Tạo cơ sở pháp lý vững chắc để ngân hàng chuyển đổi số

Cho rằng, chính sách số hóa các hoạt động ngân hàng trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) còn mỏng, các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần luật hóa những quy định dưới luật đã được áp dụng ổn định, hiệu quả thời gian qua nhằm tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho các tổ chức tín dụng trong hoạt động chuyển đổi số, xây dựng ngân hàng số.

Làm rõ vướng mắc do pháp luật hay do tổ chức thực thi

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, chiều nay, 10.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Đa số đại biểu Quốc hội tán thành việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng để phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: như Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH ngày 5.11.2021 về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV; Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cho giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới…

Nhiều ý kiến cho rằng, với các nội dung sửa đổi, dự thảo Luật sẽ góp phần tăng cường phòng ngừa rủi ro, tăng cường năng lực tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng; xây dựng công cụ để quản lý các tổ chức tín dụng; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành tổ chức tín dụng…; bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) chỉ ra còn có những điều khoản, nội dung chưa phù hợp, chưa thống nhất với quy định của Hiến pháp và quy định của một số luật hiện hành có liên quan cả về thẩm quyền và nội dung. Bên cạnh đó, dự luật cũng còn những quy định chưa đầy đủ, cơ sở chưa rõ ràng, chưa hợp lý, chưa khả thi.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị, cần tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng tác động, phân tích nhận diện thực trạng hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng; tính bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung; công tác phòng ngừa rủi ro, kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, kiểm soát đặc biệt cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu... dưới cả góc độ thực thi và quy định pháp luật, qua đó, làm rõ các vướng mắc, bất cập là do quy định pháp luật hay do tổ chức thi hành pháp luật hay do cả hai. Trên cơ sở đó, tiếp tục rà soát, làm rõ phạm vi các quy định cần sửa đổi, bổ sung và nội dung của dự thảo Luật nhằm bảo đảm đầy đủ cả cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn phù hợp và khả thi. Đại biểu cũng đề nghị rà soát, đánh giá thật kỹ lưỡng toàn bộ nội dung dự thảo Luật với quy định tại các luật có liên quan để hoàn thiện, bảo đảm sự tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Chính sách số hóa hoạt động ngân hàng còn mỏng

Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm đến trong dự thảo Luật là chính sách số hóa các hoạt động ngân hàng. Theo ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An), các quy định về nội dung này còn tương đối mỏng, tập trung vào 4 điều khoản, gồm: Điều 15, Điều 96, Điều 97, Điều 132. Trong đó, đáng chú ý là nội dung của các điều khoản này chủ yếu dẫn chiếu đến quy định của các dự thảo Luật khác hoặc giao cho Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định chi tiết.

ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Nhấn mạnh ngân hàng là một trong những ngành đi đầu, có mức độ số hóa chuyên sâu, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị, cần rà soát, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước và luật hóa các quy định tại các văn bản dưới luật đã được thực hiện ổn định, hiệu quả nhằm tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho các tổ chức tín dụng đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt là phục vụ cho việc xây dựng ngân hàng số.

Ở khía cạnh khác, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho biết, dự thảo Luật chưa có nội dung cụ thể hóa quan điểm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại nhằm cung ứng dịch vụ ngân hàng cơ bản một cách thuận tiện, chi phí thấp với người dân không có tài khoản ngân hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, thực tế hiện nay ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, miền núi thì các ứng dụng dịch vụ ngân hàng rất kém phát triển.

ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị, dự thảo Luật cần quy định nội dung, cơ chế khuyến khích, ưu tiên, quy định trách nhiệm xã hội của các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng lớn để phát triển các dịch vụ ngân hàng, nhất là ngân hàng số nhằm giúp người dân tiếp cận công bằng, bình đẳng các dịch vụ ngân hàng.

Thành Trung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/tao-co-so-phap-ly-vung-chac-de-ngan-hang-chuyen-doi-so-i332085/