Tăng năng suất lao động để giảm giờ làm

Việc giảm giờ làm chỉ thực sự phù hợp khi năng suất lao động được cải thiện, doanh nghiệp mới có thể bảo đảm chế độ lương thưởng cho người lao động. Khi đó, giảm giờ làm sẽ giúp người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức khỏe, nâng cao trình độ, tạo giá trị cạnh tranh cho nền kinh tế bằng chất lượng nguồn nhân lực.

Công nhân may Công ty may TDT (Khu công nghiệp Phú Bình, Thái Nguyên). Ảnh: Anh Dũng.

Công nhân may Công ty may TDT (Khu công nghiệp Phú Bình, Thái Nguyên). Ảnh: Anh Dũng.

Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã có kiến nghị với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) nghiên cứu, xem xét giảm giờ làm việc xuống dưới 48 giờ/tuần.

Thu nhập của công nhân thấp, chưa thể giảm giờ làm thêm

Về lý do, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, Bộ luật Lao động 2019 quy định, thời giờ làm việc bình thường của người lao động (NLĐ) không quá 8 giờ trong một ngày và 48 giờ trong một tuần. Trong khi đó, theo khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam thuộc nhóm nước có thời giờ làm việc cao trong khu vực và trên thế giới. Chính vì vậy, việc kiến nghị giảm giờ làm việc là tạo điều kiện cho NLĐ được nghỉ ngơi, có thời gian chăm lo cho gia đình, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, phục hồi sức khỏe và cũng giảm được tai nạn lao động, căng thẳng tại nơi làm việc.

Theo bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), nếu so sánh với nhóm cán bộ, công chức, viên chức, thì công nhân lao động trực tiếp đang có thời gian làm việc hàng tuần nhiều hơn. Vì thế, nếu giảm giờ làm sẽ tạo điều kiện để NLĐ phục hồi sức khỏe, giảm tai nạn lao động, tăng hiệu quả làm việc. Đồng thời, cũng giúp NLĐ có thời gian dành cho gia đình, chăm sóc con cái và tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ... Qua đó, các hoạt động này góp phần đảm bảo an toàn cho NLĐ.

Có nên giảm giờ làm thêm không chỉ là vấn đề nhận được sự quan tâm của NLĐ mà bản thân các doanh nghiệp (DN) cũng rất quan tâm. Theo đó, đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có nhiều ý kiến trái chiều, nhất là từ phía NLĐ được trả lương theo sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân may Công ty cổ phần May Hồ Gươm (khu công nghiệp Thạch Thất, Hà Nội) cho biết: Là công nhân ngồi máy may 8 tiếng/ngày thực sự cũng rất mệt mỏi, không ai muốn làm thêm nhưng nếu không làm thêm thì không thể đủ sống, vì thế, chúng tôi ai cũng mong muốn được làm thêm.

“Những năm trước do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, công ty không có đơn hàng nên công nhân chúng tôi đi làm cầm chừng mỗi tháng thu nhập chỉ được vỏn vẹn từ 4 đến 5 triệu đồng. Mức thu nhập này chỉ đủ trả tiền thuê nhà và tiền gửi con. Thực sự rất khó khăn, cũng may hiện nay đơn hàng đều tăng nên chúng tôi được tăng ca. Mỗi tháng tổng thu nhập cũng được gần 10 triệu. Với mức này cuộc sống mới bớt khó khăn và có chút để dành phòng thân” - chị Hoa chia sẻ.

Mong muốn của chị Hoa cũng là nguyện vọng của rất nhiều NLĐ. “Khi tăng ca, thu nhập được tính bằng 150% bình thường. Điều này đồng nghĩa với nửa tiếng tăng ca mỗi ngày, mỗi tháng chúng tôi cũng có thêm gần 200.000 đồng. Số tiền tuy ít ỏi nhưng cũng đỡ đần được phần nào khoản sữa uống hàng ngày cho con cái của nữ công nhân” - chị Nguyễn Thị Thu, công nhân may Khu công nghiệp Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) cho biết.

Trước đề xuất giảm giờ làm thêm, nhiều đại diện DN cũng cho rằng, trong bối cảnh năng suất lao động còn thấp cần duy trì giờ làm việc chính thức như hiện tại, và việc nghỉ ngày thứ Bảy lúc này chưa hợp lý. Nếu giảm giờ làm sẽ khiến chi phí lao động tăng cao và ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của cả nền kinh tế.

Theo ông Phí Quang Đức - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May và Dịch vụ Hưng Long, hiện lao động tại đây đang làm việc 48 giờ/tuần và tuần làm 6 ngày theo quy định của Bộ luật Lao động. Nếu giảm giờ làm xuống còn 44 giờ/tuần thì đồng nghĩa thu nhập của NLĐ sẽ bị ảnh hưởng nhiều, khó đảm bảo cuộc sống. Còn với DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề nhân sự, phải tăng chi phí tuyển dụng thêm nguồn nhân lực.

Chỉ nên thực hiện ở một số ngành?

Đề xuất giảm giờ làm dưới 48 giờ/tuần không phải là mới, đây cũng là mục tiêu chung của lao động trên thế giới, nhất là người làm việc trực tiếp tại các nhà máy. Song, theo các chuyên gia, từ đề xuất đi vào thực tế thì phải chuẩn bị dần các điều kiện như cải thiện năng suất lao động, nâng mặt bằng tiền lương, thu nhập lao động.

Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong bối cảnh cả DN và NLĐ đều gặp khó khăn thì việc giảm giờ làm thêm là không phù hợp. NLĐ mong muốn được làm thêm phù hợp, chúng ta lại giảm giờ làm việc chính thống sẽ buộc NLĐ đi tìm việc ở ngoài để bù đắp cho chí phí sinh hoạt. Trong khi đó, DN thì không đủ nguồn nhân lực cho sản xuất trong lúc tăng ca để đáp ứng đơn hàng của đối tác.

Thực tế nhiều ý kiến cũng cho rằng, khi năng suất, hiệu quả lao động còn thấp, nếu Nhà nước giảm giờ làm việc xuống dưới 48 giờ/tuần sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của nền kinh tế và thu nhập của NLĐ. Vì thế, theo các chuyên gia, chỉ nên áp dụng giảm giờ làm ở một số ngành nghề đủ điều kiện. Và để tiến tới giảm giờ làm cho NLĐ bằng với các nước khác trên thế giới không còn cách nào khác phải cải thiện năng suất, tăng lương, tăng thu nhập, đảm bảo mức sống của NLĐ.

Thế nhưng ở Việt Nam, DN sản xuất chủ yếu là DN vừa và nhỏ, phát triển dựa vào lợi thế lao động giá rẻ, chưa chú trọng đến việc đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại nên năng suất lao động chưa cao. Trong khi đó chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn nhiều tồn tại, vì vậy, nếu giảm giờ làm ngay xuống 40 giờ mỗi tuần sẽ rất khó thực hiện, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng của nền kinh tế. Do vậy, thay vì giảm giờ làm từ 48 giờ xuống 40 giờ mỗi tuần, Nhà nước nên xây dựng chính sách giảm dần giờ làm xuống còn 44 giờ cho khối DN ở một số lĩnh vực phù hợp. Bên cạnh đó về lâu dài cần có các giải pháp đồng bộ để cải thiện, nâng cao năng suất lao động.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV May mặc Việt-Pacific Nguyễn Tràng Huy cũng cho rằng với nhóm đối tượng không liên quan đến sản xuất thì có thể giảm giờ làm việc. Riêng nhóm liên quan đến trực tiếp sản xuất thì không thể giảm giờ làm, vì hiện nay chúng ta đang cạnh tranh về hàng hóa, công việc rất gay gắt. Nếu giảm thời gian làm việc, tăng thu nhập cho NLĐ, đó chỉ là cơ học; thực tế không đáp ứng được đơn hàng của đối tác sẽ dẫn đến NLĐ bị mất việc nhiều.

Về vấn đề này, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội, Bộ LĐTBXH Nguyễn Hữu Dũng cũng đưa ra quan điểm: Nước ta chưa đủ điều kiện như các quốc gia trên thế giới để giảm giờ làm xuống 44 giờ/tuần hay 40 giờ/tuần. Trường hợp, nếu cứ thực hiện giảm giờ làm việc thì có nghĩa là khối lượng sản phẩm, năng suất lao động phải dựa vào sức lao động của con người. Và khi khối lượng sản phẩm lại giảm nữa thì năng suất lao động lại càng thấp, khiến cho kinh tế chậm phát triển. Như vậy, các DN không có tiềm năng để giảm giờ làm và tăng tiền lương.

Cũng theo ông Dũng, thực hiện giảm giờ làm việc là để NLĐ có thêm thời gian nghỉ ngơi, chăm lo cho gia đình, đi du lịch. Việc giảm giờ làm chỉ nên được thực hiện khi nền kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc, NLĐ có mức thu nhập trung bình cao.

“Theo tôi, thời điểm hiện nay thực hiện đại trà việc giảm giờ làm việc xuống dưới 8 tiếng/ngày là chưa phù hợp. Nhưng có thể giảm giờ làm việc trong một số lĩnh vực, ngành nghề. Vì thế, Nhà nước nên đưa ra những quy định, tiêu chí, lĩnh vực, ngành nghề, khu vực giảm giờ làm việc để DN đáp ứng đủ điều kiện thì thực hiện" - ông Dũng đề xuất.

Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng quan trọng là việc làm gắn với năng suất, vì khi năng suất đạt cao thì mới có điều kiện giảm giờ làm. Hiện nay mặt bằng tiền lương, tiền công ở nước ta cơ bản được DN trả theo thời gian làm việc. Do năng suất lao động chưa thực sự cao, mặt bằng thu nhập thấp nên DN vẫn phải kéo dài thời gian làm việc. Với thực trạng này, nếu giảm giờ làm nữa thì thu nhập của NLĐ sẽ giảm theo, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của NLĐ. Hơn nữa trong bối cảnh khó khăn của các DN hiện nay, nếu giảm thời giờ làm việc đồng nghĩa với DN phải tuyển thêm lao động, từ đó cũng tăng thêm chi phí, tác động trở lại là người lao động có thể bị giảm thu nhập.

“Do đó, trong tình hình hiện nay, chúng ta chưa nên giảm giờ làm việc xuống dưới 48 giờ/tuần. Để giảm giờ làm phải chuẩn bị dần các điều kiện như cải thiện năng suất lao động, nâng mặt bằng tiền lương, thu nhập lao động” - ông Huân nói và cho rằng cần chờ đến khi kinh tế ổn định, khoảng sau năm 2030 mới có thể tính tới chính sách giảm giờ làm.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tang-nang-suat-lao-dong-de-giam-gio-lam-10280779.html