Tái tạo loại cá niên là đặc sản Quảng Nam tại Khu dự trữ thiên nhiên ở Quảng Bình
Hoạt động thả tái tạo cá giống đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực khôi phục nguồn lợi cá niên tại Quảng Bình và duy trì sự đa dạng sinh học.
Vừa qua, tại Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - khe Nước Trong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Trường đại học Quảng Bình đã thả tái tạo 13.000 con cá niên giống về môi trường tự nhiên. Đây là hoạt động trong nhiệm vụ khoa học và công nghệ: “Nghiên cứu đặc điểm sinh học và thử nghiệm sản xuất giống cá niên (Onychostoma gerlachi Peters, 1881) tại tỉnh Quảng Bình”.
Cá niên hay còn có tên gọi khác là cá mát sinh sống nhiều ở khu vực khe suối ở xã Trường Sơn, Trường Xuân của huyện Quảng Ninh, xã Kim Thủy, Ngân Thủy của huyện Lệ Thủy. Đây là loài thủy sản quý có giá trị kinh tế và môi trường cao nhưng đang suy giảm nghiêm trọng tại Quảng Bình.
Nhiệm vụ nghiên cứu do Trường đại học Quảng Bình chủ trì nhằm xác định đặc điểm sinh học, sinh thái của loài cá này, đồng thời xây dựng quy trình sản xuất giống để bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản địa phương.
Trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đã triển khai 3 tuyến điều tra, thu thập 180 mẫu cá, tiến hành phân tích nguồn gen và xác định chính xác tên khoa học của cá niên. Đặc biệt, nhiệm vụ thu gom và nuôi vỗ thành công 600 cá thể bố mẹ, với tỷ lệ sống đạt 76% và thực hiện sinh sản nhân tạo qua 3 đợt. Kết quả thu được 60.000 cá bột đạt chất lượng, trong đó 5% được thả về tự nhiên, tương đương 13.000 cá giống.
Ông Bạch Thanh Hải - Giám đốc Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - khe Nước Trong tỉnh Quảng Bình cho hay: “Hoạt động thả tái tạo cá giống đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực khôi phục nguồn lợi cá niên tại Quảng Bình, góp phần bảo vệ nguồn gen quý giá và duy trì sự đa dạng sinh học tại Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - khe Nước Trong”.
Tại tỉnh Quảng Nam, cá niên được xem là đặc sản ở các huyện miền núi Quảng Nam như: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Phước Sơn. Mùa cá thịnh nhất vào 6 tháng khô, cách đánh cũng khá đơn giản, thường thì thả lỏng câu, giăng lưới. Người dân Quảng Nam rất tự hào khi có khách phương xa đến chơi và họ giới thiệu về đặc sản cá niên nơi đây.
Cá niên có thân hình mảnh mai với thân màu trắng bạc, lưng có màu xanh nhạt. Khi trưởng thành cá niên có thể nặng từ 2-3 kg. Thức ăn chủ yếu của loài cá này là rong rêu bám vào các khe đá. Đến mùa sinh nở, cá niên cái sẽ vượt qua những vùng nước xoáy, thác ghềnh rồi chọn những tảng đá gồ ghề để đẻ trứng. Cá con nở ra và chảy theo dòng nước và quay trở lại thác ghềnh, cùng sinh sống với bố mẹ.