàng không Cà Mau đã được tổ chức động thổ mở rộng, nâng cấp vào tháng 4/2025. Dự kiến sẽ khởi công xây dựng đường cất/hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay và các công trình phụ trợ khu bay trong tháng 8/2025.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Minh kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án qua TPHCM, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Đồng Nai, Tây Ninh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đề án 1 triệu ha lúa mang lại lợi ích rõ rệt
Về Đề án 1 triệu ha lúa, theo các báo cáo, đến nay 12/12 tỉnh đã đăng ký tham gia Đề án với tổng diện tích là 1,015 triệu ha.
Từ năm 2024 đã thực hiện 7 mô hình thí điểm triển khai quy trình canh tác giảm phát thải với diện tích 50 ha/mô hình trong hai vụ Hè-Thu, Thu-Đông tại các 5 tỉnh. Kết quả bước đầu cho thấy, mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải mang lại những lợi ích rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường.
Chi phí sản xuất giảm từ 8,2-24,2%, giảm lượng giống 30-50%, giảm lượng phân bón hóa học 30-70 kg phân bón/ha, giảm 1-4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và giảm 30-40% lượng nước tưới. Đồng thời, năng suất tăng 2,4-7,0%, tăng thu nhập của nông dân thêm 12-50% (tương đương lợi nhuận tăng từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống). Giảm phát thải khí nhà kính trung bình 2,0-12,0 tấn CO₂ tương đương/ha. Giá lúa được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu với giá cao hơn 200-300 đồng/kg thóc.
Từ vụ Hè-Thu 2025, tiếp tục triển khai 6 mô hình cũ (trừ mô hình lúa-tôm) và mở rộng thêm 5 mô hình mới. Dự kiến cuối tháng 8, đầu tháng 9 sẽ kết thúc thu hoạch ở các mô hình.
Ngoài các mô hình trung ương trên, các địa phương đã chủ động triển khai 101 mô hình thí điểm với tổng diện tích 4.518,3 ha. Kết quả, giảm được lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước theo mục tiêu của Đề án.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo về tình hình thực hiện chính quyền 2 cấp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, khu vực phía Nam đang triển khai 21 dự án giao thông trọng điểm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Văn phòng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến, hoàn thiện và sớm trình Thủ tướng Chính phủ Thông báo kết luận hội nghị để thống nhất triển khai.
Trong đó, Thông báo kết luận tập trung vào thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ chính, gồm các nhiệm vụ liên quan tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; các nhiệm vụ triển khai các công trình hạ tầng chiến lược ở ĐBSCL kết nối miền Đông Nam Bộ, TPHCM, kết nối quốc tế về đường không, hàng hải, đường bộ, đường sông; các nhiệm vụ liên quan Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến, hoàn thiện và sớm trình Thủ tướng Chính phủ Thông báo kết luận hội nghị để thống nhất triển khai - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Vận hành 2 cấp thông suốt, hoàn hảo nhất có thể
Về mục tiêu trong tháng 7, quý III và những tháng còn lại của năm 2025, Thủ tướng yêu cầu củng cố, tăng cường đoàn kết, thống nhất hơn nữa, tăng tốc, bứt phá, thần tốc hơn nữa để vượt qua chính mình, "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", góp phần đạt toàn bộ các mục tiêu đã đề ra trong năm 2025 và cả nhiệm kỳ.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh 4 mục tiêu gồm:
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế từ 8% năm 2025, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn;
Thứ hai, giữ vững quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội, môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển;
Thứ ba, nhanh chóng ổn định, vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, thông suốt, hoàn hảo nhất có thể;
Thứ tư, hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trước 31/8/2025, trong đó xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công trước ngày 27/7, phát huy tinh thần "ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều".
Chỉ rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, về triển khai chính quyền 2 cấp, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục bám sát, triển khai quyết liệt, hiệu quả Kết luận số 177-KL/TW ngày 11/7/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về tiếp tục xây dựng tổ chức, hoạt động của đơn vị hành chính 2 cấp bảo đảm thông suốt, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, tập trung sắp xếp đầy đủ đội ngũ cán bộ, chuẩn bị cán bộ cho đại hội Đảng các cấp, linh hoạt vận dụng một số tiêu chí, tiêu chuẩn; chuẩn bị các văn kiện Đại hội các cấp; giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, không để ách tắc, tiêu cực; bảo đảm khám chữa bệnh cho người dân, không để người bệnh không có nơi chữa bệnh; xây dựng trường học bán trú cho học sinh tại biên giới, vùng sâu, vùng xa; hoàn thiện hạ tầng số, nhất là tại những nơi khó khăn, đặc biệt là hạ tầng điện và số.
Về các công trình trọng điểm, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần vượt nắng thắng mưa, không thua bão gió, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, chỉ bàn làm, không bàn lùi, làm ngày làm đêm làm thêm ngày nghỉ. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, lãnh đạo phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chính quyền tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phải tham gia trong những việc có thể làm được, ủng hộ lương thực, thực phẩm, nước uống, trái cây…, không để nhà thầu, cán bộ, công nhân, người lao động cô đơn trên công trường. Các nhà thầu huy động, hợp tác với các nhà thầu, doanh nghiệp địa phương. Bộ Xây dựng hướng dẫn về định mức, đơn giá, kỹ thuật; Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn, xử lý ngay các khó khăn về vật liệu xây dựng. Các cơ quan chuẩn bị khánh thành các công trình vào dịp 19/8/2025 như cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi…
Về Đề án 1 triệu ha lúa, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện quy hoạch liên quan trong quý III/2025; xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam, phát triển thêm các thương hiệu mới, cùng với các thương hiệu nổi tiếng đã có như ST25.
Ngân hàng Nhà nước triển khai chính sách ưu đãi về tín dụng, Bộ Tài chính giải quyết các vấn đề liên quan nguồn vốn của các tổ chức quốc tế; Bộ Công Thương đàm phán, ký kết, triển khai ngay các hiệp định về lúa gạo; các doanh nghiệp cung ứng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, bảo đảm đầu ra.
Bộ Khoa học và Công nghệ góp phần xây dựng thương hiệu, mẫu mã, bao bì đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, hấp dẫn, dễ nhận diện; thúc đẩy liên kết 4 nhà gồm Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà trường, nhà nông.
Các địa phương chủ động hướng dẫn, triển khai các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; các bộ ngành, cơ quan, địa phương phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Về một số công trình, dự án quan trọng khác, Thủ tướng yêu cầu các công trình phục vụ APEC tại Phú Quốc phải xây dựng nhanh, đẹp, xứng tầm nền văn hóa và vị thế, vai trò đất nước, trí tuệ con người Việt Nam; hoàn thành xây dựng trung tâm xử lý rác thải, vệ sinh môi trường, trung tâm nước sạch, giao thông liên kết với các công trình phục vụ APEC; định hướng vừa phục vụ APEC vừa phục vụ phát triển lâu dài.
Với dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ (có tổng mức đầu tư 1.727 tỷ đồng từ vốn ODA và vốn đối ứng trong nước, khởi công 2017 nhưng kéo dài, chưa hoàn thành), Thủ tướng chỉ đạo tiến hành thanh tra, Bộ Tài chính chủ trì bố trí vốn đầu tư công để khởi động lại dự án, giao Cần Thơ làm chủ đầu tư và phải hoàn thành trong năm 2026.