Thu hút FDI giảm, trông chờ điểm sáng bất động sản khu công nghiệp

Theo các chuyên gia, sự sụt giảm đáng kể của dòng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản là do những vấn đề nội tại của thị trường bất động sản Việt Nam như khan hiếm nguồn cung, thiếu quỹ đất….

Khu công nghiệp Thăng Long II thuộc địa bàn các huyện: Yên Mỹ, Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, tính đến ngày 20/5/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 10,86 tỷ USD. Từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực.

Trong số đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 6,64 tỷ USD, chiếm 61,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành hoạt động tài chính, ngân hàng đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,53 tỷ USD, chiếm hơn 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Sau thời gian dài trụ hạng ở vị trí thứ 2 thì đến nay, các ngành kinh doanh bất động sản đã tụt xuống vị trí số 3 với tổng vốn đăng ký đạt 1,16 tỷ USD - giảm 61,3% so với số vốn đầu tư gần 3 tỷ USD vào lĩnh vực này của cùng kỳ năm trước.

Theo các chuyên gia, sự sụt giảm đáng kể của dòng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản là do những vấn đề nội tại của thị trường bất động sản Việt Nam như khan hiếm nguồn cung, thiếu quỹ đất, vướng mắc pháp lý….

Trong bối cảnh doanh nghiệp ngoại thường lựa chọn hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) các dự án bất động sản tại Việt Nam thì việc thiếu quỹ đất và nguồn cung chính là lực cản lớn. Bên cạnh đó là vướng mắc về hành lang pháp lý trong nhiều dự án bất động sản cũng đang khiến ngay cả doanh nghiệp nội nản lòng chứ chưa kể nhà đầu tư nước ngoài...

Ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn đầu tư tại Savills Việt Nam nhận xét, thực trạng các dự án bị ách tắc pháp lý, đã thu tiền trước từ khách hàng, doanh nghiệp cũng chưa minh bạch về tài chính; thậm chí, chưa có đơn vị kiểm toán độc lập. Điều này gây cản trở cho các nhà đầu tư nước ngoài trong việc quyết định tham gia rót vốn vào dự án.

“Cần sớm có những chính sách khai thông để bổ sung nguồn vốn nội lực và nguồn vốn vay cho doanh nghiệp, từ đó tăng tính liên kết, giúp thị trường bất động sản tận dụng được tiềm năng của nó” – chuyên gia này chia sẻ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, hiện bất động sản công nghiệp chính là “điểm sáng" hiếm hoi của thị trường với dư địa và cơ hội phát triển cả trong ngắn, trung và dài hạn.

Ghi nhận thực tế cho thấy, Việt Nam đã và đang không ngừng trở thành địa điểm thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất. Đà tăng nguồn vốn FDI từ các tập đoàn nước ngoài gấp nhiều lần trong thập kỷ qua là minh chứng rõ nét nhất, tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, trung bình các năm gần đây, vốn FDI vào các khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Riêng với lĩnh vực chế biến, chế tạo thì tỷ lệ này có thể lên đến 70 - 80%.

Để tận dụng lợi thế này, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng, sự thay đổi của nền kinh tế cũng như nhu cầu mới từ sự phát triển đang đòi hỏi định hướng chính sách cần rõ ràng và đủ mạnh để hỗ trợ các nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Chủ tịch VARs Nguyễn Văn Đính nhận xét, muốn vậy, thông tin quy hoạch khu công nghiệp đồng bộ cần được công khai, minh bạch trong tổng thể bản đồ quy hoạch chung của vùng, địa phương để nhà đầu tư yên tâm nghiên cứu, nắm bắt cơ hội đầu tư.

Bên cạnh đó, yếu tố được xem là quan trọng hàng đầu ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng bất động sản cũng như gia tăng năng lực cạnh tranh chính là hạ tầng cần được đẩy mạnh và chú trọng đầu tư; đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối.

Ngoài ra, cần đơn giản hóa thủ tục cấp phép, giải quyết vướng mắc thủ tục đất đai (bồi thường, giải phóng mặt bằng) để tránh kéo dài thời gian xây dựng cũng như chi phí pháp lý.

Nhiều địa phương đã triển khai chiến dịch "trải thảm" đón nhà đầu tư với hàng loạt chính sách ưu đãi cùng các dịch vụ hỗ trợ pháp lý khác. Tuy nhiên, vẫn cần ưu tiên các khu công nghiệp phù hợp với định hướng, đạt chỉ tiêu hạn chế lượng phát thải, mức tiêu thụ năng lượng... hạn chế tác động đến môi trường, giảm sức ép cho hạ tầng.

Dưới góc nhìn tổng quan, ông Neil MacGregor - Tổng giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nhận định, các tín hiệu vĩ mô vẫn cho thấy sức hút mạnh mẽ của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới với nhiều biến động. Các nhà đầu tư tại nhiều thị trường lớn trên thế giới đều nhấn mạnh sự quan tâm của các nhà đầu tư đến thị trường Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, bán lẻ, logistics, văn phòng và nhà ở.

Bởi vậy, dù thu hút FDI vào bất động sản có sụt giảm nhưng việc tìm kiếm nguồn vốn cho ngành bất động sản từ dòng FDI vẫn hoàn toàn khả thi bởi sự quan tâm của các nhà đầu tư đến với thị trường Việt Nam hiện nay là rất lớn.

Dưới một góc nhìn khác, chuyên gia từ Cushman & Wakefield (C&W) dẫn chứng về số liệu trong 5 năm trở lại đây mới có sự tham gia của các quỹ đầu tư vào Việt Nam. Trước đó, dù dòng vốn FDI đăng ký đầu tư vào bất động sản khá cao nhưng vốn thực hiện thực tế lại thấp. Do đó, C&W đánh giá, Việt Nam được xem là thị trường đầu tư cơ hội, chứ không phải thị trường đầu tư thông qua dòng tiền ổn định.

Trước bối cảnh nguồn vốn đổ vào bất động sản đang bị hạn chế từ tín dụng ngân hàng trong nước, dòng chảy FDI đang được đánh giá là phương án hỗ trợ kịp thời và đắt giá cho các chủ đầu tư phát triển dự án, tạo ra nhiều cơ hội và giá trị cho các doanh nghiệp./.

Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thu-hut-fdi-giam-trong-cho-diem-sang-bat-dong-san-khu-cong-nghiep/294874.html