Tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 12% là hợp lý?
Các chuyên gia cho rằng tín dụng từ đầu năm đến nay tăng trưởng với tốc độ như vừa qua là bình thường, đúng chu kỳ. Dự báo 2 tháng cuối năm, tín dụng có thể tăng 2%/tháng do yếu tố mùa vụ, song tăng trưởng tín dụng cả năm cũng chỉ đạt khoảng 12%.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 31/10, tín dụng nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022, còn cách rất xa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 là 14%. Như vậy, nếu muốn đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm 2023, ngành ngân hàng cần phải bơm ra thị trường ít nhất 80.000 tỷ đồng nữa mới đưa tăng trưởng tín dụng lên 14%.
Nhiều ý kiến cho rằng tín dụng năm nay tăng trưởng chậm, song PGS.TS. Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TP.HCM không tán thành. Ông phân tích, nếu GDP chỉ tăng 4,7-5% thì tín dụng chỉ tăng trưởng 11-12% là hợp lý. Dự báo 2 tháng cuối năm, tín dụng có thể tăng 2%/tháng do yếu tố mùa vụ.
“Tóm lại, tín dụng từ đầu năm đến nay tăng trưởng với tốc độ như vừa qua là bình thường, đúng chu kỳ. Chỉ có điều, chúng ta tính đến điều xấu nhất để đưa ra giải pháp tốt nhất. GDP chỉ tăng 4,7% thì phải tính lại tăng trưởng tín dụng, chỉ 11-12% là phù hợp, không nên nhắc tới mục tiêu tăng 14-15%”, ông Trung khuyến nghị.
Đồng tình, TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng thực chất Việt Nam đang dùng đòn bẩy tài chính quá cao (tín dụng/GDP lên tới 130%). Trong tương lai, khi thị trường vốn phát triển thì tín dụng chỉ nên tăng ở mức 10%/năm, không nên ở mức 13-15% như hiện nay.
Nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận, hiện lãi suất không phải là vấn đề cốt yếu khiến tăng trưởng tín dụng thấp mà là do rủi ro từ môi trường kinh doanh và những yếu tố khác ảnh hưởng đến việc đưa ra các quyết sách đầu tư cũng như mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN), cản trở lớn nhất đối với tăng trưởng tín dụng hiện nay là tổng cầu yếu, doanh nghiệp khó tìm được đầu ra. Tiêu dùng trong nước cũng chưa thể đạt được như kỳ vọng do tâm lý thắt chặt hầu bao của người dân trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Chi tiêu đầu tư công dù đã cải thiện rất nhiều so với những năm trước nhưng vẫn ở mức thấp.
“Muốn đẩy mạnh tín dụng thì phải kích cầu, dòng tiền phải lưu thông, còn không sẽ tạo ra vòng luẩn quẩn. Thanh khoản dôi dư của các ngân hàng thương mại không chảy ra được nền kinh tế thì sẽ quay trở lại mua trái phiếu Chính phủ, mua tín phiếu Kho bạc Nhà nước rồi quay trở về NHNN, làm cho nền kinh tế lúc nào cũng thiếu tiền”, ông Hòe nói.
Theo chuyên gia này, tín dụng thường bứt tốc trong những tháng cuối năm, khi cận kề Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán do tiêu dùng tăng mạnh dẫn đến nhu cầu vốn lớn của các doanh nghiệp để tích trữ nguyên liệu đầu vào đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, với tình hình chung của kinh tế thế giới hiện nay và dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam khoảng 5%, tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ bị hạn chế hơn.
“Tín dụng nền kinh tế chắc chắn sẽ tăng mạnh trong 2 tháng cuối năm, nhưng quan điểm của tôi là sẽ không thể đạt chỉ tiêu 14% cho năm 2023, mà chỉ trên 10% một chút”, ông Hòe chia sẻ.
Nhiều chuyên gia đánh giá, tăng trưởng tín dụng sẽ chỉ đạt khoảng hơn 12% trong năm 2023 do lĩnh vực kinh doanh bất động sản và cho vay tiêu dùng bất động sản - cho vay mua nhà (mảng chiếm tỷ trọng 70% của ngân hàng) giảm mạnh do thị trường gặp nhiều biến động khó khăn. Đồng thời, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc, sản xuất gặp khó khăn.
Công ty Chứng khoán BSC dự báo triển vọng nền kinh tế dần trở nên khả quan hơn về cuối năm và tiếp tục duy trì dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 đạt khoảng 12%.