Thổi hồn vào những bức tượng gỗ

Năm nay 23 tuổi nhưng Ngô Đức Chi Bảo (chủ nhân của một xưởng điêu khắc tại xã Tà Rụt, huyện Đakrông) đã có hơn 9 năm gắn bó với nghề điêu khắc. Với hàng trăm tác phẩm gỗ lớn, nhỏ đủ kích cỡ, anh được người trong nghề cũng như người tiêu dùng đánh giá rất cao. Những khối gỗ khô cứng, vô tri, vô giác nhưng qua bàn tay của anh đều trở nên sống động, có hồn…

Thừa hưởng năng khiếu từ cha

Quảng Trị những ngày giáp Tết, không khí dường như nhộn nhịp hơn hẳn so với ngày thường. Tranh thủ loanh quanh mấy cửa hàng đồ mỹ nghệ tại thành phố Đông Hà, ánh mắt tôi bị thu hút bởi các tác phẩm điêu khắc chúa sơn lâm, tượng Phật Di lặc... rất sắc sảo được trưng bày trên kệ. Hỏi ra mới biết, đây là sản phẩm do chàng trai trẻ tên Ngô Đức Chi Bảo làm ra. Lời giới thiệu của chủ cửa hàng: “Nhiều người chơi đồ gỗ mỹ nghệ lâu năm đều đến đây hỏi mua sản phẩm của cậu ấy. Mấy ngày giáp Tết như thế này, hàng làm ra không kịp để bán!”, khiến tôi tò mò và muốn tìm hiểu kỹ hơn về người thanh niên có bàn tay khéo léo này.

Ngô Đức Chi Bảo luôn chăm chút, tỉ mỉ trong từng khâu sáng tạo tác phẩm - Ảnh: T.P

Xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của Bảo thời điểm cuối năm khá náo nhiệt. Tiếng máy cưa, gõ, đục vào gỗ phát ra âm thanh lộc cộc, tiếng chà xát gỗ của giấy mài vang lên liên tục; người ra, người vào tấp nập chọn lựa sản phẩm, đặt hàng. Bảo sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề điêu khắc gỗ tại xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, thế nên cả tuổi thơ của gần như gắn liền với cưa, đục, gõ...

“Từ nhỏ, tôi đã có niềm hứng thú với nghề điêu khắc gỗ của cha. Ngày nào cũng thế, cứ một buổi đi học, buổi còn lại tôi ở nhà quan sát cha và các anh sáng tạo ra tác phẩm, ai cần giúp gì là tôi giúp ngay. Dần dà, thói quen ấy đã “ăn sâu” vào trong máu, không ngừng thôi thúc tôi theo đuổi nghề truyền thống của gia đình”. Người cha mà Bảo nhắc đến là cố nghệ nhân điêu khắc Ngô Đức Phi - người đã dành cả cuộc đời cống hiến, sáng tạo cho nghệ thuật điêu khắc. Từ năm 15 tuổi, Bảo đã tiếp bước theo con đường của cha và các anh. Dù là “con nhà nòi” nhưng Bảo thừa nhận để biến một khúc gỗ khô khốc, sần sùi trở nên có hồn là điều không dễ dàng.

“Cha tôi vẫn dạy, là một người thợ điêu khắc gỗ, ngoài việc tập cho đường đục mềm mại, nhuần nhuyễn còn cần phải có tư duy sáng tạo và đầu óc thực tế. Hơn nữa phải đặt cái tâm của mình vào từng nét trổ. Những ngày đầu mới làm nghề, tôi làm sai hoài. Cha tuy lớn tiếng dạy dỗ nhưng vẫn ân cần chỉ dẫn, uốn nắn từng bước, âm thầm theo dõi sự trưởng thành của tôi. Chính sự nghiêm khắc đó đã giúp tôi có được như ngày hôm nay”, Bảo bộc bạch.

Nỗ lực khẳng định tên tuổi

Gia đình Bảo có tổng cộng 7 anh, chị em và hầu hết đều theo nghề điêu khắc gỗ của cha. Trước khi Bảo vào nghề, cha và các anh đã là những người thợ xuất sắc, có được vị thế riêng trên thị trường. Không những thế, cha cũng đào tạo ra nhiều thế hệ học trò giỏi, thành công khắp cả nước. Thế nên để vượt qua “cái bóng” quá lớn đó, Bảo phải nỗ lực gấp nhiều lần so với người khác. Còn nhớ những ngày đầu mới bắt tay sáng tạo tác phẩm, chàng trai trẻ ấy đã gặp rất nhiều khó khăn. Một bức tượng Phật Di Lặc cao 1,45 m thường sẽ được học trò của cha hoàn thành trong khoảng 3 ngày nhưng Bảo phải mất hơn 10 ngày mới hoàn thiện khâu cuối cùng.

“Lắm lúc tôi cũng thấy nản lòng, chỉ muốn tìm kiếm một công việc khác phù hợp với xu thế thị trường để làm. Nhưng niềm đam mê điêu khắc đã thôi thúc tôi tiếp tục. Cứ nhìn những tác phẩm mình làm ra được khách đánh giá cao, tôi lại động viên bản thân cố gắng hơn nữa. Mọi thứ cứ thế dần trở nên dễ dàng hơn”, nghĩ về kỷ niệm đã qua, Bảo chia sẻ.

Suốt nhiều năm qua, hàng trăm tác phẩm lớn, nhỏ với đủ kích cỡ, hình dáng ra đời như minh chứng cho những nỗ lực của anh. Nhờ luôn chăm chỉ rèn luyện tay nghề nên các tác phẩm được tạo ra dù có cùng kích thước, hình dáng nhưng nhờ “linh hồn” được người thợ điêu khắc “thổi” vào đó mà trở nên khác biệt. Bảo cho hay: “Cái khó của việc chế tác gỗ, thân cây là không có bản vẽ mẫu sẵn. Do vậy, người thợ phải biết sáng tạo những sản phẩm dựa theo hình dạng, màu sắc, khối u, lỗ thủng trên từng khối gỗ, từ đó tạo ra những chi tiết sống động”. Công việc của một thợ điêu khắc luôn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, cẩn trọng từ khâu chọn gỗ cho đến quá trình đục, chạm... sao cho khi hoàn thiện, hình dáng, chi tiết của bản chạm khắc phải có “hồn”, có “thần”.

Một sản phẩm tạo hình con hổ của anh Chi Bảo -Ảnh: T.P

2 năm trở lại đây, lượng khách hàng tìm đến đặt và mua sản phẩm gỗ mỹ nghệ ngày càng đông. Trung bình mỗi tháng, xưởng điêu khắc gỗ của Bảo có khoảng trên dưới chục đơn hàng. Những dịp giáp Tết, số đơn hàng tăng lên gấp nhiều lần. Cả chủ lẫn thợ đều phải ngày đêm tập trung làm cho kịp thời gian giao hàng. Công việc này không chỉ mang lại cho Bảo nguồn thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 - 4 lao động địa phương.

Và những bức tượng hổ

Ở tuổi 23, Bảo sở hữu cho mình gia tài lên đến hàng trăm tác phẩm gỗ lớn, nhỏ khác nhau như tượng Phật Di Lặc và 9 tiểu đồng, tượng Phật Bà Quan Âm, tượng tứ linh... Thế nhưng với Bảo, việc khắc họa hình dáng chúa sơn lâm vẫn luôn mất nhiều công sức và thời gian nhất. Bởi để tạo hình con hổ sao cho có “thần”, giữ được nét uy phong là điều rất khó. “Thường chỉ có người tuổi hổ hoặc những người sành chơi đồ gỗ mỹ nghệ mới thích đặt tượng hổ về chưng trong nhà. Từ khi vào nghề đến nay, tôi đã điêu khắc trên dưới 30 bức tượng con hổ. Một con hổ dù là nhỏ nhất cũng phải mất từ 3 - 4 ngày để hoàn thành”, Bảo nói rồi đưa tay chỉ về bức tượng hổ được đặt cạnh cửa ra vào xưởng. Đó là một bức tượng hổ dài chừng 1,5 m, cao 70 cm, dáng vẻ uy phong.

Bảo cho hay, phải thực hiện liên tục gần 2 tuần từ khâu phác họa, đục, tỉa các chi tiết, gọt, làm nguội tượng, lót, xả PU... mới có thể hoàn thiện được tác phẩm này. Được biết, trong quá trình đó, khâu khó nhất là tạo hình mặt con hổ. Nếu làm không khéo, sẽ dễ mất đi linh hồn của con vật, bức tượng cũng vì thế mà không có giá trị nữa. Có dịp ngồi quan sát Bảo tạo hình một bức tượng hổ do khách hàng đặt, mới thấy hết được sự khéo léo, tỉ mỉ cũng như cái tâm chàng thanh niên trẻ đặt vào tác phẩm của mình. Bảo chăm chút từng đường nét trên khuôn mặt con hổ, từ đôi mắt sắc bén, nanh vuốt sắc nhọn cho đến dáng đứng dũng mãnh, uy nghi. Dưới đôi tay khéo léo của Bảo, con hổ dần hiện ra, sống động y như thật.

Anh Ngô Đức Linh (sinh năm 1995), anh trai của Bảo, hiện đang làm tại xưởng cho biết: “Em trai tôi tuy trẻ tuổi nhưng luôn hứng thú, thích tìm tòi và sáng tạo ra những bức tượng khó, độc đáo, đặc biệt là rất đam mê làm những bức tượng hổ. Trước đây, xưởng chúng tôi ở Huế tuy có mấy chục học viên, nhân công nhưng ai đặt tượng hổ đều do Bảo phụ trách thực hiện. Sản phẩm làm ra bao giờ cũng được khách hàng tán thưởng, ngợi khen”.

Điêu khắc gỗ là một nghề tương đối vất vả, đặc biệt là với người trẻ. Nghề này đòi hỏi phải kiên trì, có óc sáng tạo mới có thể chạm đến sự thăng hoa trong từng tác phẩm, đưa những khối gỗ vô tri trở nên sống động và có hồn. Dưới đôi bàn tay khéo léo của mình, Bảo đã và đang tỉ mẩn làm ra nhiều tác phẩm độc đáo, sắc sảo để đáp ứng nhu cầu của khách hàng gần xa.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=164692&title=thoi-hon-vao-nhung-buc-tuong-go