Sướng miệng nhưng coi chừng hại thân!
Xiên que chiên, hột gà, chân gà và nội tạng động vật nướng, bánh tráng trộn, xi-rô, cà phê, trà sữa... mù mờ nguồn gốc được bày bán nhan nhản trên vỉa hè, lòng lề đường đang trở thành món khoái khẩu của nhiều người, nhất là các bạn trẻ. Tuy nhiên, đi đôi với giá cả rẻ bèo, chất lượng của những loại đồ ăn, thức uống đường phố này cũng thuộc dạng 'hên xui'. Bên cạnh đó, việc chế biến không bảo đảm vệ sinh (VS) khả năng dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) cao.
Nhan nhản "xiên bẩn" trên phố
Là khu vui chơi giải trí kết hợp ẩm thực lớn nhất Quận 12, Chợ đêm An Sương thu hút hàng chục tiệm kinh doanh buôn bán đồ ăn, thức uống. Bên cạnh một số gian hàng thoáng đãng, có không ít gánh rong, xe đẩy chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Ghé vào chiếc xe đẩy bán đồ ăn vặt trước cổng chợ đêm này, chúng tôi thấy người bán xếp hàng chục xiên tôm, cá viên chiên, trứng cút, đậu hủ, xúc xích... vào chiếc tủ ốp kính 3 mặt, còn lại để toang hoác, mặc kệ khói xe, bụi bặm bám vào thức ăn. Ngoài xiên que, người bán còn để hộp xốp, chai sa tế, bịch cải chua, tương ớt, nước chấm, dầu mỡ, bếp ga, xoong chảo... lẫn vào nhau. Do đồ ăn không được che đậy kỹ, lại để lẫn lộn với dụng cụ nấu nướng nên nhiều người gọi đây là "xiên bẩn". Khi có khách mua, người bán bỏ từng xiên thức ăn vào chảo dầu đã chuyển màu nâu đen do chiên nhiều lần đảo qua đảo lại liên tục. Trong lúc nấu nướng, gắp thức ăn, người bán không hề mang bao tay, tạp dề, mà chỉ dùng tay trần thực hiện mọi công đoạn.
Từ chiều trở đi, khu vực trước cổng Công viên Văn hóa Gò Vấp (Q.Gò Vấp) nhộn nhịp hẳn lên bởi 4 - 5 chiếc xe đẩy chuyên bán xiên que, xúc xích nướng, bánh tráng trộn, trà sữa... thu hút nhiều người mua. Ghé vào chiếc xe đẩy bán đồ ăn vặt tại đây, chúng tôi thấy người bán nhét hàng chục xiên thức ăn vào cái tủ kính cũ kỹ, bên trong có chiếc bếp ga cáu bẩn và nhiều bình ga mini rỉ sét, trên bếp là chiếc thau nhôm móp đựng dầu ăn đã chuyển qua màu nâu sậm. Cạnh đó, người bán bỏ các can dầu ăn, tương đen, tương đỏ, sa tế la liệt trên nền đất cáu bẩn, có can không đậy nắp mặc kệ khói xe, bụi bặm bay vào. Bỏ qua các tiêu chí VSATTP, nhiều học sinh, sinh viên (SV) hồn nhiên tấp vào mua từng hộp xiên que rồi háo hức ngồi ăn ngấu nghiến.
Sinh viên Lê Hoàng Th. cho biết: "Sau giờ học, bọn em thường ra đây tìm "xiên bẩn", xúc xích và một số món ăn vặt khác. Biết rằng chế biến không được vệ sinh, nhưng những món này khá ngon lại tiện nên cũng đành nhắm mắt cho qua".
Được xem là "thiên đường ăn vặt" của giới SV, Làng Đại học Thủ Đức (địa bàn giáp ranh giữa TP.Thủ Đức, TPHCM và TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) có hàng chục hàng rong, xe đẩy, quán vỉa hè chuyên bán đồ ăn, thức uống. Bên cạnh một số quán xá bảo đảm VS, có không ít hàng rong, xe đẩy buôn bán khá nhộm nhoạm, chất lượng đồ ăn, thức uống cũng thuộc dạng... "hên xui"! Ghé vào điểm bán xiên que, đồ nướng bên lề đường, chúng tôi thấy có hàng trăm xiên thức ăn đựng trong tủ kính, bên cạnh là hàng chục hột gà nướng để trên chiếc bếp ngả màu đen sì, dầu mỡ nhớt nhầy, dưới chân bếp là những chiếc gắp thức ăn và từng chồng bát đĩa bày la liệt. Nhìn sang khu vực đồ nướng, chúng tôi không khỏi cảm thấy e ngại khi cả gian hàng không hề được che đậy; nhiều xiên nội tạng động vật như: lòng, mề, tim, cật... đã chuyển màu tím tái, hải sản tái bợt như thể bị ngâm hóa chất đã lâu. Nhân viên, chủ quán không đeo tạp dề, bao tay vẫn thản nhiên chế biến, bưng bê thức ăn cho khách. Chúng tôi gọi vài xiên nướng ăn thử thì thấy nội tạng động vật có mùi khá nặng; tôm, mực ươn hoặc không còn vị đặc trưng của hải sản, điều đáng lo là tuy chất lượng món ăn "chỉ có trời mới biết" nhưng lại có rất nhiều bạn trẻ ghé vào thưởng thức.
Khu vực trước cổng Đại học Ngân hàng TPHCM khoảng 4 giờ chiều trở đi cũng có 3 - 4 xe đẩy chuyên bán bắp xào, hột gà nướng, xiên que, nem nướng... Hàng chục xiên thức ăn được nhét đầy cái tủ kính cũ kỹ đặt trên chiếc xe đẩy cà tàng, xung quanh treo lủng lẳng hộp xốp, túi nylon, tương ớt, dưa chua... Tuy là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nhưng hầu hết người bán không mang tạp dề, găng tay. Bất chấp việc đồ ăn, thức uống không bảo đảm VS, nhiều người, nhất là các bạn trẻ, vẫn ghé vào mua rồi xếp ghế ngồi ăn uống ngon lành ngay trên vỉa hè, mặc kệ khói xe, bụi bặm, người đi đường qua lại...
Đường Hồ Thị Tư (TP.Thủ Đức) cũng có hàng chục cửa hàng, ki-ốt, gánh rong, xe đẩy chuyên bán đồ ăn vặt như: lòng, mề, chân gà, hột gà nướng, xiên que, trà sữa... Tương tự, Công viên Gia Định (Q.Phú Nhuận), Chợ đêm Hồ Thị Kỷ (Quận 10)... và nhiều khu chợ đêm khác cũng bán nhan nhản các loại thức ăn vặt này. Nhiều loại không rõ nguồn gốc được tẩm ướp đủ loại gia vị, ngập ngụa trong dầu mỡ nhưng vẫn thu hút không ít người mua.
Coi chừng hại thân
Bất chấp các tiêu chí về bảo đảm VSATTP, nhiều hàng rong, xe đẩy xung quanh một số bệnh viện (BV) cũng có kiểu buôn bán, chế biến thực phẩm khiến người xem ớn lạnh.
Có mặt trước cổng BV Đại học Y dược TPHCM ở Quận 5, chúng tôi không khỏi ám ảnh khi chứng kiến đôi vợ chồng lớn tuổi đẩy chiếc xe bán bánh mì, chả cuốn với la liệt đồ ăn, thức uống, rau, nước chấm, chén dĩa, đũa muỗng, hộp xốp... trên chiếc xe cà tàng. Chưa hết, xung quanh xe còn treo lủng lẳng xô chậu, xoong chảo, bao bì, ghế ngồi... Chiếc bếp nấu và mấy cái vỉ nướng cũ mèm, có cái còn bám muội than đen kịt vẫn được họ bỏ đồ ăn lên chế biến và chỉ dùng vỏn vẹn xô nước nhỏ để rửa. Người đàn ông chỉ sử dụng 1 chiếc khăn cáu bẩn để lau chùi các vật dụng và đủ thứ hầm bà lằng khác. Thi thoảng ông này lại "tiện tay" mang chiếc khăn đi lau xe và tủ kính, trước khi tiếp tục lấm lét chuyển sang lau xoong nồi, chén dĩa, đũa muỗng...
Cách đó vài bước chân, chiếc xe đẩy bán cơm vỉa hè "chiếm sóng" nhà chờ xe buýt cũng có kiểu buôn bán, chế biến hãi hùng tương tự. Người bán tống các loại bì, chả, trứng chiên, mỡ hành, sa tế, hộp xốp, chén dĩa vào chiếc tủ kính ọp ẹp đặt trên chiếc xe đẩy cà tàng. Dưới gầm xe, họ nhét thêm mớ bát dĩa, hộp xốp, túi nylon xen lẫn với đồ chua, dưa leo, cà... rất mất VS. Không những vậy, người bán còn vô tư mang hàng chục miếng sườn đã tẩm ướp ngồi nướng ngay gốc cây, bất chấp khói xe, bụi bặm mặc sức phả vào. Trông mất VS là vậy nhưng có rất nhiều người xúm lại mua rồi ngồi bệt ngay trên vỉa hè ăn ngon lành.
Mới đây, cộng đồng mạng không khỏi "dậy sóng" khi một cơ sở làm bánh tráng trộn ở Long An để cả "núi" bánh tráng trộn trên nền đất. Nhân viên của cơ sở này mang dép giẫm lên từng xấp bánh, sau đó dùng chiếc chổi dừa quét gom số vương vãi ra ngoài. Một vị khách hỏi: "Bánh tráng để dơ vậy làm sao ăn được?", nam nhân viên đang quét cho biết: "Ăn được hay không làm sao em biết! Bánh tráng để vậy rồi làm luôn, không qua khâu chế biến, xử lý nào hết". Tương tự, tại một cơ sở kinh doanh đồ ăn vặt khác, nhân viên nhúng hàng chục xiên thịt vào chiếc xô đựng thứ nước sốt đen ngòm, sau đó mang lên nướng rồi bán cho khách.
Là mặt hàng được buôn bán phổ biến tại chợ đêm, đường phố, nhiều bịch xiên que, chân gà nướng, hải sản, nội tạng động vật hầu hết mù mờ về nguồn gốc, quy trình chế biến không bảo đảm VS nên dễ xảy ra NĐTP. Số liệu từ Cục An toàn thực phẩm (ATTP) cho thấy, có tới 70% - 80% thức ăn đường phố bị nhiễm khuẩn như E.coli - loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột... Các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng... còn tồn dư trong một số loại thực phẩm sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, tích tụ lại gây bệnh ung thư.
Bộ Y tế cho biết, 6 tháng đầu năm 2024 cả nước xảy ra 36 vụ NĐTP làm 2.138 người mắc và 6 trường hợp tử vong; so với cùng kỳ năm 2023 giảm 4 vụ (10%) nhưng tăng 1.432 người (tăng hơn 202%), số tử vong giảm 5 người (45,5%).
Qua phân tích cho thấy NĐTP tại bếp ăn, gia đình, tiệc cưới, đám giỗ, liên hoan giảm cả về số vụ, số ca mắc nhưng có xu hướng tăng tại quán ăn, nhà hàng, khách sạn, nhất là từ thức ăn đường phố. Để ngăn ngừa, xử lý tình trạng NĐTP, Bộ Y tế đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 44/CĐ-TTg ngày 03/5/2024 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về ATTP.
Bên cạnh đó, bộ đã nhiều lần có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành phố, Sở ATTP TPHCM, Ban quản lý ATTP TP.Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh về việc ngăn ngừa tình trạng NĐTP, xử lý nghiêm các sai phạm...