Thi đua yêu nước tạo động lực vượt khó của đồng bào dân tộc Đà Bắc

Khắc ghi lời của Bác Hồ 'Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất', những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đã tích cực sản xuất, kinh doanh, liên kết sản xuất, tham gia phát triển HTX. Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần làm giàu cho gia đình và xây dựng quê hương giàu mạnh.

Đà Bắc có 17/17 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 90% dân số. Trong đó, dân tộc Tày chiếm gần 42%, dân tộc Mường trên 33%...

Lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước

Phong trào thi đua yêu nước ở huyện đông đồng bào dân tộc thiểu số này ngày càng phát triển sâu rộng, được thực hiện dưới nhiều hình thức.

Theo đó, phong trào thi đua yêu nước không chỉ được các cán bộ cấp ngành mà được đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đà Bắc coi là nền tảng quan trọng, là động lực để phát triển kinh tế, liên kết sản xuất.

Để phong trào thi đua yêu nước đi vào thực chất, huyện đã triển khai các dự án như “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Giúp nhau giảm nghèo bền vững”, “Liên kết phát triển kinh tế hàng hóa, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp”.

Ngoài ra, huyện khuyến khích, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các mô hình HTX, tổ hợp tác để tạo động lực cho phát triển kinh tế, phát triển sản phẩm OCOP, tái cơ cấu nông nghiệp.

Tiêu biểu như việc thành lập và phát triển HTX Đa nghề Yên Lý (xã Cao Sơn), HTX Nông nghiệp Hòa Bình, chi nhánh Đà Bắc phát triển sản phẩm Hạt Sachi rang sấy, Tổ hợp tác Du lịch cộng đồng Đá Bia (xóm Đức Phong, xã Tiền Phong), HTX Nam Phương (xã Trung Thành) phát triển sản xuất chè Shan tuyết…

Các mô hình này tạo ra sức lan tỏa trong phát triển sản xuất, thể hiện tinh thần yêu quê hương đất nước trên từng sản phẩm, từ đó tác động tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Xuất phát tình yêu với nghề thêu dệt thổ cẩm truyền thống, các thành viên Tổ hợp tác thổ cẩm Dao Tiền (bản Sưng, xã Cao Sơn) đã bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao Tiền thông qua các công đoạn nhuộm chàm, vẽ sáp ong, thêu và may hoàn toàn thủ công. Nghề dệt thổ cẩm mà các thành viên Tổ hợp tác đang làm không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế, thu hút khách du lịch mà còn thể hiện lòng tự hào và tình yêu quê hương, đất nước của người làm nghề.

Còn HTX Đa ngành nghề Tâm Cương (xã Tân Minh) với 17 thành viên đã tạo nên sự khác biệt của thịt lợn bản địa Tân Minh đến từ giống lợn và cách chăm sóc. Giống lợn bản địa được thành viên giữ gìn nguồn gen qua thời gian. Sau khi con giống được chọn lọc kỹ lưỡng, đủ tiêu chuẩn sẽ được nuôi thành lợn thương phẩm, thức ăn chủ yếu là cây chuối trộn với ngô, sắn nấu thành cám. HTX cũng chú trọng đầu tư cho sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm bản địa.

Bà Hà Thị Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX đa ngành nghề Tâm Cương, cho biết cũng như bao người nông dân khác, khi tham gia HTX, tinh thần yêu nước trọn vẹn trong quá trình sản xuất chính là sự đoàn kết của các thành viên, là sự yêu thương, tự hào và tận tụy dành cho sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của quê hương. Bởi, HTX đang làm ra những sản phẩm, thực phẩm sạch, bảo đảm quy trình, tạo việc làm cho hội viên, phụ nữ và người dân tại xã Tân Minh, nơi có điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Đây là mô hình kinh tế tập thể hiệu quả tại địa phương, hơn nữa còn góp phần gìn giữ, bảo tồn và lưu giữ truyền thống văn hóa của người dân tộc Tày.

Nâng cao ý thức dân tộc

Một điều đặc biệt là phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, mỗi thành viên trong các HTX, tổ hợp tác ở huyện Đà Bắc đều nâng cao nhận thức, ý thức tự hào đối với sản phẩm địa phương, ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt, nhất là các sản phẩm bản địa, sản phẩm OCOP trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Điều này thể hiện nét đẹp trong văn hóa ưu tiên dùng hàng bản địa, hàng Việt Nam.

Liên kết sản xuất hàng hóa giúp nâng cao tinh thần đoàn kết, yêu nước của đồng bào dân tộc thiểu số.

Liên kết sản xuất hàng hóa giúp nâng cao tinh thần đoàn kết, yêu nước của đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với với đó, các HTX cũng động viên, khuyến khích người thân trong gia đình, bạn bè ưu tiên sử dụng hàng hóa do chính các HTX, tổ hợp tác sản xuất. Đồng thời đấu tranh, phê phán các hành vi gian lận, trà trộn các sản phẩm VietGAP, hữu cơ, OCOP trên thị trường.

Việc nâng niu, trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống, những sản phẩm bản địa của các HTX, tổ hợp tác có thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số ở Đà Bắc đã thể hiện tinh thần yêu nước, giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử của dân tộc.

Một điểm sáng khác trong phong trào thi đua yêu nước của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đà Bắc đó là tích cực tham gia, phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa. Đến nay, huyện đã xây dựng các các chuỗi thủy sản, chăn nuôi, gạo, chè shan tuyết, dược liệu… Điều đặc biệt là các chuỗi giá trị này đều có sự tham gia tích cực của các HTX.

Điển hình như HTX dược liệu Big Farm đã thuê lại vùng đất hoang hóa của bà con nông dân tại xóm Men, xã Yên Hòa để trồng 10ha dược liệu như đương quy, cát sâm, hà thủ ô, bạch chỉ, thất diệp nhất chi hoa, cát cánh, kim ngân... Đến nay, HTX Big Farm đã có hơn 20 loại thảo dược, phần lớn sản phẩm thu hoạch tới đâu đều được các doanh nghiệp, cơ sở bào chế dược phẩm trong nước thu mua tới đó để làm thuốc.

Còn tại HTX đa ngành nghề Yên Lý (xã Cao Sơn) đã tích cực đầu tư máy móc sản xuất miến dong, đồng thời hỗ trợ người dân phát triển vùng dong riềng và bao tiêu cho bà con theo hợp đồng. Đến nay, sản phẩm của HTX đã đạt OCOP 3 sao với quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm.

Yêu nước trong thời kỳ mới

Có thể thấy, phong trào phát triển kinh tế hàng hóa theo chuỗi giá trị của các HTX đã lôi cuốn, khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương phát huy tinh thần yêu nước, lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tích cực thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn thử thách, đoàn kết giúp nhau làm kinh tế bền vững.

Các HTX, tổ hợp tác đang góp phần không nhỏ giúp đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện thay đổi tư duy, chuyển sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các HTX cũng thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, xúc tiến thương mại để tiêu thụ nông sản cho người dân địa phương.

Theo thống kê, hiện nay, toàn huyện có 44 HTX và 5 tổ hợp tác hoạt động với sự tham gia, liên kết của nhiều doanh nghiệp. Các mô hình kinh tế hàng hóa có giá trị kinh tế cao đã và đang được nhân rộng, giúp đời sống đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao, tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể. Đây là nền tảng giúp tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đà Bắc ổn định.

Khi có kinh tế ổn định, người dân càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên tại khu vực hồ Hòa Bình, các địa điểm du lịch… nhằm mang lại cảnh quan sạch đẹp thu hút du khách.

Theo đánh giá của lãnh đạo huyện, tình yêu Tổ quốc của đồng bào dân tộc thiểu số tại Đà Bắc đã được cụ thể hóa thành hành động, việc làm thiết thực. Qua tham gia các dự án, các HTX…, bà con dân tộc thiểu số đã có tinh thần vươn lên, nâng cao kinh tế cho chính gia đình, thôn bản của mình, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, đóng góp cho phát triển đời sống kinh tế, xã hội của đất nước.

Để truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam được thấm nhuần và thể hiện rõ nét trong thời kỳ mới, huyện Đà Bắc đang đẩy mạnh hoạt động dịch vụ tư vấn và hỗ trợ nông dân tham gia các HTX nhằm tạo khối đoàn kết dân tộc mạnh mẽ, từ đó thúc đẩy liên kết bền chặt và tạo sự đồng thuận, sức mạnh tập thể trong phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó, huyện sẽ đồng hành với đồng bào dân tộc thiểu số, HTX để tháo gỡ những khó khăn về vốn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tín dụng, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ các HTX tham gia phát triển sản phẩm OCOP theo định hướng của tỉnh.

Minh Nhương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/thi-dua-yeu-nuoc-tao-dong-luc-vuot-kho-cua-dong-bao-dan-toc-da-bac-1094582.html