Thanh toán không tiền mặt

Thanh toán không tiền mặt được triển khai từ gần chục năm nay; đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, thói quen chi tiêu qua thẻ càng phát triển. Tuy nhiên, với tỷ lệ dân số ở nông thôn cao, người dùng điện thoại thông minh chưa phổ biến thì việc song hành, cả tiền thẻ, cả tiền mặt vẫn cần thiết.

Hiện gần như 100% các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp trả tiền lương, thu nhập cho cán bộ, người lao động qua thẻ ATM. Ngay cả cán bộ hưu trí, số người đăng ký nhận tiền lương hưu qua thẻ cũng tăng.

Thu nhập ở tất trong thẻ, trong khi cây ATM ở xa, hoặc ở gần thì đôi khi bị trục trặc, hết tiền hay phải xếp hàng chờ lâu khiến nhiều người, đặc biệt người trẻ tất thảy tối đa chi tiêu, tiêu dùng không dùng tiền mặt, trong túi không có một… xu.

Nhiều bạn trẻ bảo, họ đã quen không cầm ví mỗi khi ra ngoài, chỉ cần chiếc điện thoại có 4G và trong thẻ có tiền. Từ đi chợ, siêu thị, mua đồ tạp hóa, thậm chí cả mừng cưới… đều có thể chuyển khoản.

Nhưng đôi khi thói quen không tiền mặt cũng khiến nhiều người dở khóc dở cười. Đi ăn, đi chợ mua thịt, mua cá, người bán lại ở quê, người già, mớ rau cây nhà lá vườn nên không biết đến thẻ ATM là gì, càng không có điện thoại thông minh nên có khi ăn xong, mua bán xong, lại phải trả lại hoặc gọi người đến trả giúp vì…không có tiền. Hay không phải lúc nào điện thoại cũng như ý muốn; lúc hết pin, lúc chuyển khoản lại lỗi mạng ngân hàng, thành ra phiền phức không kém.

Đúng là thanh toán qua thẻ có nhiều ưu điểm. Với người dân thì đi đâu không phải mang nhiều tiền, không lo cướp giật, không phải ra cây ATM rút tiền, chi trả rồi còn lưu ngày giờ và số tiền đã chuyển, có thể tra cứu lại, quản lý chi tiêu… Với chính quyền, nhà nước thì thanh toán qua thẻ hạn chế lưu thông tiền mặt, giảm thiểu chi phí xã hội; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, minh bạch hóa hoạt động thanh toán và thu nhập cá nhân...

Ở Bắc Giang, dưới sự hỗ trợ của các ngân hàng, một số chợ ở Việt Yên, Hiệp Hòa… bà con tiểu thương đã được hướng dẫn làm thẻ, cách sử dụng, tạo mã QR code để tiện cho cả người mua, người bán, hạn chế dùng tiền mặt. Tuy nhiên, thói quen chi tiêu bằng tiền mặt, tâm lý thích “tiền tươi thóc thật”, ngại tìm hiểu cách thức chuyển khoản khiến nhiều người chưa mặn mà. Chưa kể, báo chí thường xuyên cảnh báo về việc tội phạm lừa đảo qua mạng, có khi chỉ nghe một cuộc điện thoại có đầu số lạ là tài khoản đã “bay” mất tiền nên ảnh hưởng không nhỏ tới những người mới sử dụng thẻ, người chưa sử dụng thành thạo, sợ mất tiền, sợ rủi ro…

Năm 2021, Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 với nhiều mục tiêu như: Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; trên 80% người dân từ 15 tuổi có tài khoản ngân hàng... Đề án này nếu thành công sẽ mang lại nhiều tác động tích cực, góp phần thúc đẩy KT-XH, phòng, chống tham nhũng, rửa tiền, minh bạch các hoạt động thanh khoản…

Có thể nói chi tiêu không tiền mặt là xu hướng tất yếu của thế giới, không ngoại trừ Việt Nam. Nếu triển khai đồng bộ, hiệu quả, chắc chắn tỷ lệ người sử dụng sẽ đạt mục tiêu đề ra. Song từ hạ tầng phải tiện lợi, hệ thống cây ATM/tỷ lệ số dân cao; đặc biệt, mọi thông tin cá nhân, bảo mật của khách hàng phải tuyệt đối an toàn, không lo bị rủi ro, lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản thì người dân mới yên tâm và tự tin thanh toán trực tuyến, hạn chế thấp nhất sử dụng tiền mặt.

Bảo Châu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/403530/thanh-toan-khong-tien-mat.html