Thị trường bất động sản có dấu hiệu 'rã đông'?

Nhu cầu tìm kiếm đất nền, căn hộ tại khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận đã có dấu hiệu tăng nhẹ so với đầu năm nay, nhưng sức cầu được dự báo khó tăng đột biến trong ngắn hạn.

Ngày 6-7, DKRA Group chính thức công bố báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận quý 2-2023 cho thấy sức cầu trên thị trường tăng nhẹ so với đầu năm, nhưng vẫn thấp so với cùng kỳ năm ngoái.

Đơn vị này dự báo quý 3-2023, thị trường sẽ vẫn có những tín hiệu khởi sắc nhưng khó đột biến trong ngắn hạn. Trong đó, những động thái tháo gỡ vướng mắc từ Nhà nước về chính sách pháp lý, giảm lãi suất cũng như tăng cường giải ngân vốn đầu tư công… kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ hồi phục cho thị trường bất động sản trong trung và dài hạn.

Nguồn cung phân khúc đất nền tại TP.HCM tăng nhưng giá không nhiều biến động.

Nguồn cung phân khúc đất nền tại TP.HCM tăng nhưng giá không nhiều biến động.

Sức cầu dự báo khó có đột biến trong ngắn hạn

Theo ghi nhận của DKRA Group, thị trường bất động sản sơ cấp ở TP.HCM và vùng phụ cận có sự tăng trưởng về nguồn cung lẫn sức cầu so với quý 1 năm nay, nhưng không đáng kể.

Cụ thể, phân khúc đất nền trong quý 2-2023 chỉ có 8 dự án mở bán với nguồn cung khoảng 867 nền, tăng 2,3 lần so với quý trước. Tỉ lệ tiêu thụ đạt 44% tương đương 378 nền, tăng gấp 4,8 lần so với 3 tháng đầu năm nay.

Thị trường đất nền vùng phụ cận tiếp tục giữ vị thế chủ lực khi nguồn cung mới lẫn lượng tiêu thụ đều tập trung chủ yếu ở Bình Dương. Mặt bằng giá bán mới trong quý không có nhiều biến động, các giao dịch tập trung chủ yếu ở những dự án đã hoàn thiện pháp lý và tiến độ hạ tầng tốt.

Theo dự báo từ DKRA Group, nguồn cung phân khúc đất nền trong quý 3-2023 có thể sẽ khởi sắc so với quý 2-2023, dao động ở mức 750 - 900 nền, tập trung chủ yếu tại các vùng phụ cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai.

"Nhu cầu chung toàn thị trường dự kiến tăng nhẹ nhưng khó có đột biến trong ngắn hạn. Gao dịch phát sinh chủ yếu ở nhóm dự án đã hoàn thiện hạ tầng và pháp lý. Mặt bằng giá sơ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang so với 6 tháng đầu năm 2023. Các chính sách chiết khấu cho phương án thanh toán nhanh được áp dụng nhằm kích cầu thị trường", DKRA nhận định.

Giao dịch qua sàn là cơ sở xác định giá đất

Quy định bắt buộc giao dịch bất động sản phải thông qua sàn tại dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi vẫn đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân, nhà đầu tư, với nhiều ý kiến trái chiều.

Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, để xác định giá đất tiệm cận với giá thị trường, tương xứng với giá trị mang lại, cần phải có dữ liệu thông tin về giá đất giao dịch thực tế trên thị trường.

Do đó, việc bắt buộc giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản là cơ sở để cung cấp thông tin số liệu về giá chính xác nhất. Để xác định giá đất tiệm cận với giá thị trường, cần phải có dữ liệu thông tin về giá trị bất động sản trên lịch sử chuyển nhượng thực tế, hoặc các giao dịch mua bán khác để so sánh và chứng thực.

Thông qua sàn, 100% giao dịch bất động sản có thể trả qua ngân hàng, tránh tình trạng khai hai giá, thất thu ngân sách Nhà theo đề xuất của Bộ Tài chính, là cơ sở để cung cấp thông tin số liệu về giá chính xác nhất theo chủ trương mà Dự thảo Luật đất đai 2022 đưa ra và được các lãnh đạo Bộ Xây dựng ủng hộ.

“Khi có cơ sở dữ liệu đảm bảo giá đất quy định tiệm cận với mặt bằng giá thị trường, đảm bảo hài hòa giữa 3 bên: Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Thị trường sẽ phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững hơn. Thị trường tốt sẽ tự điều tiết cán cân cung - cầu, đưa tài sản tới tay người dân với đúng giá trị thật, không gây thất thoát nguồn lực từ đất đai và tránh được rủi ro cho cán bộ thực hiện", Hội môi bất động sản Việt Nam nhận định.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thi-truong-bat-dong-san-co-dau-hieu-ra-dong-post741092.html