Tây Ninh: Công bố tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tổng vốn 2.500 tỷ đồng

Tây Ninh sẽ khánh thành Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN, công bố 7 dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025 – 2030, tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng.

Ngày 14/5, UBND tỉnh Tây Ninh phối hợp Bộ NN&PTNT, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) cùng Tập đoàn Hùng Nhơn tổ chức buổi họp báo về kế hoạch tổ chức lễ công bố vùng an toàn dịch bệnh tỉnh Tây Ninh và chuỗi sự kiện Lễ khánh thành Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh, Lễ công bố 7 dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025 - 2030 và công bố Kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal.

Phát biểu tại họp báo, ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Tây Ninh là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có rất nhiều thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng.

Xác định xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật là yếu tố quan trọng trong triển khai thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi. Những năm gần đây, Tây Ninh đang tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng, từng bước cơ cấu lại vùng chăn nuôi, thay đổi hình thức nuôi từ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại; ứng dụng công nghệ mới nhằm hạn chế dịch bệnh.

Ông Trần Văn Chiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phát biểu tại buổi họp báo.

Ông Trần Văn Chiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phát biểu tại buổi họp báo.

“Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi, giết mổ theo hướng công nghệ cao”, ông Trần Văn Chiến nói.

Tây Ninh hiện có 81 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP, có một vùng thuộc huyện Dương Minh Châu và 6 cơ sở cấp xã thuộc huyện Gò Dầu an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà. Ngoài ta, Tây Ninh có 71 cơ sở chăn nuôi khác được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Trong chuỗi sự kiện này, tới đây huyện Tân Châu là địa phương thức 2 chính thức được Cục Thú y công nhận vùng an toàn dịch bệnh.

“Chăn nuôi an toàn sinh học và xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu là biện pháp phòng chống dịch bệnh từ sớm, từ xa để hướng tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn sinh học. Việc triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu là cơ hội tốt để tỉnh Tây Ninh nâng cao nhận thức, chủ động, có nhiều biện pháp phù hợp hơn để phòng chống dịch bệnh động vật, tiến tới xuất khẩu. Nhờ làm tốt xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, Tây Ninh đang là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư. Trong đó, liên doanh tập đoàn De Hues và Hùng Nhơn là minh chứng”, ông Trần Văn Chiến nhấn mạnh.

Dưới góc độ là doanh nghiệp, ông Vũ Mạnh Hùng , Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, Tây Ninh là địa phương ưu tiên trọng điểm trong chiến lược phát triển của tập đoàn. Để thể hiện quyết tâm và sự chuyên nghiệp của mình, ngày 19/5 tới đây liên doanh này tổ chức lễ khánh thành khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh.

“Song song đó, chúng tôi còn tổ chức lễ khởi công đồng loạt 7 dự án trọng điểm thuộc chuỗi tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh. Đây là tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh là dự án kỷ lục về thời gian mà Hùng Nhơn đã triển khai cho đến thời điểm hiện nay. Tổng mức đầu tư dự kiến cho chuỗi 8 dự án nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh giai đoạn 1 và 2 là 2.500 tỷ đồng, đưa Tây Ninh là địa phương dẫn đầu trong cơ cấu đầu tư của Hùng Nhơn”, ông Vũ Mạnh Hùng chia sẻ.

Việt Dũng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tay-ninh-cong-bo-to-hop-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-tong-von-2500-ty-dong-d215092.html