Tăng trưởng GDP 8-9% không có ý nghĩa nếu không phát triển xanh, bền vững

Theo ước tính của các chuyên gia, nếu không bảo vệ môi trường thì cái giá phải trả cho môi trường bị hủy hoại và ô nhiễm là khoảng 6-7% GDP, nếu tính cả chi phí y tế để chữa bệnh cho người dân lên tới 8-10% GDP… Với con số này, tăng trưởng GDP 8 - 9% cũng chưa làm cho nền kinh tế phát triển được, nếu không tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững.

Sáng 24/9, Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ KH&ĐT) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững: Kết nối tầm nhìn quốc gia với hành động của địa phương và doanh nghiệp”. Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 55 năm ngày Tạp chí Kinh tế và Dự báo phát hành số đầu tiên (tháng 10/1967).

Hội thảo khoa học Quốc gia về tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững.

Theo bà Nguyễn Lệ Thủy, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID -19. Việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh, thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh tạo cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

TS. Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ KH&ĐT), cho biết Chiến lược tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính và hành động khí hậu thông qua hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh, đồng thời tiếp tục được khẳng định bằng cam kết mạnh mẽ về “phát thải ròng bằng “0” (PTR0)” của Việt Nam. Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc cụ thể hóa Chiến lược tăng trưởng xanh và làm tiền đề cho Lộ trình PTR0, đồng thời hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững SDGs.

Ông Việt Anh cũng chỉ rõ, mặc dù đang tồn tại một số rào cản nhất định, tiềm năng thu hút dòng vốn cho tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững cho Việt Nam là rất lớn. “Do đó, Bộ KH&ĐT, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ, sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất những giải pháp tổng thể bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia và cam kết toàn cầu, phù hợp với bối cảnh quốc tế và trong nước để khơi thông các nguồn lực cho tăng trưởng xanh trong thời gian tới”, ông Việt Anh nhấn mạnh.

Theo ước tính của các chuyên gia, nếu không bảo vệ môi trường thì cái giá phải trả cho môi trường bị hủy hoại và ô nhiễm là khoảng 6-7% GDP. Nếu tính cả chi phí y tế để chữa bệnh cho người dân, thì tổng chi phí này đã mất 8-10% GDP. Cộng với cái giá phải trả cho văn hóa - xã hội xuống cấp khoảng 5-6% GDP...

PGS. TS. Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng với con số này thì tăng trưởng kinh tế 8-9% chưa làm cho nền kinh tế phát triển được mà thực tế là kết quả âm. Đây là một thách thức không nhỏ, nếu không phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường.

Chia sẻ về vấn đề thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số để tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) chỉ rõ, vẫn còn những rào cản ảnh hưởng không nhỏ đến thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, như: Chi tiêu cho nghiên cứu khoa học của Việt Nam còn thấp và chưa thực chất. Chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong tương quan của Việt Nam năm 2018 chỉ bằng 0,4% GDP so với con số 3,3% GDP của Nhật Bản, 2,2% GDP của Singapore, 2,1% GDP của Trung Quốc. Tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số của Việt Nam chỉ chiếm 22% so với 34% của Indonesia, 62% của Thái Lan…

Trong khi đó, hành lang chính sách, pháp luật của Nhà nước về Chính phủ điện tử, các giao dịch, thủ tục hành chính trên nền tảng số vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, đây cũng là các thách thức, hạn chế cho doanh nghiệp khi xác định chiến lược, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số (tiêu chuẩn công nghệ, giao dịch thương mại điện tử, chứng thực số, thuế, hải quan...).

Theo đó, bà Thủy cho biết, năm 2022, ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng và các địa phương cũng dành hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh và tuần hoàn. Bà nhấn mạnh rằng, đây là những tiền đề và nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của mình đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tang-truong-gdp-8-9-khong-co-y-nghia-neu-khong-phat-trien-xanh-ben-vung-1088130.html