Tháo gỡ điểm nghẽn cho giáo dục đại học
Phiên họp sơ kết thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2023 do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì diễn ra chiều 26/12.
Nâng cao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học
Phiên họp do Tiểu ban Giáo dục đại học, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức. Phát biểu mở đầu, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trong đó, yêu cầu khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số;
Đồng thời, tăng cường đầu tư, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học đủ năng lực, trình độ đáp ứng việc giảng dạy lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ chip bán dẫn, vi mạch, kỹ thuật và công nghệ then chốt…
Vì vậy, Thứ trưởng nhấn mạnh, việc đánh giá sơ kết tình hình thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2023 phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Trước đó, Thường trực Chính phủ thống nhất giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát và sơ kết 5 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (Luật số 34) và văn bản pháp luật liên quan, báo cáo Chính phủ năm 2024.
Thứ trưởng mong muốn, các đại biểu có những đóng góp, phân tích, đánh giá, tập trung vào những vấn đề lớn, có tính cấp bách, lâu dài, giúp Bộ GD&ĐT có báo cáo đầy đủ, ngắn gọn súc tích để báo cáo Chính phủ, tiến tới xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung, phù hợp với tình hình mới.
Báo cáo tóm tắt về việc đánh giá sơ kết thực hiện Luật giáo dục đại học giai đoạn 2019-2023, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Thu Thủy cho hay, qua 5 năm thực hiện, Luật cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển giáo dục đại học, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục đại học, nâng cao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học,
Đồng thời, bảo đảm sự hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài cho đất nước và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, trước những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của đất nước, yêu cầu hội nhập quốc tế, một số quy định của Luật đã không còn phù hợp so với yêu cầu thực tiễn.
Cần sửa đổi của Luật số 34
Thời gian qua, thực hiện Luật số 34 với quy định về tự chủ đại học, Đại học Bách khoa Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc viện dẫn, tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả; số cán bộ giảng dạy tăng; giảm số lượng cán bộ hành chính; tăng 10% chương trình đào tạo bằng tiếng Anh trong 4 năm qua, rà soát đổi mới các chương trình đào tạo; hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp được thúc đẩy; phát triển hạ tầng, đầu tư cơ sở vật chất cho người thầy và người học; mô hình tổ chức được tinh gọn với 40 đơn vị thuộc, trực thuộc. Tự chủ đại học trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, sáng tạo, khởi nghiệp và hợp tác quốc tế với Đại học Bách khoa Hà Nội là rất lớn.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số khó khăn như: chưa có quy định cụ thể về gắn kết giữa hoạt động đào tạo và hoạt động nghiên cứu khoa học; thiếu quy định về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ chế đặt hàng nghiên cứu với những lĩnh vực đặc thù phục vụ phát triển đất nước; chưa xây dựng quy định cụ thể hỗ trợ việc tuyển dụng, thu hút nhân tài, các chuyên gia nước ngoài đến làm việc, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) ghi nhận những đánh giá chi tiết, chính xác, nhận diện các vấn đề cần sửa đổi của Luật số 34.
GS.TS Nguyễn Quý Thanh khẳng định Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13, Luật số 34 đã mở ra hệ thống pháp lý rất tốt cho giáo dục đại học, tạo căn cứ cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tốt hơn.
Tuy nhiên, cần đưa các trường cao đẳng thuộc giáo dục đại học để đảm bảo tính hệ thống và phân tầng cơ sở giáo dục đại học nhằm phục vụ công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện quản lý nhà nước.
Hiện, các cơ sở giáo dục có năng lực không đồng đều nhau về nguồn nhân lực chất lượng cao; do vậy, GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng ĐH Thái Nguyên đánh giá cho rằng, cần thiết ban hành Luật trong bối cảnh thực hiện vai trò dẫn dắt hệ thống, đảm bảo đầu ra thống nhất và công bằng.
Ngoài ra, cần bổ sung giao trách nhiệm Bộ chủ quản phải ban hành chuẩn theo Luật, để minh bạch, rõ ràng trong quản lý nhà nước; cần làm rõ rõ tự chủ bộ máy, tổ chức với tự chủ tài chính - là điều kiện của tự chủ học thuật chuyên môn…
Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá, Luật số 34 mở ra hành lang pháp lý rất quan trọng, tạo ra sinh khí mới, hệ thống giáo dục đại học đang trưởng thành, thay đổi hẳn về chất và lượng, đặc biệt là về năng lực quản trị đại học, tự chủ, chất lượng chương trình đào tạo.
Tất cả đã tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, tạo ra động lực mới để phát triển, chuẩn hóa chất lượng, nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường..
Với một số điểm nghẽn còn đang tồn tại, Thứ trưởng nhấn mạnh, cần bắt tay vào làm ngay, để có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, hướng tới xây dựng Luật hiệu quả, phù hợp thực tiễn, có hiệu lực lâu dài.
Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2013, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 34. Luật này được ban hành với 8 điểm mới cơ bản, gồm:
Xác định rõ hệ thống cơ sở giáo dục đại học tiệm cận với xu hướng quốc tế, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam;
Tạo ra sự bình đẳng giữa cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục, thúc đẩy sự phát triển của giáo dục đại học tư thục;
Tạo cơ sở pháp lý rõ ràng về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học;
Mở rộng phạm vi, nâng cao hiệu quả tự chủ đại học, gắn với trách nhiệm giải trình;
Đổi mới quản trị đại học, đảm bảo thực quyền của hội đồng trường với vai trò là cơ quan quản trị hiệu quả phù hợp với thông lệ quốc tế;
Đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tài sản, các cơ sở GDĐH tự chủ xây dựng và quyết định mức học phí đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo và công bố công khai;
Đổi mới quản lý đào tạo;
Đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học...
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thao-go-diem-nghen-cho-giao-duc-dai-hoc-post713674.html