Sửa đổi quy chế tuyển sinh: Tiếng Anh không còn mặc định là môn thi thứ 3
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có văn bản gửi các cơ quan chuyên môn, quản lý nhà nước về giáo dục ở địa phương lấy ý kiến sửa đổi quy chế tuyển sinh đối với cấp THCS và THPT.
Thí sinh dự tuyển vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 bằng hình thức thi kết hợp xét tuyển.
Một trong những thay đổi đáng chú ý là, ngoài hai môn bắt buộc, môn thi thứ 3 được chọn bằng cách bốc thăm. Tuyển sinh vào lớp 10 cũng không còn phương thức thi kết hợp với xét tuyển. Đặc biệt, điểm thi và điểm chuẩn sẽ được công bố cùng lúc. Thay đổi nêu trên được cho là để tương thích với kỳ thi tốt nghiệp THPT của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào năm 2025.
Hai phương án tuyển sinh
Phương án xét tuyển: Căn cứ để xét tuyển là kết quả rèn luyện và kết quả học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Phương án thi tuyển:Số lượng môn thi là ba môn, gồm Toán, Ngữ văn và một môn thi do Sở GD&ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Môn thi được bốc thăm phải công bố trước ngày 31.3 hằng năm.
Đối với việc tuyển sinh vào trường THPT chuyên, mỗi môn chuyên có thêm một môn thi chuyên. Nội dung đề thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, chủ yếu chương trình lớp 9. Mỗi môn thi chuyên được thi bằng một đề thi riêng theo chương trình môn học trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, đề thi bảo đảm lựa chọn được những học sinh có năng khiếu về môn chuyên đó.
Ra đề thi
Thành phần hội đồng ra đề thi gồm: Chủ tịch hội đồng, phó chủ tịch hội đồng, ủy viên, thư ký, cán bộ công an, nhân viên phục vụ, nhân viên y tế, lực lượng bảo vệ. Chủ tịch hội đồng là lãnh đạo Sở, phó chủ tịch hội đồng là lãnh đạo Sở hoặc lãnh đạo các phòng trực thuộc Sở. Ủy viên là chuyên viên Sở, cán bộ quản lý, giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn phù hợp, am hiểu chương trình môn học ở cấp trung học cơ sở, trong đó mỗi môn thi có ít nhất một giáo viên cấp trung học cơ sở.
Thành phần hội đồng ra đề thi đối với cơ sở giáo dục đại học gồm: Chủ tịch hội đồng, phó chủ tịch hội đồng, ủy viên, thư ký, cán bộ công an, nhân viên phục vụ, nhân viên y tế, lực lượng bảo vệ. Chủ tịch hội đồng là lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học; phó chủ tịch hội đồng là lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học hoặc lãnh đạo các phòng trực thuộc cơ sở giáo dục đại học. Ủy viên là cán bộ quản lý, giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn phù hợp, am hiểu chương trình môn học ở cấp trung học cơ sở, trong đó mỗi môn thi có ít nhất một giáo viên cấp trung học cơ sở.
Công tác ra đề thi phải bảo đảm an toàn, bảo mật ở tất cả các khâu: ra đề, in sao đề thi, vận chuyển, bàn giao và bảo quản đề thi. Đề thi bảo đảm chính xác, khoa học và tính sư phạm, có đề thi chính thức và đề thi dự bị, mỗi đề thi có đáp án kèm theo, riêng đề thi tự luận có thêm hướng dẫn chấm thi.
Công tác coi thi, chấm thi
Công tác coi thi phải bảo đảm tính công bằng, an toàn, nghiêm túc. Các quy trình coi thi và phân công trách nhiệm các thành phần tham gia coi thi phải đầy đủ, rõ ràng, bảo đảm tính độc lập, khách quan giữa các khâu, có biện pháp hiệu quả chống gian lận trong thi cử. Bố trí cơ cấu cán bộ coi thi, cán bộ giám sát coi thi phù hợp với số lượng phòng thi. Số lượng thí sinh trong mỗi phòng thi không quá 24 thí sinh, mỗi phòng thi bố trí 2 cán bộ coi thi.
Thành phần hội đồng chấm thi gồm: Chủ tịch hội đồng, phó chủ tịch hội đồng, thư ký, cán bộ chấm thi, cán bộ công an, nhân viên phục vụ, nhân viên y tế, lực lượng bảo vệ. Chủ tịch hội đồng là lãnh đạo Sở, phó chủ tịch hội đồng là lãnh đạo Sở hoặc lãnh đạo các phòng trực thuộc Sở. Cán bộ chấm thi là giáo viên am hiểu chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Thành phần Hội đồng chấm thi đối với cơ sở giáo dục đại học gồm: Chủ tịch hội đồng, phó chủ tịch hội đồng, thư ký, cán bộ chấm thi, cán bộ công an, nhân viên phục vụ, nhân viên y tế, lực lượng bảo vệ. Chủ tịch hội đồng là lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học, phó chủ tịch hội đồng là lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học hoặc lãnh đạo các phòng trực thuộc cơ sở giáo dục đại học. Cán bộ chấm thi là giáo viên am hiểu chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Việc chấm thi phải bảo đảm an toàn, bảo mật bài thi ở tất cả các khâu nhận bàn giao bài thi, bảo quản bài thi, làm phách, tổ chức chấm thi. Đối với bài thi tự luận, phải tổ chức cho cán bộ chấm thi nghiên cứu, thảo luận vận dụng đáp án và hướng dẫn chấm; tổ chức chấm chung ít nhất mười bài thi, tổ chức chấm hai vòng độc lập. Đối với bài thi trắc nghiệm, phải tổ chức tập huấn cho cán bộ chấm thi về sử dụng phần mềm chấm thi; phần mềm chấm thi phải bảo đảm chính xác, khoa học, được nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng chấm thi.
Phúc khảo bài thi
Việc phúc khảo bài thi phải bảo đảm quyền lợi chính đáng cho thí sinh, công bằng, khách quan. Bảo đảm an toàn, bảo mật ở tất cả các khâu rút bài thi, bàn giao bài thi, bảo quản bài thi, chấm phúc khảo bài thi.
Đối với bài thi tự luận, phải tổ chức cho cán bộ chấm thi thảo luận, nghiên cứu vận dụng đáp án và hướng dẫn chấm, tổ chức chấm phúc khảo hai vòng độc lập như quy trình chấm thi. Đối với bài thi trắc nghiệm, thực hiện đối chiếu từng câu trả lời đã tô trên phiếu trả lời trắc nghiệm với hình ảnh đã quét lưu trong máy tính.
Nếu có những sai lệch giữa phiếu trả lời trắc nghiệm và kết quả lưu trên máy tính, phải xác định rõ nguyên nhân để tìm ra kết quả chính xác. Thực hiện in kết quả chấm từ phần mềm chấm thi trước và sau khi sửa lỗi để lưu hồ sơ. Phần mềm chấm phúc khảo phải bảo đảm chính xác, khoa học; được nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng chấm phúc khảo.
Việc công bố điểm chuẩn được thực hiện đồng thời với công bố điểm thi. Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT căn cứ các hướng dẫn, quy chế thi hiện hành của Bộ GD&ĐT để quy định cụ thể việc ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.