Tâm lý thị trường biến động, giá quặng sắt giảm trở lại
Chốt phiên giao dịch ngày 12/10, giá quặng sắt đã giảm trở lại khi tâm lý thị trường thay đổi, tập trung vào các động thái của Trung Quốc trong việc kiểm soát sản xuất thép. Ngành sản xuất thép tại nước này đang vừa đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng vừa chịu các biện pháp kiểm soát ô nhiễm nghiêm ngặt.
Hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh) cho biết trong ngày 12/10, giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt được nhập khẩu tại khu vực phía Bắc Trung Quốc đã giảm 4,6% so với phiên giao dịch ngày 11/10, xuống còn 129 USD/tấn. Mức giá này thường được xem là giá tham khảo chuẩn cho các giao dịch quặng sắt trên thị trường giao ngay tại Trung Quốc.
Trong khi đó, giá quặng sắt giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE, Trung Quốc) giảm nhẹ 0,2% xuống mức 769,50 Nhân dân tệ/tấn (119,26 USD/tấn). Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá quặng sắt bật tăng mạnh tới 4,3%.
Giá quặng sắt chịu áp lực giảm trở lại khi giới đầu tư tập trung quan sát các động thái của Chính phủ Trung Quốc về việc kiểm soát hoạt động sản xuất thép. Ngành thép Trung Quốc hiện đối mặt nhiều thách thức lớn khi nước này đang rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây; đồng thời, chính phủ nước này siết chặt nhiều biện pháp để giảm lượng phát thải khí nhà kính từ sản xuất thép.
Tính chung 3 tuần gần đây, giá quặng sắt trên sàn DCE đã tăng 50% khi giới đầu tư kỳ vọng các nhà máy sản xuất thép theo công nghệ lò cao tại Trung Quốc sẽ tăng sản lượng trở lại nhằm lấp chỗ trống từ sự sụt giảm sản lượng của các nhà máy sản xuất thép với công nghệ lò hồ quang điện. Nhiều nhà máy sản xuất thép sử dụng công nghệ lò hồ quang điện với nguyên liệu đầu vào là thép phế liệu tại Trung Quốc đã phải giảm đáng kể công suất hoặc ngưng hoạt động do tình trạng thiếu điện diện rộng.
Tuy nhiên, chiến lược gia thị trường hàng hóa cấp cao Daniel Hynes thuộc tập đoàn ngân hàng ANZ (Australia), nhận định mức sản lượng thép của Trung Quốc năm nay nhiều khả năng sẽ ngang bằng mức năm 2020 như mục tiêu do Chính phủ Trung Quốc đề ra. Ông Daniel Hynes nhận định sản lượng thép quý 4/2021 của Trung Quốc sẽ giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái dưới tác động của cuộc khủng hoảng điện năng và các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính.
Dữ liệu cho thấy tổng sản lượng thép thô của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay đã tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp việc chính phủ nước này siết chặt quản lý sản xuất thép từ hồi đầu tháng 7.
Trong khi đó, ông Vivek Dhar, chuyên gia phân tích thị trường hàng hóa thuộc tập đoàn ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, cho biết một số trung tâm sản xuất thép lớn của Trung Quốc như Đường Sơn, Giang Tô, Chiết Giang và An Huy đang tăng cường hoạt động trở lại và sản lượng có thể tăng lên trong tháng 11 tới đây.
Các biện pháp siết chặt hoạt động sản xuất thép để giảm ô nhiễm không khí có thể được Chính phủ Trung Quốc áp đặt cho đến hết Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 diễn ra trong tháng 2/2022.