Thủ tướng chủ trì phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương
Ngày 4/7/2019, Chính phủ tổ chức phiên họp trực tuyến với lãnh đạo 63 tỉnh thành đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng có đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Tham dự Hội nghị còn có các phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh; Phó Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng; Giám đốc/thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc.
Không bàn lùi với những khó khăn trước mắt
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh: Chính phủ đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong 6 tháng qua; và cùng với các địa phương đã và đang làm được rất nhiều việc; kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… đạt được kết quả quan trọng, toàn diện.
Thủ tướng cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt. Đó là, dịch tả lợn châu Phi đã lan đến 60 tỉnh thành và 10% tổng đàn đã phải tiêu hủy, giá một số loại hải sản xuất khẩu giảm từ 10-50%. Tình hình phi thương mại thế giới có diễn biến phức tạp, cán cân thương mại thế giới còn khó lường, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng đến một số nước có quan hệ thương mại với nước ta.
Thủ tướng nêu rõ tình trạng sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa; trong khi đó, vẫn còn một bộ phận cán bộ công chức, viên chức chức lơ là, nhũng nhiễu trong công việc, nói hay làm dở, làm chậm, trách nhiệm thấp, kể cả chuyển lòng vòng, cấp dưới kêu ca, người dân chờ đợi…
Thủ tướng yêu cầu các yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, tiếp thu, lắng nghe và xử lý nhanh những tồn tại kéo dài. Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương không trình bày lại tình hình địa phương, chỉ phát biểu về các vấn đề lớn, đang có khó khăn, vướng mắc cần Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ, về cơ chế, chính sách, pháp luật, về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ở cấp cơ sở, những vấn đề về phân cấp, phân quyền cho địa phương, cơ sở và giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2019.
Tăng trưởng đạt mức khá
Qua 6 tháng triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và 3 tháng triển khai Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ 2019 về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp đề ra, các nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành trong quý II cơ bản đáp ứng đúng tiến độ, trong đó đã hoàn thành 60% nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP, 67% nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 09/CT-TTg.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt khoảng 6,76%, thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018. Trong đó, ngành nông nghiệp gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng và chỉ tăng 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,07% của 6 tháng năm 2018; ngành thủy sản tăng trưởng khá ở mức 6,45% do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao và là mức tăng trưởng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 9 năm trở lại đây; xuất khẩu rau củ quả lần đầu tiên đạt mức hàng tỷ USD, bù đắp thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2019 giảm 0,09% so với tháng trước và CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Lạm phát cơ bản tháng 6/2019 tăng 0,16% so với tháng trước. Giải ngân vốn FDI 6 tháng đầu năm ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, lượng khách quốc tế đến nước ta đều tăng. Xuất khẩu đạt 122,4 tỷ USD, nhập khẩu 120,8 tỷ USD, xuất siêu 1,6 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 67.000 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% về số vốn đăng ký; Có 21.617 doanh nghiệp doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2018. Thu NSNN 6 tháng ước đạt 52,8% dự toán, chi NSNN đạt 40,8% dự toán được giao.
Có nhiều nỗ lực cải cách hành chính
Đến ngày 31/5/2019, đã có 21/22 bộ, cơ quan ngang bộ (đạt 95.4%) và 62/63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đạt 98.4%) công bố kết quả hệ thống hóa văn bản. Nhiều địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác tinh giản biên chế là: Bộ Tài chính, tỉnh Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ, tỉnh Thái Bình…; hoặc đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC, như: Bình Phước, Tp. HCM, Đồng Tháp…
Nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý đã được cắt giảm. Tính đến tháng 5/2019, các bộ, ngành đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 29 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh, tiết kiệm 5.941.460 ngày công và 893,9 tỷ đồng/01 năm. Sau nhiều nỗ lực cải cách, tỷ lệ hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã giảm đáng kể; từ 82.700 mặt hàng năm 2015 xuống còn 70.087 mặt hàng, tính đến tháng 3/2019, đã giảm 12.600 mặt hàng. Hiện nay có khoảng 40 địa phương đã xây dựng và triển khai mô hình Trung tâm hành chính công cấp tỉnh để tổ chức giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Ngày 12/3/2019, Chính phủ chính thức khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia; theo đó, 95/95 cơ quan ở Trung ương và địa phương đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai tích cực các mô hình cải cách mới, như: Mô hình “Phòng họp không giấy tờ” và “Ứng dụng giao việc tức thời và nhắc việc thông minh”. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực tại các bộ, ngành, địa phương; tỷ lệ hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến mức độ 3 và 4 ngày càng được cải thiện.
Để kinh tế là dòng chảy liên tục
Về giải pháp cho 6 tháng còn lại của năm 2019, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT khuyến nghị: Nhiệm vụ phải thực hiện trong 6 tháng cuối năm là hết sức nặng nề, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần đề cao trách nhiệm, tiếp tục tập trung chỉ đạo để hoàn thành đúng tiến độ những nhiệm vụ được giao. Đồng thời, cần ưu tiên những nhiệm vụ chưa hoàn thành trong 6 tháng đầu năm để đẩy nhanh tiến độ, sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, cần theo dõi chặt chẽ tiến độ thực hiện, có giải pháp phù hợp, kịp thời nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều địa phương phát biểu ý kiến đề nghị Chính phủ có giải pháp, cơ chế để giải quyết những vấn đề mới nảy sinh, như: Thành phố Hồ Chí Minh với các vấn đề liên quan đến khu đô thị Thủ Thiêm; thành phố Hải Phòng đề nghị cho phép xây dựng sân golf ở nơi không có đất lúa và đất rừng, chuyển đổi đất lúa thành đất phục vụ phát triển công nghiệp; thành phố Đà Nẵng với các vấn đề tồn tại từ các nhiệm kỳ trước; Quảng Ngãi với việc hỗ trợ phát triển kinh tế biển; các vấn đề về đất đai, đất ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác năng lượng tái tạo…
Các thành viên Chính phủ cũng phát biểu về tình hình của Bộ ngành mình và giải đáp kiến nghị của các địa phương, như nguy cơ kép trong áp thuế thương mại từ Mỹ; quy hoạch sân golf được tích hợp trong quy hoạch tỉnh cùng với các quy hoạch khác, như nghĩa trang, công viên, cây xanh, khu xử lý rác thải, đô thị nông thôn…
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, không vì chuẩn bị Đại hội mà lo ngại, bê trễ công việc; trước mắt, không để Việt Nam bị trừng phạt thương mại và mất cơ hội do chậm ban hành chính sách. Thủ tướng nhấn mạnh, dù đã đạt được nhiều kết quả lớn trong 6 tháng đầu năm, nhưng đất nước cũng đang phải đối diện với những thách thức lớn. Đó là: Các trụ cột của nền kinh tế là dịch vụ và nông nghiệp đang tăng trưởng chậm lại; giải ngân vốn đầu tư và ODA quá chậm, mới đạt khoảng 1/3 số lượng được giao. Một thách thức nữa là xuất phát từ quan hệ thương mại Mỹ - Trung, Mỹ đã đưa Việt Nam và danh sách theo dõi tiền tệ.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ không điều chỉnh một chỉ tiêu nào, khó khăn phải vượt qua, tìm thời cơ trong khó khăn để phát triển. Các Bộ ngành liên quan phải theo dõi chặt chẽ chiến tranh thương mại và công nghệ hiện nay trên thế giới; đồng thời, xây dựng các kịch bản thương mại tự do, đi cùng với xử lý nghiêm các vi phạm hàng nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam; đặc biệt, là cung cấp thông tin cho phía Mỹ đầy đủ, kịp thời để Mỹ không đánh giá bất lợi cho Việt Nam; thu hút các tập đoàn công nghệ và chuỗi giá trị đầu tư vào Việt Nam, không thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng mọi giá. Các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước phải vươn lên đóng góp cho phát triển đất nước. Các bộ ngành phải đẩy mạnh CCHC, không “1 cửa nhiều khóa”, xử lý nghiêm cán bộ nhận hối lộ và thiếu trách nhiệm, cản trở sự phát triển; cùng với đề xuất các giải pháp về phát triển ngành, lĩnh vực mình phụ trách.