Thảm họa động đất ở Morocco và mệnh lệnh nhân đạo

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính hơn 300.000 người ở TP Marrakesh và vùng ngoại ô đã bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất kinh hoàng đêm 8.9 (giờ địa phương). Liên Hợp Quốc, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và nhiều tổ chức quốc tế đã kêu gọi các quốc gia thành viên, các tổ chức nhân đạo và cộng đồng quốc tế hỗ trợ công tác cứu hộ các nạn nhân bị ảnh hưởng.

Mạnh ngang bom nguyên tử

Số người thiệt mạng trong trận động đất có cường độ 6,8 richter đã tăng lên hơn 2.000. Số nạn nhân thiệt mạng cao nhất là tại tỉnh Al Haouz ở vùng Marrakesh-Safi với gần 1.300 người.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ Morocco ngày 10.9 còn cho biết hơn 2.000 người đã bị thương, bao gồm hơn 1.400 người nguy kịch, trong thảm họa này. Con số thương vong dự kiến còn tiếp tục tăng, theo Reuters.

Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết tâm chấn nằm cách TP Marrakesh, thủ phủ vùng Marrakesh-Safi, 72 km về phía Tây Nam. Theo USGS, đây là trận động đất tồi tệ nhất mà Morocco phải hứng chịu kể từ thảm họa năm 1960 khiến 12.000 người thiệt mạng. Trong khi đó, theo AP, đây là trận động đất mạnh nhất xảy ra ở quốc gia Bắc Phi này trong vòng 120 năm.

Quân đội Morocco đưa thi thể một nạn nhân ra khỏi đống đổ nát. Ảnh: AFP

Quân đội Morocco đưa thi thể một nạn nhân ra khỏi đống đổ nát. Ảnh: AFP

Giáo sư Iyd al-Tarazi tại Khoa Địa chấn và Thảm họa tự nhiên thuộc Trường ĐH Hashemite ở Jordan rằng trận động đất ở Morocco mạnh ngang bom nguyên tử. Giáo sư còn dự báo "hàng trăm dư chấn có thể xảy ra".

Ghi nhận của phóng viên Reuters tại hiện trường cho thấy những người sống sót đã tụ tập và qua đêm ngoài trời trên dãy núi High Atlas. Tại làng Amizmiz gần tâm chấn, các nhân viên cứu hộ tìm kiếm trong đống đổ nát bằng tay không.

Trong khi đó, gần như mọi ngôi nhà ở khu vực Asni, cách TP Marrakesh khoảng 40 km về phía Nam, đều bị hư hại. Ngôi làng Tansghart ở Asni là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thiệt hại tương tự được ghi nhận ở TP Marrakesh, trong đó có nhiều ngôi nhà trong khu dân cư đông đúc.

WHO ước tính hơn 300.000 người ở TP Marrakesh và vùng ngoại ô đã bị ảnh hưởng bởi trận động đất. Nhiều gia đình có thể còn mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Hôm 9.9, Morocco tuyên bố quốc tang 3 ngày. Lực lượng vũ trang nước này triển khai các đội cứu hộ nhằm cung cấp nước uống, thực phẩm, lều và chăn cho các khu vực bị ảnh hưởng. Nhiều người đã xếp hàng hiến máu để cứu nạn nhân bị thương do động đất.

Thế giới hướng về Morocco

Một tuyên bố từ Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres nhấn mạnh, LHQ sẵn sàng hỗ trợ chính phủ Morocco bằng mọi cách. Bà Nathalie Fustier, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Morocco cho biết, thông tin hiện vẫn còn hạn chế vì tâm chấn nằm ở khu vực miền núi xa xôi, khó tiếp cận. Công việc ưu tiên hiện tại là tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nguồn máu và chăm sóc y tế, cũng như thực phẩm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 9.9 cho biết giới chức nước này đã liên hệ với Morocco và đề nghị giúp đỡ ngay sau khi thảm họa xảy ra.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cũng điện đàm với người đồng cấp Morocco, bày tỏ mong muốn hỗ trợ nhiều nhất có thể. Quân đội Israel đang chuẩn bị cung cấp viện trợ nhân đạo cho vùng thảm họa.

Pháp, Đức và cả Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia vừa trải qua thảm họa động đất lớn hồi đầu năm nay - cũng đề nghị hỗ trợ Morocco. Qatar đã đề nghị cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết cho khu vực bị ảnh hưởng. Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) cho biết lực lượng cứu hộ của cảnh sát Dubai đã được phái đến Morocco. Vua Abdullah II của Jordan cũng đưa ra lời đề nghị giúp đỡ.

Theo chỉ thị do Quốc vương Salman và Thái tử Mohammed bin Salman của Ảrập Xêút ban hành ngày 10.9, Trung tâm Cứu hộ và Cứu trợ Nhân đạo Quốc vương Salman (KSrelief) của nước này sẽ thiết lập cầu hàng không để vận chuyển hàng cứu trợ cho Morocco. Ngoài ra, một đội tìm kiếm và cứu hộ thuộc Tổng cục Phòng vệ Dân sự Ảrập Xêút và các đội khác từ Cơ quan Trăng lưỡi liềm đỏ Ảrập Xêút sẽ được cử đến tham gia các hoạt động cứu nạn và cứu trợ các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi động đất.

Đáng chú ý, Algeria đã đề nghị hỗ trợ nhân đạo và mở không phận cho các chuyến bay cứu trợ hoặc y tế đến và rời Morroco. Trước đó, Algeria đã đóng cửa không phận kể từ khi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Morroco vào năm 2021.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/tham-hoa-dong-dat-o-morocco-va-menh-lenh-nhan-dao-i342575/