Tạo bệ phóng phát triển thiết chế văn hóa, thể thao

Trình bày báo cáo tại Hội thảo Văn hóa 2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Các công cụ chính sách, pháp luật sẽ khơi thông, huy động nguồn lực phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, cũng là yêu cầu tiên quyết tạo động lực phát triển văn hóa, thể thao.

Hệ thống pháp luật về thiết chế văn hóa, thể thao cơ bản được định hình

Liên quan đến thiết chế văn hóa, thể thao, gần đây nhất, ngày 18.1.2024, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tổ chức phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013-2023”. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo, lắng nghe các ý kiến và trực tiếp giải trình tại phiên họp.

Hội thảo Văn hóa 2024 với chủ đề Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao vừa là sự tiếp nối, vừa là lát cắt chuyên sâu, luận giải những vấn đề từ lý luận đến thực tiễn về chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày báo cáo tại Hội thảo Văn hóa 2024. Ảnh: Lâm Hiển

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày báo cáo tại Hội thảo Văn hóa 2024. Ảnh: Lâm Hiển

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tập trung làm rõ ba vấn đề: Thứ nhất, nhận thức, quan điểm về thiết chế văn hóa, thể thao; Thứ hai, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao từ góc độ chính sách và nguồn lực; Thứ ba, đề xuất một số giải pháp về chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao.

Về phát triển thiết chế văn hóa, thể thao từ góc độ chính sách và nguồn lực,những năm qua, hệ thống pháp luật về thiết chế văn hóa, thể thao không ngừng được hoàn thiện, từng bước thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cụ thể:

Hệ thống pháp luật về văn hóa, thể thao hiện có 274 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó lĩnh vực văn hóa 180 văn bản, lĩnh vực thể thao 94 văn bản), 10 năm qua, có55văn bản quy phạm pháp luật quy định trực tiếp, gián tiếp liên quan đến xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao được ban hành theo thẩm quyền, cho thấy cơ bản đã định hình được hệ thống pháp luật về thiết chế văn hóa, thể thao.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ Trung ương tới cơ sở từng bước được đầu tư củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, nội dung thiết thực, góp phần phát triển phong trào văn hóa, thể thao phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương; đồng thời, nâng cao thể lực, tầm vóc, đời sống tinh thần của nhân dân. Tính đến hết tháng 3.2024, cả nước có 66 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 689/705 quận huyện có trung tâm văn hóa, thể thao hoặc nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 97%; tỷ lệ này ở cấp xã là 77%, cấp thôn là 76%. Hệ thống công đoàn có 50 thiết chế văn hóa, thể thao. Các thiết chế do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quản lý có 56 Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi cấp tỉnh, 106 Nhà Thiếu nhi cấp huyện...

Công tác xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao chịu sự điều chỉnh của 2 nhóm, hệ thống pháp luật: pháp luật chuyên ngành và pháp luật liên quan trực tiếp. Về pháp luật chuyên ngành, cơ bản là các Thông tư, Nghị định, ít các Luật (mới có Luật Thể dục thể thao, Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa, Luật Thư viện). Các văn bản này, chủ yếu quy định chính sách có tính nguyên tắc ưu đãi, cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất, hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao. Về pháp luật liên quan tác động trực tiếp, chủ yếu là các Luật (gần 20 Luật). Các văn bản này, chủ yếu quy định chính sách về đối tượng, đầu tư, xây dựng, quản lý.

Tuy nhiên, nội hàm của các văn bản này cơ bản không có yếu tố đặc thù của thiết chế văn hóa, thể thao. Đơn cử, theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công có loại tài sản kết cấu hạ tầng văn hóa, thể thao, tài sản chuyên dùng…, tuy nhiên chưa có quy định chi tiết về tài sản kết cấu hạ tầng văn hóa, hạ tầng thể thao.

Để gỡ vướng, tháo điểm nghẽn, nút thắt, tạo nguồn lực phát triển bằng chính sách, khai thác, phát huy có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cần bắt đầu từ thể chế, chính sách, không chỉ bằng pháp luật chuyên ngành mà cả từ các văn bản pháp luật liên quan.

Thời gian qua, đồng thời với tăng cường xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành trong đó có quy định về thiết chế văn hóa, thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tập trung rà soát, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số pháp luật liên quan tác động trực tiếp đến xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao, như: Luật PPP, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp…

4 giải pháp chính sách

Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất một số giải pháp về chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao.

Một, chính sách về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng (chính sách hạ tầng). Hiện tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để triển khai sớm, hiệu quả Quy hoạch này.

Đề nghị các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tích hợp quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao trong công tác lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch của tỉnh, bố trí quỹ đất cho các thiết chế này ở các vị trí phù hợp; ưu tiên quỹ đất phát triển thể chế ở khu dân cư, khu đô thị, khu chung cư...

Quốc hội, Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm tới lĩnh vực văn hóa trong quá trình rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách về thuế, tín dụng, đất đai, cơ chế tài chính, cơ chế khuyến khích sáng tạo trong các luật chuyên ngành để tạo điều kiện huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển văn hóa.

Toàn cảnh Hội thảo Văn hóa năm 2024. Ảnh: Lâm Hiển

Toàn cảnh Hội thảo Văn hóa năm 2024. Ảnh: Lâm Hiển

Hai, chính sách về quản lý, khai thác, hoạt động (chính sách chuyên ngành và liên quan). Cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về ưu đãi hưởng thụ văn hóa, môi trường văn hóa, thúc đẩy, hỗ trợ sáng tạo văn hóa nghệ thuật, phát triển thể thao, tạo căn cứ pháp lý; chính sách chuyên môn để định hướng quản lý, khai thác, hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao; chính sách hỗ trợ, tham gia của cộng đồng dân cư trong khai thác, hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở phù hợp với điều kiện thực tiễn các địa phương.

Đề xuất xây dựng chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công đối với tài sản kết cấu hạ tầng văn hóa, thể thao mang tính đặc thù; sửa đổi, bổ sung pháp luật về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, hoàn thiện quy định về dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước bảo đảm đồng bộ, phù hợp với thực tiễn.

Xây dựng, lựa chọn và phổ biến các mô hình tổ chức hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao hiệu quả, phù hợp với vùng miền, địa phương, dân tộc, đối tượng.

Ba, chính sách về huy động các nguồn lực, đề nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Bổ sung lĩnh vực văn hóa vào nhóm ngành nghề ưu đãi đầu tư, vào nhóm lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP khi sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật PPP. Bổ sung các khoản chi tài trợ cho văn hóa, thể thao được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế khi sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Bổ sung chính sách, quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nhằm phát huy, sử dụng có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, tài sản đặc thù của văn hóa.

Đối với các địa phương, đề nghị xác định rõ tiêu chí những dự án về thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp với Quy hoạch mà Nhà nước ưu tiên đầu tư để bố trí kinh phí, tránh đầu tư dàn trải. Phân loại chi tiết các loại dự án thiết chế văn hóa, thể thao có khả năng thu hút được nguồn lực xã hội. Bố trí đủ ngân sách để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao, hỗ trợ kinh phí hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.

Bốn, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Cần tiếp tục hoàn thiện quy định về các ngành, nghề đào tạo chuyên sâu, đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Nghiên cứu sửa đổi chính sách đãi ngộ, bồi dưỡng đối với cán bộ, viên chức, người lao động làm việc tại các thiết chế văn hóa, thể thao; chế độ ưu đãi trong đào tạo, bồi dưỡng hạt nhân năng khiếu về văn hóa, thể thao; phát huy vai trò của địa phương, cơ sở trong tạo nguồn nhân lực quản lý, vận hành, phát huy hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao.

Bằng các công cụ chính sách pháp luật sẽ khơi thông, huy động nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao là kinh nghiệm của nhiều nước phát triển đã tiến hành, cũng là yêu cầu tiên quyết tạo động lực phát triển văn hóa, thể thao.

Thái Minh lược ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/tao-be-phong-phat-trien-thiet-che-van-hoa-the-thao-i371483/